Tập trung cải cách hành chính ngay từ đầu năm
Xác định cải cách hành chính (CCHC) lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, vì vậy, Kế hoạch CCHC Nhà nước tỉnh đã được ban hành ngay từ đầu năm 2025 nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025.

VNPT Vĩnh Phúc luôn tiên phong trong việc xây dựng và phát triển các giải pháp ứng dụng số, góp phần phát huy hiệu quả công tác cải cách hành chính của tỉnh. Ảnh: Nguyễn Lượng
Ngay sau khi Kế hoạch CCHC Nhà nước tỉnh năm 2025 được ban hành, các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh kịp thời xây dựng và triển khai kế hoạch CCHC phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.
Tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông với mục tiêu phi địa giới hành chính trên môi trường điện tử, đa dạng hóa phương thức tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa TTHC; công khai, công bố TTHC theo quy định gắn với công tác cải tạo cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, đảm bảo điều kiện để phục vụ công việc của cán bộ, công chức và hoạt động giao dịch của tổ chức, cá nhân...
Trong tháng 1/2025, việc tiếp nhận, giải quyết TTHC của các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương trong tỉnh được duy trì, thực hiện đúng theo quy định. Trong đó, ở cấp tỉnh, số hồ sơ trả trước và đúng hạn chiếm 87,68%; cấp huyện, cấp xã, tỷ lệ hồ sơ có kết quả trả trước và đúng hạn chiếm 93,51%; đặc biệt, số hồ sơ chậm hạn và hồ sơ quá hạn giải quyết nhưng chưa có kết quả chỉ chiếm 1%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến tại các sở, ban, ngành trung bình đạt 51,22%/tổng số hồ sơ giải quyết; 100% huyện, thành phố phát sinh hồ sơ nộp trực tuyến với tỷ lệ trung bình đạt 87,68%/tổng số hồ sơ giải quyết.
Qua đó thể hiện sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của UBND các huyện, thành phố bằng nhiều giải pháp sáng tạo, đồng bộ để nâng cao tỷ lệ giải quyết TTHC dịch vụ công (DVC) trực tuyến toàn trình và một phần. Một số huyện, thành phố đạt tỷ lệ giải quyết TTHC trên môi trường điện tử cao như Vĩnh Yên, Lập Thạch, Yên Lạc...
Thực hiện kế hoạch CCHC Nhà nước của tỉnh, huyện Lập Thạch đã tập trung xây dựng chính quyền liêm chính phục vụ, thực hiện quyết liệt CCHC từ cấp xã. Xây dựng và ban hành kế hoạch kiểm tra công tác kiểm soát TTHC, cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn; kế hoạch kiểm tra công tác CCHC…
Mặt khác, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành; gắn nhiệm vụ CCHC với công tác thi đua, khen thưởng và đánh giá, xếp loại hằng năm đối với các cơ quan, đơn vị… Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả xử lý công việc, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho các tổ chức, cá nhân.
Từ ngày 1/1 - 11/2/2025, bộ phận một cửa các cấp trên địa bàn đã tiếp nhận 3.326 hồ sơ. Trong đó, có 2.907 hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn, chiếm 87,4%; một số địa phương làm tốt công tác CCHC, không để hồ sơ bị tồn đọng, quá hạn, điển hình như xã Quang Sơn, Văn Quán, Bắc Bình…

Cán bộ Bộ phận một cửa xã Hướng Đạo (Tam Dương) hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Nguyễn Lượng
Quyền Chánh văn phòng UBND huyện Lập Thạch Hà Thị Kim Dung cho biết: Quán triệt nguyên tắc “Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng làm thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp”, UBND huyện thường xuyên xây dựng các văn bản chỉ đạo triển khai phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các phòng, ban chuyên môn và sát với tình hình thực tiễn của địa phương.
Khuyến khích các cơ quan, đơn vị và địa phương trong huyện tích cực nghiên cứu, áp dụng các mô hình, sáng kiến mới vào giải quyết TTHC. Đặc biệt, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm minh các trường hợp có sai phạm, khuyết điểm trong thực thi công vụ để nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Qua đó không chỉ phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn mà còn giúp địa phương ngày càng thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực vào phát triển KT-XH trên địa bàn.
Phấn đấu đến hết năm 2025, Vĩnh Phúc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 76 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch CCHC Nhà nước tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 đề ra, trên tinh thần tiếp tục củng cố, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh trong giai đoạn mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.
Rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa TTHC trên tất cả lĩnh vực quản lý Nhà nước, nhất là TTHC liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường cung cấp DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
Tập trung chỉ đạo cải thiện và nâng cao chỉ số CCHC, trọng tâm là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết TTHC.
Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật gắn với thường xuyên kiểm tra, rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC hoặc bãi bỏ các THHC không cần thiết để nâng cao chất lượng và mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh...