Tạo đà cho hoạt động xuất khẩu
Mặc dù bức tranh xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố Huế khá tươi sáng, song quá trình tận dụng các hiệp định thương mại tự do trong xuất khẩu vẫn còn nhiều rào cản. Việc đổi mới phương thức, quy trình sản xuất, cùng với đó là sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương là điều bắt buộc để xuất khẩu có thể 'cất cánh', đặc biệt là hoàn thành mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu tăng 10 - 12% trở lên trong năm 2025.
![Nhiều công nghệ mới được Kim Long Motor Huế ứng dụng vào các quy trình sản xuất](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_459_51474776/b3ea6f075d49b417ed58.jpg)
Nhiều công nghệ mới được Kim Long Motor Huế ứng dụng vào các quy trình sản xuất
Đa dạng hóa thị trường
Dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nói chung và Huế nói riêng. Ngành hàng này có sự đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế chung của địa phương. Đáng chú ý, việc tận dụng các hiệp định như FTA giúp kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng trưởng tốt.
Tại Huế, Cổng ty cổ phần Dệt may Huế là một trong những DN điển hình trong hoạt động xuất khẩu; tích cực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ông Nguyễn Tiến Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Huế cho biết, để đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường, đặc biệt là việc xuất khẩu, DN luôn nghiên cứu, phát triển sản phẩm, khách hàng, thị trường mới đối với cả ngành sợi và dệt nhuộm – may.
“Chúng tôi thường xuyên nghiên cứu thay đổi phương thức, mô hình sản xuất, kinh doanh tạo ra chuỗi giá trị lớn hơn và bền vững hơn; kiên định mục tiêu đảm bảo chất lượng sản phẩm; phát triển các dòng sản phẩm mới”, ông Hậu chia sẻ.
Không chỉ Công ty cổ phần Dệt may Huế, các hiệp định thương mại tự do đang có với các thị trường đã tác động tích cực, duy trì lợi thế trong hoạt động thương mại, đầu tư. Số liệu từ UBND thành phố Huế cho thấy, năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu đạt được nhiều kết quả tích cực. Giá trị kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng 33%. Hàng hóa đã xuất khẩu đến 44 quốc gia; trong đó, thị trường chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN, các nước châu Âu.
Một số ngành sản xuất công nghiệp chủ lực đạt được tốc độ tăng trưởng khá nhờ phát huy được thị trường, đơn hàng tiêu thụ và năng lực tăng thêm như, Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp ô tô Kim Long Motor Huế, giai đoạn 1 với công suất 3.500 chiếc/năm, Nhà máy điện rác Phú Sơn; Nhà máy may 3 Scavi Huế, Nhà máy may mặc AMP Việt Nam. Các sản phẩm chủ yếu ước đạt tăng như, bia; sợi các loại, quần áo lót; ô tô các loại…
![Ngành dệt may có sự đóng góp tích cực vào hoạt động xuất khẩu](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_459_51474776/1204cfe9fda714f94db6.jpg)
Ngành dệt may có sự đóng góp tích cực vào hoạt động xuất khẩu
Thúc đẩy phát triển công nghiệp
Hiện nay, dư địa để các DN tiếp tục đa dạng hóa, tiếp cận thị trường xuất khẩu là rất lớn, đặc biệt với các nước đã ký hợp tác FTA. Mặc dù vậy, hoạt động xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn. Điển hình là những vấn đề về giá cước vận chuyển; ứng dụng công nghệ trong xuất, nhập khẩu; sự biến động của thị trường… Xu hướng chuyển đổi xanh trong thương mại quốc tế, quy định xanh trong xuất nhập khẩu mà nhiều quốc gia đang áp dụng cũng là trở lực đối với các DN tại Huế. Ngoài ra, vẫn còn một số DN chưa thực sự đầu tư nguồn lực, chưa tìm cách tiếp cận, tìm hiểu về các cam kết và giảm thiểu các thách thức do các FTA mang lại.
Năm 2025, Huế đặt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng 10 - 12% trở lên. Để hoàn thành mục tiêu này, lãnh đạo thành phố sẽ tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp. Triển khai hiệu quả kế hoạch hỗ trợ di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư có thương hiệu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, đô thị và khai thác cảng biển; ưu tiên các lĩnh vực chế biến, chế tạo theo xu thế xanh, giảm phát thải. Chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí logistisc trong hoạt động xuất nhập khẩu. Đây là chính sách được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để hoạt động xuất nhập khẩu cất cánh.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Quý Phương, Huế sẽ đổi mới công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến đầu tư, tăng cường phối hợp với các cơ quan tổ chức trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp FDI đã đầu tư thành công, hiệu quả trên địa bàn để tổ chức hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư vào các khu kinh tế, công nghiệp. Tập trung xúc tiến đến những quốc gia và vùng lãnh thổ có lợi thế công nghiệp phù hợp với lợi thế so sánh của địa phương và đang có nguồn vốn đầu tư mạnh vào Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Mỹ và các đối tác là thành viên của Hiệp định CPTPP, EVFTA. Đồng thời, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ; luôn đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư đã và đang đầu tư, xem công tác hỗ trợ đầu tư là một hình thức xúc tiến đầu tư hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.