Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định tham gia thảo luận tại tổ về các dự án luật
Chiều 12/5, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về: Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân; Việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định tham gia thảo luận tại Tổ cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Cà Mau, Quảng Ngãi và Tuyên Quang. Dự phiên thảo luận có đồng chí Trần Quang Phương, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Đồng chí Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận.
Tham gia góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu Hội đồng Nhân dân, đồng chí Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng việc sửa luật bảo đảm đáp ứng yêu cầu chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, về bầu cử sớm, rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Nội dung bám sát các nội dung sửa đổi Hiến pháp có liên quan đến dự án luật; hoàn thiện các quy định về bầu cử trong bối cảnh triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp; điều chỉnh giảm thời gian thực hiện một số bước trong quy trình bầu cử song phải bảo đảm chặt chẽ, công khai, dân chủ, khả thi.
Góp ý kiến cụ thể vào dự thảo luật, đại biểu đồng tình với việc nâng số lượng thành viên Ủy ban bầu cử cấp xã từ 9 lên 15 người. Điều này là cần thiết, đặc biệt đối với các xã có dân số đông, khối lượng phiếu lớn. Với thời gian đóng cửa điểm bầu cử thống nhất trên toàn quốc, thì những địa bàn có dân số lớn sẽ rất vất vả trong khâu kiểm phiếu, nên cần tăng cường lực lượng phù hợp với tình hình thực tế. Đối với việc bổ sung thành viên là đại diện Đoàn ĐBQH cấp tỉnh vào Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, đại biểu cho rằng đây là một nội dung hợp lý, phù hợp thực tế và đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của các ĐBQH khi trước đây gần như không được tham gia trực tiếp vào công tác bầu cử, dù nhiều đồng chí giữ chức vụ chủ chốt tại địa phương. Việc đề xuất rút ngắn tổng thời gian tổ chức cuộc bầu cử từ 70 ngày xuống còn 42 ngày là hợp lý, vì tiết kiệm được 28 ngày mà vẫn đảm bảo khoảng thời gian 115 ngày kể từ ngày cuối cùng công bố danh sách ứng cử đến ngày bầu cử.
Tuy nhiên, đại biểu Mai Thị Phương Hoa còn băn khoăn về việc rút ngắn thời gian từ khi nộp hồ sơ ứng cử đến ngày tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần hai, hiện nay chỉ còn khoảng 2 ngày. Với số lượng ứng cử viên lớn, thì việc tiếp nhận, rà soát và gửi lấy ý kiến cử tri sơ bộ rất áp lực. Đặc biệt là ở những thành phố lớn, với số lượng ứng viên đông, cần xem xét điều chỉnh thời gian phù hợp để đảm bảo quy trình được thực hiện đầy đủ, minh bạch.

Đồng chí Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận.
Tham gia ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đồng chí Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định bày tỏ sự đồng tình, nhất trí với sự cần thiết phải ban hành luật. Việc xây dựng, ban hành luật này là phù hợp với chủ trương, đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng về chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần giải thích rõ hai khái niệm “dữ liệu cá nhân cơ bản” và “dữ liệu cá nhân nhạy cảm” trong phần giải thích từ ngữ của dự thảo luật để làm cơ sở cho việc xây dựng các quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân phù hợp với tính chất của từng loại dữ liệu.
Tại điều 4, khoản 2 của dự thảo luật về xử lý vi phạm liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân đề xuất mức phạt hành chính từ 1% đến 5% doanh thu năm trước liền kề đối với tổ chức, doanh nghiệp vi phạm. Mức phạt như vậy là quá cao, có thể ảnh hưởng cho doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp có doanh thu lớn. Việc áp mức phạt cố định theo tỷ lệ doanh thu mà không tính đến mức độ lỗi hay hậu quả là không phù hợp với nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính hiện hành. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần giải trình rõ cơ sở của quy định này và cân nhắc điều chỉnh để đảm bảo tính công bằng, khả thi và đồng thuận trong xã hội.
Cũng tại phiên thảo luận, các ĐBQH trong Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đã sôi nổi thảo luận, cho ý kiến góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.