Thị trường chứng khoán năm 2025: Bứt phá cùng quyết tâm của Chính phủ
Với quyết tâm nâng mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 lên trên 8%, Chính phủ không chỉ tạo động lực cho nền kinh tế mà còn mở ra nhiều cơ hội cho thị trường chứng khoán (TTCK). Những chính sách hỗ trợ tăng trưởng, cùng với việc điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, sẽ thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp, tăng tốc độ lưu thông tiền, và tạo đà cho TTCK tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
![Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025. Ảnh: LÊ VŨ](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_112_51485583/c542ff23cc6d25337c7c.jpg)
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025. Ảnh: LÊ VŨ
Tăng trưởng cao hơn thúc đẩy gia tăng lợi nhuận doanh nghiệp
Chính phủ đã đề xuất nâng mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ mức 6,5-7% lên trên 8%, với mục tiêu GDP bình quân đầu người đạt trên 5.000 đô la Mỹ. Quyết định này nhằm tạo nền tảng vững chắc để hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai chữ số từ năm 2026. Đáng chú ý, Chính phủ cũng giao cụ thể chỉ tiêu tăng trưởng cho từng địa phương, kèm theo cơ chế hành động và giám sát chặt chẽ.
Dựa trên phương pháp chi tiêu, với mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%, các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và nông - lâm - thủy sản đều được kỳ vọng tăng trưởng mạnh hơn so với năm 2024, từ 0,7-1,3%. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng, với mức tăng trưởng dự kiến ít nhất 9,5%, sẽ tiếp tục là động lực chính của nền kinh tế. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, xây dựng và bất động sản được dự báo sẽ hưởng lợi lớn từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Bên cạnh đó, mục tiêu tăng trưởng khu vực dịch vụ lên đến 8,1% cũng sẽ mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, du lịch, logistics và tài chính.
Với quyết tâm tăng trưởng kinh tế mới của Chính phủ, TTCK Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025. Sự cải thiện lợi nhuận doanh nghiệp, tăng tốc độ lưu thông tiền và kiểm soát lạm phát sẽ là những yếu tố then chốt thúc đẩy thị trường.
Theo phương pháp sản xuất, tiêu dùng thường chiếm tỷ trọng cao nhất (khoảng 55%) trong cơ cấu GDP, tiếp theo là đầu tư và chi tiêu chính phủ (khoảng 35-40%), còn lại từ hoạt động thương mại. Để chủ động kiểm soát tăng trưởng, Chính phủ đang tập trung thúc đẩy đầu tư công và khơi thông đầu tư tư nhân, điều này sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp sản xuất, xây dựng, bất động sản, công nghệ và ngân hàng. Trong dài hạn, chính sách này sẽ tác động tích cực đến các thành phần kinh tế khác, cải thiện tăng trưởng của doanh nghiệp và nâng cao sức mua của người dân.
Tăng tốc độ lưu thông tiền
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ cần thực hiện các chính sách tiền tệ linh hoạt, bao gồm tăng cung tín dụng và duy trì mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý. Theo dữ liệu từ năm 2012 đến nay, trung bình để tăng trưởng 1% GDP thì tín dụng cần tăng khoảng 2,6%. Điều này cho thấy, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%, tăng trưởng tín dụng năm 2025 có thể phải đạt từ 18-20%, từ đó thúc đẩy một lượng tiền lớn lưu thông trong hệ thống.
Hơn nữa, việc điều chỉnh chỉ tiêu CPI tăng lên mức 4,5-5% cũng cho thấy áp lực gia tăng từ vòng quay tiền và cơ số tiền lưu thông khi Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát cao trong năm 2025 được đánh giá không quá lớn do những yếu tố thuận lợi từ bên ngoài, như xu hướng giá cả hàng hóa giảm sau khi các rủi ro liên quan đến đứt gãy chuỗi cung ứng do xung đột địa chính trị đang giảm dần.
Khi cung tiền tăng và lãi suất được kiểm soát, tốc độ lưu thông tiền trong nền kinh tế sẽ được cải thiện. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn mà còn thúc đẩy thanh khoản trên TTCK. Nhà đầu tư sẽ có thêm nguồn lực tài chính để tham gia thị trường, từ đó giúp TTCK tăng trưởng ổn định và bền vững.
Cơ hội tăng trưởng mạnh cho TTCK trong năm 2025
Đầu năm 2025, TTCK tiếp tục giằng co đi ngang quanh vùng giá đóng cửa cuối năm trước. Tính đến ngày 10-2-2025, chỉ số VN-Index giảm nhẹ 0,3%, đi kèm với thanh khoản giảm mạnh và khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 11.100 tỉ đồng (mạnh hơn so với cùng kỳ chỉ hơn 2.500 tỉ đồng).
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_112_51485583/05a83dc90e87e7d9be96.jpg)
Các yếu tố khiến nhà đầu tư còn lo ngại trước khi xuống tiền vẫn chưa được cải thiện, bao gồm diễn biến xung đột địa chính trị tại một số khu vực và nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại sau khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ lần 2. Bên cạnh đó, sức mua toàn cầu chưa cải thiện cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và thương mại trong nước.
Tuy nhiên, động lực tăng trưởng mới từ quyết tâm của Chính phủ có thể là yếu tố mạnh mẽ thúc đẩy TTCK tăng trưởng trong thời gian tới. Cụ thể:
Thứ nhất, trong bối cảnh yếu tố bên ngoài “bất định” và khó dự báo, Chính phủ chủ động kiểm soát các yếu tố trong nước để duy trì tăng trưởng, tạo đòn bẩy cho nền kinh tế tiến lên khi các yếu tố bên ngoài thuận lợi hơn.
Thứ hai, tăng trưởng kinh tế nhanh hơn được đóng góp bởi các thành phần kinh tế, trong đó có người dân và doanh nghiệp. Khi lợi nhuận doanh nghiệp tăng, giá cổ phiếu sẽ có xu hướng tăng, thúc đẩy sự phát triển bền vững của TTCK.
Thứ ba, dòng tiền là yếu tố quan trọng thúc đẩy TTCK. Việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng sẽ tạo ra dòng tiền chảy vào thị trường, giúp thị trường giao dịch sôi động hơn.
Với quyết tâm tăng trưởng kinh tế mới của Chính phủ, TTCK Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025. Sự cải thiện lợi nhuận doanh nghiệp, tăng tốc độ lưu thông tiền và kiểm soát lạm phát sẽ là những yếu tố then chốt thúc đẩy thị trường.