Tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay
Kinh tế tư nhân còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn, công nghệ, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao. Một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả và khó tiếp cận. Số liệu thống kê cho thấy, chỉ khoảng 30 đến 35% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có thể tiếp cận vốn ngân hàng.

Ông Nguyễn Văn Thân.
Ông Nguyễn Văn Thân - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề vốn cho DN.
PV: Thưa ông, phần lớn các DN hiện nay đều trông đợi vào vốn ngân hàng, nhiều chính sách cũng được ban hành để đưa vốn ra nền kinh tế, hỗ trợ DN. Vậy nhưng, DN vẫn khó tiếp cận vốn vay. Vậy đâu là vướng mắc lớn nhất?
Ông Nguyễn Văn Thân: Hiện nay, các ngân hàng thương mại chủ yếu tập trung cho vay đối với DN lớn vì họ có tài sản bảo đảm và dòng tiền mạnh. Còn DNNVV, do quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính yếu nên đa số không có tài sản thế chấp đủ điều kiện vay vốn. Theo thống kê, chỉ khoảng 30 đến 35% DNNVV có thể tiếp cận vốn ngân hàng.
Trước đây, vấn đề lớn nhất là lãi suất. Nhưng thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, lãi suất vay đã giảm đáng kể. Thậm chí, một số nhóm DN, trong đó có DNNVV, còn được hưởng lãi suất ưu đãi.
Cùng với đó, thủ tục hành chính cũng đã được đơn giản hóa, nhiều ngân hàng ứng dụng công nghệ để đẩy nhanh quy trình xét duyệt hồ sơ. Nhưng rào cản tài sản thế chấp vẫn là bài toán nan giải.
Thưa ông, DNNVV làm gì để nâng cao khả năng vay vốn?
Ngân hàng cũng là DN, họ phải chịu trách nhiệm với từng đồng vốn cho vay. Muốn vay được vốn, DN phải chứng minh được mình đáng tin cậy.
Trước hết, DNNVV cần xác định rõ mục đích vay vốn và xây dựng kế hoạch kinh doanh chặt chẽ. Ngân hàng không chỉ quan tâm đến tài sản thế chấp, mà còn đánh giá khả năng sử dụng vốn của DN. Nếu DN có chiến lược kinh doanh rõ ràng, dòng tiền tốt, thì cơ hội vay vốn sẽ cao hơn.
Cùng với đó, báo cáo tài chính phải minh bạch, có kiểm toán độc lập. Đây là điểm yếu của nhiều DNNVV, khi sổ sách kế toán chưa đầy đủ, thiếu tính chuyên nghiệp.
Một điểm quan trọng nữa là DNNVV nên tăng cường liên kết với nhau để tạo thành các chuỗi cung ứng, từ đó có thể vay theo hợp đồng đầu vào - đầu ra. Nếu chỉ một DN nhỏ lẻ đi vay, ngân hàng sẽ e ngại. Nhưng nếu nhiều DN liên kết lại, tạo ra một hệ sinh thái kinh doanh ổn định, thì ngân hàng sẽ có cơ sở để cấp tín dụng mà không đòi hỏi nhiều về tài sản thế chấp.
Bên cạnh việc khuyến khích các ngân hàng linh hoạt hơn trong xét duyệt tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng cần đưa ra chỉ tiêu cụ thể cho các tổ chức tín dụng về tỷ lệ vốn dành cho DNNVV. Khi có chỉ tiêu rõ ràng, các ngân hàng sẽ buộc phải tìm cách tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh giải ngân, thay vì e dè rủi ro mà thu hẹp phạm vi cho vay. Nếu không có ràng buộc cụ thể, mọi chính sách hỗ trợ dù có thiện chí đến đâu cũng khó đi vào thực tế.
Chính phủ cũng cần giao trách nhiệm cụ thể cho từng địa phương trong việc phát triển cộng đồng DN. Để đạt mục tiêu 2 triệu DN vào năm 2030, mỗi địa phương cần có lộ trình rõ ràng, chẳng hạn đặt mục về số lượng DN mới thành lập hàng năm. Khi có chỉ tiêu này, chính quyền địa phương sẽ chủ động đưa ra những chính sách thuận lợi, thúc đẩy hộ kinh doanh lớn mạnh, chuyển đổi thành DN. Như vậy, sự hỗ trợ không chỉ dừng ở khâu khuyến khích mà còn cần có cơ chế thúc đẩy thực chất.
Cùng với đó, vai trò của các hiệp hội cũng cần được nâng cao. Không nên để các hiệp hội hoạt động rời rạc mà cần giao cho họ nhiệm vụ rõ ràng trong việc giám sát, đánh giá quá trình thực thi chính sách, cũng như tham gia vào các cơ quan quản lý quỹ hỗ trợ DNNVV.
Một giải pháp quan trọng khác là thay đổi cách vận hành các quỹ hỗ trợ. Thay vì ủy thác vốn cho ngân hàng thương mại, các quỹ này cần trực tiếp bảo lãnh tín dụng và chấp nhận một phần rủi ro để giúp DN dễ dàng tiếp cận vốn hơn. Khi đó, quỹ không chỉ đóng vai trò hỗ trợ mà còn trở thành một đòn bẩy tài chính hiệu quả.
Nhưng thưa ông, câu chuyện sâu xa nhất vẫn phải phát triển một thị trường vốn đa dạng?
Đúng vậy, đây là vấn đề quan trọng. Chúng ta cần một hệ sinh thái tài chính đa dạng hơn, để DNNVV có nhiều lựa chọn tiếp cận vốn, thay vì chỉ xoay quanh ngân hàng. Khi thị trường vốn được phát triển đầy đủ, không chỉ DNNVV hưởng lợi mà nền kinh tế cũng sẽ năng động hơn.
Trước hết, quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV cần được mở rộng. Nếu quỹ này được tăng quy mô và cải tiến quy trình, thì nhiều DNNVV sẽ dễ dàng tiếp cận vốn hơn.
Thị trường chứng khoán và trái phiếu DN cần được phát triển hơn nữa. Hiện nay, chỉ có các DN lớn mới đủ điều kiện phát hành trái phiếu, còn DNNVV gần như không có cơ hội tham gia. Nếu có cơ chế hỗ trợ, DNNVV có thể huy động vốn từ các nhà đầu tư thay vì chỉ phụ thuộc vào ngân hàng.
Trân trọng cảm ơn ông!