Tạo cơ sở pháp lý toàn diện về bảo vệ dữ liệu cá nhân

Thảo luận về Dự thảo Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại biểu Quốc hội cho rằng đây là tài sản quý, cần cấm mua bán; đồng thời, các đại biểu cũng quan tâm tới mức xử phạt hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân.

Chiều 12/5, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân các đại biểu Quốc hội đều thống nhất, trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra sâu rộng trên hầu hết các lĩnh vực, dữ liệu cá nhân được chuyển lên môi trường điện tử thường xuyên, liên tục dẫn đến tình trạng lộ, mất dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến... đặt ra yêu cầu phải có cơ chế bảo vệ quyền dữ liệu cá nhân; ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân.

Quang cảnh thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại tổ 9 - Ảnh: Quochoi.vn

Quang cảnh thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại tổ 9 - Ảnh: Quochoi.vn

Vì vậy, việc Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là hết sức cần thiết nhằm hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý toàn diện về bảo vệ dữ liệu cá nhân; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Quy định nguyên tắc xác định doanh thu để áp dụng xử phạt

Tham gia thảo luận tại tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề cập đến việc xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân tại điều 4 của dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại khoản 2 điều này nêu: “Áp dụng mức xử phạt hành chính từ 1% đến 5% doanh thu năm liền trước của tổ chức, doanh nghiệp có vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Chính phủ quy định chi tiết quy định cụ thể về mức phạt, khung tiền phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính”.

"Nội dung này sẽ được Chính phủ quy định chi tiết, tuy nhiên cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế xử lý vấn đề này như thế nào? Trong bối cảnh nước ta có tới 94% doanh nghiệp nhỏ và vừa, nếu xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân ở mức cao như vậy cần xem xét để đảm bảo tính khả thi của các quy định này" - Phó Chủ tịch Quốc hội nêu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh - Ảnh: Quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh - Ảnh: Quochoi.vn

Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Đoàn tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, như Chính phủ đã nêu tại Tờ trình số 170/TTr-CP ngày 6/4/2025 trình Quốc hội về Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân thì chưa có chế tài xử phạt vi phạm hành chính về dữ liệu cá nhân. Các hành vi vi phạm, xâm hại đến thông tin cá nhân đã có nhưng nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan để cập nhật, đề xuất bổ sung mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cá nhân vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn tỉnh Tây Ninh) cho rằng, Dự thảo Luật hiện mới chỉ quy định mức phạt từ 1% - 5% doanh thu năm liền trước, trong đó giao cho Chính phủ quy định mức phạt và khung tiền phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật chưa có quy định nguyên tắc xác định doanh thu này là doanh thu toàn cầu hay doanh thu tại Việt Nam. Vì vậy, đại biểu đề nghị trong Dự thảo Luật cần thiết quy định nguyên tắc xác định doanh thu và được quy định rõ trong Luật.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn tỉnh Tây Ninh) phát biểu thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn tỉnh Tây Ninh) phát biểu thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn

Làm rõ nội hàm "dữ liệu cá nhân nhạy cảm"

Thống nhất với các nội dung được nêu trong Dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn tỉnh Quảng Ninh) đồng tình với việc xây dựng một số các khái niệm quan trọng về bảo vệ dữ liệu cá nhân như dữ liệu cá nhân, bảo vệ dữ liệu cá nhân; việc làm rõ khái niệm và nội hàm của dữ liệu cá nhân cơ bản, dữ liệu cá nhân nhạy cảm, dữ liệu phi cá nhân, xác định chính xác đầy đủ những hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân...

Theo đại biểu, tại khoản 3 điều 15 quy định về dữ liệu cá nhân nhạy cảm phải được mã hóa khi lưu trữ, truyền nhận chia sẻ trên không gian mạng. Đại biểu đề nghị quy định cụ thể hơn hoặc bỏ khoản này do dữ liệu nhạy cảm chỉ nên mã hóa sử dụng trong nội bộ cơ quan, tổ chức và cá nhân và không thể lưu truyền trên không gian mạng.

Đối với điều 19 và điều 20 quy định về xử lý dữ liệu cá nhân và cơ chế giám sát khi xử lý dữ liệu cá nhân trong trường hợp không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu. Đại biểu Thu Hà đề nghị bổ sung quy định yêu cầu các cơ quan hành chính phải có cơ chế giám sát và đảm bảo đúng quy trình về bảo vệ bí mật Nhà nước, bởi giám sát cơ chế xử lý dữ liệu này có những trường hợp không cần phải có sự đồng ý, nhưng phải có trách nhiệm trong việc bảo đảm đúng quy trình.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn tỉnh Quảng Ninh) tham gia thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn tỉnh Quảng Ninh) tham gia thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (Đoàn tỉnh Trà Vinh) cho rằng, dữ liệu cá nhân được xem là một trong những tư liệu sản xuất chính để thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng công dân số, xã hội số. Tuy nhiên, dữ liệu cá nhân lại là một trong những vấn đề rất nhạy cảm, có ảnh hưởng lớn, có thể làm tổn hại đến uy tín, danh dự; thậm chí ảnh hưởng tiêu cực đến sự nghiệp của tổ chức, cá nhân có liên quan nếu bị lộ lọt và bị sử dụng với mục đích xấu.

Đại biểu đề nghị luật cần giải thích rõ khái niệm "dữ liệu cá nhân nhạy cảm" vì nội hàm của cụm từ này chưa rõ nghĩa, còn mang định tính dữ liệu cá nhân, theo người này là nhạy cảm nhưng với người khác có thể không nhạy cảm.

Tham gia thảo luận,đại biểu Quốc hội Trần Việt Anh (Đoàn TP Hà Nội) cũng khẳng định, dữ liệu cá nhân là tài sản quý, cần cấm hành vi mua bán dữ liệu cá nhân. Đại biểu đoàn TP Hà Nội cũng đề nghị bổ sung các quan điểm của Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Quốc gia vào nội dung dự thảo Luật vì dữ liệu cá nhân vừa là tài nguyên tài sản, vừa là tài nguyên phát triển khoa học công nghệ.

Vân Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tao-co-so-phap-ly-toan-dien-ve-bao-ve-du-lieu-ca-nhan.701516.html
Zalo