Từ Nghị quyết 68 đến luật quản lý vốn: Nhận thức rõ hơn về vai trò doanh nghiệp nhà nước

Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ tỷ lệ vốn, trách nhiệm doanh nghiệp nhà nước, thù lao người đại diện và khái niệm liên quan trong quản lý vốn nhà nước.

Phải phân biệt rõ tỷ lệ sở hữu, tránh đánh đồng vốn góp với cổ phần

Tham gia góp ý tại phiên thảo luận sáng 13/5, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) đề nghị chỉnh sửa nhiều nội dung trong dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, một số điều khoản hiện nay đang gây hiểu lầm hoặc chưa đủ rõ ràng để phân biệt vai trò giữa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước với các doanh nghiệp có sở hữu vốn nhà nước dưới 50%.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương). Ảnh: VPQH

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương). Ảnh: VPQH

Tại Điều 10, đại biểu Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh, cần tách riêng hoặc làm rõ quy định về đầu tư vốn vào các doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu nhà nước dưới 50%. Đây là nhóm doanh nghiệp mà Nhà nước chưa nắm quyền chi phối, do đó cơ chế quản lý vốn cũng phải khác biệt với doanh nghiệp có trên 50% vốn.

"Không thể viết chung chung về đầu tư bổ sung vốn vào doanh nghiệp mà không làm rõ tỷ lệ sở hữu. Việc này sẽ dẫn tới vận dụng sai giữa vốn góp và cổ phần, đặc biệt trong các trường hợp xử lý lỗ lũy kế hay đầu tư bổ sung vào doanh nghiệp đang lỗ", đại biểu Nguyễn Quang Huân cảnh báo.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề xuất cần viết lại Điều 27 cho sáng nghĩa, trong đó không nên sử dụng trùng lặp khái niệm "vốn chủ sở hữu". Thay vào đó, phải định danh rõ ràng: vốn góp áp dụng với công ty TNHH, còn cổ phần dành cho công ty cổ phần. Việc dùng ngôn ngữ chính xác sẽ giúp luật dễ hiểu, dễ áp dụng và tránh mập mờ trách nhiệm.

Về Điều 20 liên quan đến đầu tư của doanh nghiệp vào các thực thể có liên quan, đại biểu Nguyễn Quang Huân chỉ rõ: "Quy định hiện hành đang diễn đạt dài dòng và không chính xác. Phải gom lại thành một khoản về hành vi bị cấm, định nghĩa rõ khái niệm ''người liên quan'', không thể để hiểu rằng doanh nghiệp chỉ bị cấm nếu có cả hai mối quan hệ với Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị".

Đặc biệt, đại biểu Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh đến Điều 41 quy định về thù lao, tiền thưởng cho người đại diện phần vốn góp nhà nước: "Nếu cá nhân không làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp thì không thể nhận thù lao từ doanh nghiệp. Việc này trái với chuẩn mực liêm chính mà nhiều nước đang áp dụng và có thể khiến Việt Nam gặp bất lợi khi đánh giá thể chế kinh tế thị trường".

Doanh nghiệp nhà nước không thể làm mọi thứ, phải tập trung đúng vai trò theo Nghị quyết 68

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) nhìn nhận, dự thảo Luật cần gắn với tinh thần của Nghị quyết 68, trong đó xác định rõ: Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, nhưng doanh nghiệp nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo trong các lĩnh vực then chốt, bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế mà khu vực tư nhân không thể thay thế.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình). Ảnh: VPQH

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình). Ảnh: VPQH

"Không thể nói, tư nhân làm được thì Nhà nước không cần làm. Doanh nghiệp nhà nước là ngân sách của dân, của Nhà nước và cũng tạo công ăn việc làm, nộp thuế, bảo đảm các lĩnh vực như năng lượng, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội mà tư nhân không thể hoặc không muốn làm", đại biểu Nguyễn Văn Thân nêu rõ.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Thân cũng lưu ý, cần giao nhiệm vụ cụ thể và đúng với chức năng, tránh tình trạng doanh nghiệp nhà nước thấy lĩnh vực nào lợi nhuận cao như bất động sản thì tự ý nhảy vào. Việc đầu tư ngoài ngành phải có chỉ đạo rõ ràng từ Chính phủ, đúng với phạm vi hoạt động đã được xác lập.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Thân, một số đại biểu còn nhầm lẫn giữa khái niệm kinh tế tư nhân với doanh nghiệp tư nhân. Kinh tế tư nhân là toàn bộ khu vực ngoài nhà nước, kể cả cá nhân kinh doanh, người lao động làm thêm, không chỉ là doanh nghiệp tư nhân. Việc xác định lại khái niệm giúp hiểu đúng vai trò của từng khu vực trong nền kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân cũng cho rằng, cần trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp nhà nước trong việc góp vốn, mua cổ phần ở các công ty tư nhân nếu thấy có hiệu quả. "Chỉ cần không can thiệp điều hành, không làm méo mó thị trường thì doanh nghiệp nhà nước có quyền tìm kiếm lợi ích chính đáng từ việc tham gia thị trường vốn như bất kỳ chủ thể nào khác".

Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh: "Vấn đề không nằm ở mô hình mà nằm ở người thực thi. Doanh nghiệp nhà nước không yếu về năng lực, cái thiếu là khung pháp lý rõ ràng và cơ chế giám sát minh bạch".

Theo dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ sẽ được quyền: Tự quyết định chiến lược kinh doanh, đầu tư trong phạm vi pháp luật (Điều 18); chủ động huy động vốn và phân phối lợi nhuận (Điều 20, Điều 25); được bảo vệ quyền tự chủ trước can thiệp hành chính (Điều 5); được cơ quan đại diện chủ sở hữu giám sát thông qua người đại diện vốn (Điều 6, Điều 27); có trách nhiệm bảo toàn, phát triển vốn và giải trình trước các cơ quan có thẩm quyền (Điều 26, Điều 49).

Hoàng Nhưỡng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tu-nghi-quyet-68-den-luat-quan-ly-von-nhan-thuc-ro-hon-ve-vai-tro-doanh-nghiep-nha-nuoc-387347.html
Zalo