Tạo đà cho kinh tế tư nhân - Bài 3: Mở cửa 'đón khách' FDI
Tạo đà cho kinh tế tư nhân - Bài 1: Tăng tốc mạnh mẽ
Tạo đà cho kinh tế tư nhân - Bài 2: Trung tâm tiêu thụ lúa gạo
(ABO) Chuyển động kinh tế tư nhân của Tiền Giang đi cùng với bức tranh chung của đất nước, đặc biệt kể từ khi mở cửa đổi mới, Tiền Giang đón nhận những dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Chưa hết, để tận dụng và khai thác tốt hơn nguồn lực này, từ năm 2008, Tiền Giang cũng đã xây dựng Đề án Định hướng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài tỉnh Tiền Giang - thời kỳ 2008-2020 và phát huy hiệu quả tích cực.
NHỮNG DÒNG VỐN ĐẦU TIÊN
Nhìn lại, nếu tính dấu mốc từ năm 1986, khi đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới, chủ trương thu hút những dòng vốn FDI cũng được manh nha, nhất là từ khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực. Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987, từ năm 1990 tỉnh bắt đầu tiếp nhận dự án có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên. Nếu tính đến cuối năm 2007, Tiền Giang đã thu hút 31 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư 342 triệu USD. Trong số 31 dự án, có 13 dự án được thành lập theo hình thức liên doanh, 18 dự án được thành lập theo hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Công ty TNHH Một thành viên Pungkook Bến Tre - Chi nhánh Mỹ Tho, 100% vốn Hàn Quốc, có mặt tại Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh vào năm 2016.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Tiền Giang cũng trải qua nhiều giai đoạn. Chẳng hạn, giai đoạn 1991-1995, đây là thời kỳ đầu Việt Nam chính thức cho phép người nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, do môi trường đầu tư còn khá mới, nhà đầu tư nước ngoài đến Tiền Giang đầu tư dự án chủ yếu thông qua hình thức liên doanh với các doanh nghiệp nhà nước tại tỉnh, 6 dự án thu hút được trong giai đoạn này đều là các dự án liên doanh, với tổng vốn đầu tư thu hút được khoảng 60 triệu USD. Dự án có vốn đầu tư lớn nhất trong giai đoạn này là Công ty Liên doanh Rượu bia BGI-Tiền Giang, vốn đầu tư 43 triệu USD, do tập đoàn Bia đá quốc tế BGI của Pháp đầu tư, đây là một tập đoàn lớn và có danh tiếng.
Theo đánh giá chung, thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh Tiền Giang trong thời kỳ này là khá tốt, Tiền Giang luôn đứng đầu trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và là một trong những địa phương thuộc tốp dẫn đầu cả nước (đứng thứ 8) về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các dự án FDI đến Tiền Giang chủ yếu là để khai thác thế mạnh của tỉnh nông nghiệp, có nhiều đầu mối tập trung hàng nông sản của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, là nơi cung cấp nguyên liệu dồi dào cho các nhà máy chế biến gạo và trái cây xuất khẩu.

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Một thành viên Pungkook Bến Tre - Chi nhánh Mỹ Tho,
Bước sang giai đoạn 1996-2000, Tiền Giang thu hút được 5 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký mới gần 50 triệu USD, giảm 17% so với thời kỳ 1991-1995. Giai đoạn 2001-2005, Tiền Giang thu hút được 9 dự án mới với tổng vốn đầu tư hơn 66 triệu USD, tăng 34% so với thời kỳ 1996-2000. Đáng chú ý là trong giai đoạn năm 2006-2007, tỉnh Tiền Giang đã cấp phép cho 11 dự án mới, vốn đăng ký mới là 165 triệu USD. Trong đó, vốn 11 dự án mới đăng ký đầu tư hơn 143 triệu USD, quy mô vốn bình quân 1 dự án là 13 triệu USD. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là chế biến nông sản và thủy sản, chế biến thức ăn chăn nuôi, may mặc, cơ khí, kinh doanh bất động sản. Theo đó, giai đoạn này có 8 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vốn hơn 157 triệu USD vào Tiền Giang, chiếm 95% tổng vốn đầu tư.
CHUYỂN ĐỘNG MẠNH
Một trong những dấu mốc quan trọng liên quan đến kinh tế khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2006 đã mở ra nhiều cơ hội và thách thức. Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng là nước có nền kinh tế kém phát triển, đang vươn lên ở mức phát triển trung bình của thế giới. Các nhà đầu tư nước ngoài đã chú ý hơn đến Việt Nam, làn sóng đầu tư chảy vào Việt Nam mạnh mẽ hơn, Việt Nam trở thành điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Chưa kể, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các nghị định hướng dẫn thi hành hai Luật này đã được ban hành và chính thức có hiệu lực áp dụng từ 1-7-2006, chính sách đầu tư của Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung theo lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế trên các nguyên tắc tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tạo sự thông thoáng và thuận lợi, yên tâm hơn cho nhà đầu tư để đầu tư vốn và triển khai thực hiện dự án. Môi trường đầu tư của cả nước và ở từng địa phương không ngừng được cải thiện để sẵn sàng tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài.
Sau khi Việt Nam chính thức gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thu hút đầu tư nước ngoài vào nước ta tăng nhanh, nhà đầu tư nước ngoài đến Tiền Giang để tìm hiểu về môi trường đầu tư và tìm đất cho dự án càng nhiều. Nhờ đó, thu hút đầu tư nước ngoài vào Tiền Giang đã tăng lên đáng kể.

Dây chuyền sản xuất của Công ty NAM OF LONDON tại Khu công nghiệp Mỹ Tho.
Để tận dụng các cơ hội mới, đồng thời thu hút nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, năm 2008 Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Tiền Giang đã chủ trì xây dựng Đề án Định hướng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài tỉnh Tiền Giang - thời kỳ 2008 -2020, với định hướng là khuyến khích thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành dịch vụ, công nghiệp kỹ thuật cao, có hàm lượng chất xám và tạo ra giá trị gia tăng cao; các dự án ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, điện tử, vật liệu mới, sản xuất phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và các ngành mà tỉnh có nhiều lợi thế cạnh tranh gắn với công nghệ hiện đại, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tỉnh Tiền Giang cũng khuyến khích các nhà đầu tư từ tất cả các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm năng lớn vế tài chính và nắm công nghệ nguồn từ các nước công nghiệp phát triển; tạo thuận lợi cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư vế nước…
Với những bước đi bài bản và hiệu quả, đến nay thu hút đầu tư của Tiền Giang đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang. Con số cụ thể cho thấy, giai đoạn 2021-2023 tỉnh Tiền Giang thu hút được 43 dự án đầu tư (có 17 dự án vốn đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 13,5 ngàn tỷ đồng. Đến cuối năm 2024, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã thu hút được 112 dự án (trong đó có 84 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư là 2,8 tỷ USD (vốn đầu tư FDI) và 4.527 tỷ đồng (vốn đầu tư DDI); giải quyết việc làm cho 86.742 lao động.
Song song đó, các cụm công nghiệp đang hoạt động thu hút 68 dự án (trong đó có 6 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký 0,2 tỷ USD và hơn 998 tỷ đồng; các doanh nghiệp hoạt động sản xuất tương đối ổn định, giải quyết việc làm 14.583 lao động. Chưa kể, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện chiếm khoảng 77% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Tiền Giang.
A.P
(Còn tiếp)