Chủ động phòng bệnh cúm mùa
Bệnh cúm mùa có xu hướng lan rộng thành dịch vào mùa Đông. Bệnh có khả năng lây nhiễm qua đường hô hấp, các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi. Vì vậy, cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhằm hạn chế sự lây lan của bệnh.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - bác sĩ (BS) Chuyên khoa II Huỳnh Hữu Dũng cho biết: “Thời tiết đặc trưng của mùa Đông Xuân với không khí lạnh, khô và hanh tạo điều kiện cho các vi sinh vật phát triển mạnh, đặc biệt là những virút cúm mùa. Những người lớn tuổi, trẻ em, người có bệnh nền, hệ miễn dịch suy giảm rất dễ mắc bệnh và cần đặc biệt cẩn trọng khi nhiễm cúm. Theo ghi nhận của Bộ Y tế, năm 2024, cả nước có hơn 3.000 trường hợp mắc cúm mùa. Trong đó, một số trường hợp ghi nhận cúm A (H1N1). Riêng tỉnh Long An, bệnh cúm mùa và cúm A (H1N1) tăng hơn so cùng kỳ năm trước”.
Bệnh cúm là bệnh truyền nhiễm virút cúm tấn công hệ hô hấp của người bệnh - mũi, cổ họng và phổi. Bệnh cúm có thể trở nên nguy hiểm, gây ra các biến chứng, làm tổn thương cơ thể ở mức độ nghiêm trọng, thậm chí tử vong đối với những người có hệ miễn dịch kém.
Ngoài ra, nhiều người có tâm lý chủ quan khi mắc cúm, cho rằng chỉ là bệnh nhẹ và không đi khám sớm. Khi bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân mới nhập viện thì đã trong tình trạng suy đa cơ quan, tiên lượng điều trị sẽ rất khó khăn. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị cúm sớm là vô cùng quan trọng.
![Hiện tại, một số chủng cúm mùa đã có vắc-xin phòng ngừa. Vì vậy, người dân nên chủ động tiêm phòng đầy đủ](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_440_51447362/e78b3f6e0a20e37eba31.jpg)
Hiện tại, một số chủng cúm mùa đã có vắc-xin phòng ngừa. Vì vậy, người dân nên chủ động tiêm phòng đầy đủ
Thời gian qua, công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe được các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành Y tế chú trọng. Qua đó, người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống các bệnh.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Phượng (ấp 4, xã Bình Tâm, TP.Tân An) chia sẻ: “Ngoài tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ cho con, tôi còn bổ sung đầy đủ dưỡng chất, nhất là các loại vitamin và khoáng chất theo ý kiến tham khảo từ BS để con tăng cường sức đề kháng, chống lại các bệnh thường gặp”.
Thời gian qua, Sở Y tế quan tâm chỉ đạo các địa phương theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, nhất là sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, viêm phổi nặng do virút, các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trong mùa lễ hội Xuân và các bệnh truyền nhiễm phổ biến như sởi, sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, các bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Đối với địa bàn các huyện biên giới, tăng cường công tác kiểm dịch y tế; chủ động triển khai hiệu quả hoạt động giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh tại cửa khẩu, trong cộng đồng, tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan và hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong.
![Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe luôn được ngành Y tế đẩy mạnh thực hiện](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_440_51447362/2903cfe6faa813f64ab9.jpg)
Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe luôn được ngành Y tế đẩy mạnh thực hiện
BS Chuyên khoa II Huỳnh Hữu Dũng cho biết thêm: “Những ngày gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng thông tin những vụ cúm mùa tăng cao ở những nước xung quanh Việt Nam như Nhật Bản, Trung Quốc,... Đây là hiện tượng bình thường như mọi năm. Năm nay, do thời tiết lạnh kéo dài nên bệnh có xu hướng gia tăng. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh chưa phát hiện bất thường trong công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân cúm mùa”.
BS Chuyên khoa II Huỳnh Hữu Dũng khuyến cáo: “Người dân không nên hoang mang, lo lắng nhưng cũng không nên chủ quan, lơ là trước các diễn biến của dịch bệnh. Người bệnh cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay; cần giữ ấm cơ thể; không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết”.
Để giảm nguy cơ mắc bệnh, ngoài sự vào cuộc của ngành Y tế, người dân cần thực hiện lối sống lành mạnh; ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng; nên ăn thức ăn đã được nấu chín và uống nước lọc hoặc nước đã đun sôi để nguội; tăng cường vận động thể lực để nâng cao sức khỏe.
Đặc biệt, hiện tại, một số chủng cúm mùa đã có vắc-xin phòng ngừa. Vì vậy, người dân nên chủ động tiêm phòng đầy đủ. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu hay mệt mỏi, người bệnh không nên mua thuốc điều trị tại nhà mà cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời./.