Tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật được kết cấu thành 12 Điều với phạm vi điều chỉnh là quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính, nguồn nhân lực, phát triển và ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, sáng 15/5. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đưa ra khi trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết tại phiên họp sáng 15/5.
Về cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng pháp luật, dự thảo Nghị quyết có ba nội dung cơ bản.
Cụ thể, dự thảo Nghị quyết quy định, ngân sách nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Nguồn ngân sách không chỉ để bảo đảm chi cho xây dựng, ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tham gia xây dựng pháp luật quốc tế mà còn bảo đảm chi cho những lĩnh vực, nội dung quan trọng, thiết yếu, cơ bản của công tác xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế thực hiện khoán chi, trả thù lao, thuê khoán theo từng nhiệm vụ hoặc theo từng hoạt động trong xây dựng pháp luật; gắn với quyền chủ động và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan thực hiện nhiệm vụ, hoạt động trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc về áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt, về định mức chi vượt trội quy định tại Nghị quyết và theo quy định của Chính phủ (ít nhất gấp từ 3 lần đến gấp 5 lần so với định mức hiện tại).
Dự thảo Nghị quyết cũng quy định về Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được nhà nước bảo đảm vốn điều lệ từ nguồn ngân sách 0,5% nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật, được nhận các nguồn hỗ trợ hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong nước.
Đáng chú ý, dự thảo Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp) cho người tham gia công tác xây dựng pháp luật.
Dự thảo Nghị quyết quy định cụ thể các giải pháp để Nhà nước có chính sách, cơ chế đặc biệt thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật từ tổ chức đào tạo chuyên sâu, ưu tiên tuyển dụng, thu hút trọng dụng, đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao; cơ chế quy hoạch, biệt phái cán bộ; cho đến áp dụng cơ chế tự chủ lựa chọn cách thức hợp tác hoặc thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn trong công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật.
Dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế, chính sách cho xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật; ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phát triển trợ lý ảo về xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật trên cơ sở khai thác các nguồn cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thông tin, nền tảng số phục vụ hoạt động quản lý, xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật...

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, sáng 15/5. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết; nhất trí việc xây dựng dự thảo Nghị quyết theo hướng như Chính phủ đề xuất, vừa có quy định chung, khái quát, mang tính nguyên tắc, vừa có một số quy định cụ thể để có thể thi hành ngay sau khi Nghị quyết được thông qua, sớm đưa chủ trương, chính sách mới của Đảng tại Nghị quyết số 66-NQ/TW và các nghị quyết có liên quan vào cuộc sống.