Hiệu ứng tích cực từ đàm phán Mỹ - Trung, VN-Index tiến sát mốc 1.300 điểm

Dù chỉ là sự lắng dịu tạm thời, song diễn biến tích cực từ cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung vẫn đủ để tạo lực đẩy tâm lý cho thị trường tài chính và nhà đầu tư toàn cầu.

VN-Index tiến sát mốc 1.300 điểm

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục duy trì đà khởi sắc nhờ hiệu ứng tích cực từ đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

Trong phiên giao dịch ngày 13/5, VN-Index bật tăng mạnh mẽ với sự dẫn dắt từ cổ phiếu Vinpearl (VPL), qua đó củng cố tâm lý tích cực của nhà đầu tư.

Kết phiên, chỉ số VN-Index tăng 10,08 điểm (tương đương 0,79%) lên 1.293,43 điểm. Thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức cao, với giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE đạt 21.715 tỷ đồng, cho thấy dòng tiền đang có dấu hiệu quay trở lại thị trường. Tính chung toàn thị trường, giá trị giao dịch đạt khoảng 27.100 tỷ đồng, trong đó riêng khớp lệnh chiếm khoảng 24.000 tỷ.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục duy trì đà khởi sắc nhờ hiệu ứng tích cực từ đàm phán thương mại Mỹ - Trung (Ảnh minh họa).

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục duy trì đà khởi sắc nhờ hiệu ứng tích cực từ đàm phán thương mại Mỹ - Trung (Ảnh minh họa).

Điểm nhấn đáng chú ý trong phiên hôm nay là hoạt động giao dịch của khối ngoại. Sau chuỗi phiên bán ròng trước đó, khối ngoại đã bất ngờ đảo chiều mua ròng mạnh tay với tổng giá trị lên tới 985 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trên HoSE, khối này mua ròng gần 977 tỷ đồng, tập trung vào một số cổ phiếu dẫn dắt.

Dẫn đầu danh sách được mua ròng là cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân đội, với giá trị giao dịch đột biến lên tới 348 tỷ đồng. Tiếp theo là MWG (Thế Giới Di Động) với 315 tỷ đồng. Ngoài ra, PNJ và CTG cũng được khối ngoại mua ròng trên 200 tỷ đồng mỗi mã. Trên sàn HNX, khối ngoại ghi nhận mức mua ròng khoảng 21 tỷ đồng.

Về diễn biến ngành, sắc xanh chiếm ưu thế tại hầu hết các nhóm cổ phiếu. Tuy nhiên, nhóm tiện ích (utilities) lại là điểm trừ khi giảm điểm trên diện rộng. Các mã lớn trong nhóm như GAS, POW, REE, TDM, GEG, PPC... đồng loạt giao dịch dưới tham chiếu, kéo chỉ số ngành này đi xuống.

Nhóm bất động sản cũng ghi nhận diễn biến phân hóa. Dù VIC đảo chiều tăng nhẹ, góp phần hỗ trợ thị trường, nhưng nhiều mã trụ cột như NVL, VHM, VRE, CII vẫn đóng cửa trong sắc đỏ. Diễn biến này cho thấy lực cung tại nhóm bất động sản vẫn chưa được hấp thụ hết, trong khi dòng tiền chưa thực sự lan tỏa mạnh sang nhóm này.

Tính từ đầu tháng 5 đến nay, VN-Index đã có cú bứt phá đáng kể, tăng từ mốc 1.240 điểm lên 1.293 điểm – tương đương mức tăng hơn 50 điểm. Diễn biến tích cực này cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang dần cải thiện, với kỳ vọng lớn hơn vào khả năng phục hồi kinh tế, chính sách tiền tệ ổn định và sự khởi sắc của doanh nghiệp niêm yết trong quý II.

Nhiều dư địa để chứng khoán bứt phá

Tín hiệu tích cực từ đàm phán Mỹ - Trung không chỉ giúp xoa dịu tâm lý nhà đầu tư mà còn mở ra kỳ vọng mới cho nền kinh tế toàn cầu.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao tại Chứng khoán KIS Việt Nam, đánh giá, việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tạm thời hạ nhiệt căng thẳng thuế quan đã góp phần ổn định thị trường tài chính quốc tế, đồng thời giảm bớt áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo ông, nếu cuộc chiến thuế kéo dài, Trung Quốc có thể sẽ tìm cách giải phóng hàng tồn bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài Mỹ, gây sức ép lớn lên nhiều quốc gia xuất khẩu - trong đó có Việt Nam.

Tín hiệu tích cực từ đàm phán Mỹ - Trung không chỉ giúp xoa dịu tâm lý nhà đầu tư mà còn mở ra kỳ vọng mới cho nền kinh tế toàn cầu (Ảnh: Fox news).

Tín hiệu tích cực từ đàm phán Mỹ - Trung không chỉ giúp xoa dịu tâm lý nhà đầu tư mà còn mở ra kỳ vọng mới cho nền kinh tế toàn cầu (Ảnh: Fox news).

Dù những biến động vừa qua từng khiến VN-Index đánh mất mốc 1.300 điểm, ông Phương tin tưởng thị trường sẽ sớm phục hồi.

"Với hàng loạt thông tin tích cực như việc Mỹ tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày, đạt thỏa thuận thương mại song phương với Anh và đặc biệt là tiến triển trong đối thoại với Trung Quốc, tôi kỳ vọng VN-Index sẽ quay lại mốc 1.300 trong thời gian gần", ông nhận định.

Không chỉ trông chờ vào yếu tố bên ngoài, thị trường nội địa cũng đang có những nền tảng hỗ trợ.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu phát triển khách hàng cá nhân tại Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho biết, chỉ số CDS (Credit Default Swap) của Việt Nam kỳ hạn 5 năm đã giảm đáng kể trong tuần qua sau khi vọt lên mức 150 điểm hồi đầu tháng 4 do lo ngại về chính sách thuế toàn cầu.

Điều này phản ánh niềm tin của thị trường vào khả năng kiểm soát rủi ro vĩ mô của Việt Nam trong bối cảnh bất định. Thêm vào đó, Nghị quyết 68 của Chính phủ nhằm thúc đẩy kinh tế tư nhân cũng được xem là chất xúc tác quan trọng cho tăng trưởng.

Ông Minh đánh giá, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, việc đẩy mạnh đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp và kích cầu nội địa sẽ là ba trụ cột chính giúp Việt Nam duy trì ổn định và tăng tốc.

Thanh Thắng

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/hieu-ung-tich-cuc-tu-dam-phan-my-trung-vn-index-tien-sat-moc-1300-diem-192250513151204081.htm
Zalo