Nhận thức sai tiếp tay cho quấy rối tình dục nơi làm việc
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc không chỉ là hành vi sai trái mà còn phản ánh sự khác biệt trong nhận thức, khi ranh giới giữa tôn trọng và xâm phạm không được nhìn nhận đúng.
Không phải vô cớ mà các tập đoàn đa quốc gia luôn đưa chủ đề quấy rối tình dục vào trong đào tạo hội nhập bởi vì khác biệt văn hóa sẽ dẫn đến sai lệch về hành vi. Trong khi đó ở Việt Nam, việc nhận diện những cử chỉ, hành vi hoặc lời nói được cho là quấy rối tình dục chưa được giáo dục rõ ràng.
Nhiều người tại Việt Nam, đặc biệt ở các vùng nông thôn hoặc trong các cộng đồng có tư tưởng bảo thủ, vẫn chưa hiểu rõ quấy rối tình dục là gì. Đối với một số người, những hành vi như lời nói khiếm nhã, tiếp xúc cơ thể không mong muốn, hoặc ánh nhìn có ý đồ xâm phạm được coi là “bình thường” hoặc “trêu đùa vô hại”. Sự thiếu hiểu biết này khiến nhiều nạn nhân cảm thấy bối rối và không dám lên tiếng vì lo sợ bị phán xét hoặc không được bảo vệ.
Theo số liệu khảo sát từ ActionAid tại Việt Nam, có tới 87% phụ nữ và trẻ em gái tham gia khẳng định đã từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng; 53,7% nhân viên văn phòng và 59,5% công chức nhà nước từng bị quấy rối tình dục từ hai đến năm lần. Có 89% nam giới và những người chứng kiến đã thấy các hành vi này, nhưng ⅔ trong số họ không làm gì cả.
Nơi làm việc, một môi trường tưởng chừng chuyên nghiệp, lại là một trong những địa điểm quấy rối tình dục xảy ra phổ biến nhất. Các hình thức bao gồm lời nói gợi dục, những động chạm không mong muốn, hay thậm chí là đe dọa để đổi lấy lợi ích công việc.
Cách đây không lâu,, dư luận xôn xao trước thông tin một nhân viên nữ tại một công ty trong lĩnh vực văn hóa và truyền thông ở Việt Nam đã xin nghỉ việc do bị quấy rối tình dục. Sau một thời gian im lặng, đại diện công ty đã đăng tải bài viết xin lỗi và giải thích về vụ việc. Trước áp lực từ dư luận, ban lãnh đạo công ty đã quyết định tạm đình chỉ công tác của một quản lý cấp cao liên quan. Vụ việc đã gây ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ, khiến doanh nghiệp đối mặt với nhiều chỉ trích và lời kêu gọi tẩy chay.
Là một người từng trực tiếp trải qua quấy rối tình dục nơi công sở, tôi hiểu rõ những áp lực và tổn thương mà nạn nhân phải chịu đựng. Khi mới vào làm tại một công ty, chỉ sau một tuần làm việc, tôi nhận thấy CEO đặc biệt quan tâm đến mình. Dù giữ vị trí HRBP (đối tác nhân sự chiến lược), tôi lại thường xuyên cảm thấy như một trợ lý cá nhân hơn là một người phụ trách về nhân sự. Bất kể cuộc họp nào, anh ấy cũng yêu cầu tôi có mặt.
Mọi chuyện dần trở nên rõ ràng hơn khi trong một chuyến công tác, anh ấy gửi cho tôi những bức ảnh chụp trong phòng họp, kèm theo cảnh vật xung quanh. Lúc ấy, tôi bắt đầu cảm thấy có điều gì đó không ổn. Tôi chỉ trả lời công việc mà không phản hồi gì về những bức ảnh. Sau chuyến công tác, anh ấy gọi tôi vào phòng, rồi tiến đến đóng cửa – một hành động khiến tôi cảnh giác, vì nguyên tắc của tôi khi vào phòng sếp nam luôn là để cửa mở. Khi cánh cửa khép lại, anh ấy đưa tôi một hộp socola và nói: “Anh mua socola vì nó ngọt ngào giống em”. Tôi cảm ơn rồi lập tức rời đi.
Từ ngày đó, tôi cố gắng giữ khoảng cách. Và khi nhận ra sự né tránh của tôi, anh ấy thay đổi thái độ, trở mặt. Tôi chia sẻ sự việc với sếp quản lý vùng, nhờ chị ấy nhắc nhở khéo léo CEO để tránh căng thẳng. Nhưng điều đó chỉ khiến tình hình tệ hơn. Anh ấy bắt đầu làm khó tôi trong công việc, liên tục chỉ trích trước mặt đồng nghiệp trong các cuộc họp. Cuối cùng, tôi quyết định rời đi.
Tưởng rằng mọi chuyện đã kết thúc, nhưng khi ứng tuyển vào một công ty khác, tôi lại đối mặt với một rào cản mới. CEO công ty mới là bạn của anh ấy. Trong quá trình xác minh thông tin từ nơi làm việc cũ, chị ấy hỏi ý kiến anh ta và ngay lập tức loại tôi khỏi danh sách ứng tuyển. Khi tôi hỏi lý do, câu trả lời nhận được là: “Sếp cũ em bảo em làm không tốt, không hòa nhập”.
Sự việc này không chỉ khiến tôi mất đi cơ hội nghề nghiệp, mà còn là minh chứng rõ ràng về cách một số người có quyền lực có thể thao túng và gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự nghiệp của người khác. Những trải nghiệm này càng củng cố niềm tin của tôi rằng, để ngăn chặn quấy rối tình dục nơi công sở, không chỉ cần các chính sách bảo vệ, mà còn cần một môi trường minh bạch, nơi nạn nhân có thể lên tiếng mà không phải lo sợ bị trù dập.
Đừng tiếp tay cho quấy rối tình dục tại nơi làm việc
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc không chỉ là hành vi cá nhân mà còn bắt nguồn từ nhiều yếu tố trong môi trường công sở. Những lỗ hổng trong văn hóa doanh nghiệp, sự mất cân bằng quyền lực, tâm lý e ngại của nạn nhân và định kiến giới có thể vô tình tạo điều kiện cho vấn nạn này tiếp diễn.
![Nhiều yếu tố trong môi trường công sở, đặc biệt là văn hóa không lành mạnh, là khởi nguồn của những hành động quấy rối tình dục.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_358_51482749/229ae237d17938276168.jpg)
Nhiều yếu tố trong môi trường công sở, đặc biệt là văn hóa không lành mạnh, là khởi nguồn của những hành động quấy rối tình dục.
Văn hóa công sở không lành mạnh là một trong những nguyên nhân chính. Khi thiếu những quy tắc ứng xử rõ ràng, nhiều doanh nghiệp không có quy định cụ thể về quấy rối tình dục hoặc chưa phổ biến hiệu quả, dẫn đến sự nhập nhằng trong nhận thức của nhân viên. Một số môi trường làm việc còn dung túng cho hành vi quấy rối, xem đó là chuyện “bình thường” và không có biện pháp xử lý nghiêm túc. Đặc biệt, khi lãnh đạo thiếu sự quan tâm và không quyết liệt ngăn chặn các hành vi sai trái, nhân viên có thể cảm thấy quấy rối tình dục không phải là vấn đề đáng lo ngại.
Bên cạnh đó, sự mất cân bằng quyền lực khiến nhiều người lợi dụng vị trí cao để ép buộc cấp dưới, nhất là khi nạn nhân phụ thuộc vào công việc. Mối quan hệ quyền lực bất đối xứng này khiến người bị quấy rối gặp nhiều khó khăn trong việc lên tiếng hoặc tìm kiếm sự bảo vệ.
Tâm lý e ngại của nạn nhân cũng là rào cản lớn. Lo sợ mất việc hoặc ảnh hưởng đến sự nghiệp khiến nhiều người chọn cách im lặng thay vì tố cáo kẻ quấy rối. Ngoài ra, áp lực từ đồng nghiệp và xã hội khiến họ lo sợ bị đổ lỗi hoặc đánh giá tiêu cực.
Không thể bỏ qua định kiến giới, vốn đã ăn sâu trong tư tưởng xã hội. Những quan niệm như “đàn ông trêu ghẹo phụ nữ là chuyện bình thường” hay “phụ nữ phải nhẫn nhịn” đã vô tình cổ súy cho hành vi quấy rối và khiến nạn nhân chịu thiệt thòi.
Tư tưởng “người bị hại là người có lỗi” vẫn còn tồn tại trong xã hội Việt Nam. Nhiều người cho rằng cách ăn mặc hoặc hành vi của nạn nhân là nguyên nhân dẫn đến quấy rối tình dục. Văn hóa này không chỉ tạo áp lực tâm lý cho nạn nhân mà còn làm trầm trọng thêm vấn đề khi kẻ quấy rối cảm thấy được dung túng.
Việt Nam đã có một số nỗ lực để đối phó với quấy rối tình dục, điển hình là các quy định trong Bộ luật Lao động (2019) và Luật Bình đẳng giới (2006), cũng như Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định rõ ràng về quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Ngoài ra, Bộ luật Hình sự (2015) cũng có những điều khoản xử lý các hành vi mang tính chất quấy rối, xâm phạm tình dục nghiêm trọng.
Mặc dù có khung pháp lý, việc thực thi các quy định này còn gặp nhiều khó khăn. Định nghĩa về quấy rối tình dục vẫn chưa cụ thể và rõ ràng trong một số trường hợp, dẫn đến khó khăn trong việc xử lý. Bên cạnh đó, nhiều nạn nhân không biết cách thu thập bằng chứng hoặc không tin tưởng vào hệ thống pháp luật, khiến nhiều vụ việc không được đưa ra ánh sáng.
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt là các công ty lớn, khi vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của nhân viên mà còn tác động đến môi trường làm việc và uy tín doanh nghiệp.
Sự thay đổi trong quản trị nhân sự đang được thể hiện rõ rệt qua nhiều biện pháp cụ thể. Nhiều công ty đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử với các điều khoản chi tiết về quấy rối tình dục và chế tài xử lý. Đồng thời, hoạt động đào tạo và truyền thông nội bộ cũng được đẩy mạnh thông qua các buổi tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của nhân viên. Một số doanh nghiệp còn đưa nội dung phòng chống quấy rối tình dục vào chương trình đào tạo bắt buộc. Đặc biệt, các kênh báo cáo ẩn danh hoặc đội ngũ chuyên trách tiếp nhận và xử lý khiếu nại cũng đang được triển khai để bảo vệ người lao động.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp ngày càng quan tâm hơn đến việc xây dựng môi trường làm việc an toàn. Việc đảm bảo một văn hóa doanh nghiệp lành mạnh không chỉ giúp nâng cao tinh thần nhân viên mà còn trở thành yếu tố quan trọng để thu hút và giữ chân nhân tài. Nhiều công ty cũng đẩy mạnh bình đẳng giới, thúc đẩy sự đa dạng trong đội ngũ nhân sự nhằm hạn chế những định kiến và hành vi không phù hợp.
Tuy nhiên, tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), nhận thức về quấy rối tình dục vẫn còn hạn chế. Nhiều công ty chưa xem đây là vấn đề nghiêm trọng hoặc thiếu nguồn lực để thực hiện các biện pháp phòng chống hiệu quả. Một số lãnh đạo vẫn e ngại xử lý nghiêm các vụ việc do lo ngại ảnh hưởng đến danh tiếng hoặc quan hệ nội bộ.
Dù đã có nhiều tiến triển, việc xây dựng một môi trường công sở an toàn, tôn trọng vẫn cần sự cam kết mạnh mẽ hơn từ cả doanh nghiệp và xã hội.
Hiểu để hành động
Quấy rối tình dục là một vấn đề nhức nhối, xảy ra trong nhiều môi trường khác nhau như công sở, trường học và không gian công cộng. Để ngăn chặn và xử lý hiệu quả, việc hiểu rõ các hình thức quấy rối tình dục và mức độ nghiêm trọng của chúng là điều cần thiết.
Một trong những hình thức phổ biến nhất là quấy rối bằng lời nói. Những lời bình luận mang tính gợi dục hoặc xúc phạm về ngoại hình, những câu chuyện cợt nhả về tình dục hay những gợi ý, yêu cầu quan hệ không mong muốn có thể khiến người nghe cảm thấy khó chịu và bị tổn thương. Nhiều trường hợp, quấy rối bằng lời nói còn bao gồm cả những lời lẽ xúc phạm nhằm hạ thấp danh dự của người khác, sử dụng yếu tố tình dục như một công cụ để đe dọa hoặc trêu chọc.
Bên cạnh lời nói, quấy rối tình dục cũng thể hiện qua hành động và cử chỉ. Việc chạm vào cơ thể mà không có sự đồng thuận, dù là một cái vỗ vai, ôm hay tiếp xúc ở những vị trí nhạy cảm, đều có thể gây tổn thương tinh thần cho nạn nhân. Những cử chỉ mang tính gợi dục, như nháy mắt, liếm môi hoặc cố tình tạo ra những hành động ám chỉ tình dục một cách khiêu khích, cũng là một dạng quấy rối phổ biến. Ngoài ra, việc đứng quá gần hoặc xâm phạm không gian cá nhân của người khác một cách cố ý có thể tạo cảm giác bất an và khó chịu.
Trong thời đại công nghệ phát triển, quấy rối tình dục qua mạng ngày càng trở nên phổ biến. Hình thức này có thể bao gồm việc gửi tin nhắn, hình ảnh, video có nội dung nhạy cảm mà người nhận không mong muốn. Một số người còn lợi dụng mạng xã hội để ép buộc đối phương cung cấp hình ảnh riêng tư hoặc dùng thông tin cá nhân để đe dọa, gây áp lực. Những hành vi này không chỉ gây tổn thương tinh thần mà còn có thể để lại hậu quả nghiêm trọng khi hình ảnh, thông tin cá nhân bị phát tán hoặc lợi dụng.
Ngoài ra, quấy rối tình dục còn xảy ra dưới hình thức lợi dụng quyền lực để ép buộc. Trong môi trường công sở hoặc trường học, một số người có quyền lực cao hơn đã lợi dụng vị trí của mình để gây áp lực lên cấp dưới hoặc học viên, đưa ra những lời hứa hẹn như thăng tiến, tăng lương hoặc những ưu đãi khác nếu đối phương đồng ý thực hiện yêu cầu tình dục. Ngược lại, họ cũng có thể dùng quyền lực để đe dọa, như hạ bậc lương, cản trở sự nghiệp hoặc thậm chí sa thải nếu nạn nhân từ chối.
Nạn nhân của quấy rối tình dục thường phải chịu đựng sự xấu hổ, lo lắng, và thậm chí là trầm cảm kéo dài. Một số người còn mất niềm tin vào xã hội hoặc phải đối mặt với sự kỳ thị từ cộng đồng. Quấy rối tình dục không chỉ làm giảm năng suất lao động mà còn phá hủy sự đoàn kết trong tổ chức. Nhân viên cảm thấy không an toàn, dẫn đến căng thẳng và có thể rời bỏ công việc. Quấy rối tình dục làm suy giảm lòng tin trong các mối quan hệ xã hội, tạo ra một môi trường bất bình đẳng và thiếu tôn trọng, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Để ngăn chặn quấy rối tình dục trong môi trường làm việc, vai trò của lãnh đạo doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Lãnh đạo cần thể hiện thái độ nghiêm túc, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm và làm gương để tạo dựng một môi trường làm việc an toàn, tôn trọng. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy bình đẳng giới là yếu tố then chốt trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Môi trường làm việc không phân biệt giới tính, đảm bảo quyền riêng tư và hỗ trợ tâm lý, pháp lý cho nạn nhân sẽ giúp giảm thiểu tình trạng quấy rối.
Một giải pháp quan trọng khác là thiết lập các kênh báo cáo ẩn danh, giúp nhân viên có thể phản ánh sự việc mà không lo sợ bị trả thù hay ảnh hưởng đến công việc. Cùng với đó, doanh nghiệp cần có quy trình tiếp nhận, điều tra và xử lý rõ ràng để đảm bảo tính minh bạch và công bằng. Để nâng cao nhận thức, các công ty nên tổ chức các chương trình đào tạo, hội thảo và chiến dịch truyền thông nhằm giúp nhân viên nhận diện và phòng tránh quấy rối tình dục.
Ngoài ra, việc tăng cường khung pháp lý cũng đóng vai trò quan trọng trong phòng chống quấy rối tình dục. Cần cụ thể hóa định nghĩa về quấy rối tình dục phù hợp với bối cảnh văn hóa Việt Nam, đồng thời đào tạo lực lượng thực thi pháp luật để xử lý vụ việc một cách nhạy cảm và hiệu quả. Doanh nghiệp cũng nên chủ động tạo dựng một môi trường làm việc an toàn, thiết lập hệ thống báo cáo bảo mật và hợp tác với các tổ chức tư vấn tâm lý để hỗ trợ nạn nhân vượt qua tổn thương.