Tăng trưởng hai con số: Bước chuyển lớn tạo đà cho khát vọng vươn lên của đất nước

Chính phủ và các địa phương quyết tâm phấn đấu tốc độ tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt trên 8%. Các chuyên gia nhận định, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 mức 2 con số vừa là động lực, vừa là áp lực, là bước chuyển lớn để đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình.

Tăng trưởng hai con số là bước chuyển lớn

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, nếu duy trì được tăng trưởng hai con số, đến năm 2045 quy mô kinh tế của Việt Nam sẽ tăng gấp 4 lần hiện nay. Và như vậy, Việt Nam sẽ hoàn thành quá trình đi từ một nước nghèo, thu nhập thấp, sau 40 năm đổi mới đã bước qua ngưỡng thu nhập trung bình thấp, đến năm 2025 đạt thu nhập trung bình để hướng tới năm 2030 có thu nhập trung bình cao và năm 2045 là thu nhập cao.

Vì vậy, tăng trưởng hai con số là bước chuyển lớn để đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình. Đặc biệt, 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, tạo nền tảng, tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030.

“Đây không chỉ là thách thức mà còn là khát vọng vươn lên mạnh mẽ của đất nước”, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong nhận định. Theo ông Phong, khát vọng này vốn đã được thể hiện rất rõ trong năm 2024, khi Thủ tướng và Chính phủ đặt quyết tâm rất lớn, chỉ đạo rất sát để tăng trưởng GDP vượt mục tiêu được Quốc hội giao. Cụ thể, năm 2024, Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế là 6-6,5%, tuy nhiên Chính phủ quyết tâm đạt mức 7%. Và kết quả cuối cùng là con số tăng trưởng 7,09% - chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019, 2022 trong giai đoạn 2011-2024.

“Chỉ số tăng trưởng trong năm 2024 sẽ là nền tảng, tạo đà nền kinh tế 2025 phát triển, trong đó có mục tiêu tăng trưởng 2 con số mà Thủ tướng giao”, ông Phong nói. Chuyên gia phân tích thêm, năm 2024, mặc dù chịu tác động bởi những bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu, song nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt những kết quả rất đáng tự hào với 15/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Có thể nói tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2024 là thành công kép, không chỉ về số lượng chỉ tiêu đạt được mà còn tác động tích cực, tạo bản lề cho năm 2025.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành lạc quan cho rằng, sang năm 2025, nếu chúng ta thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng điểm như tinh giản bộ máy để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đầu tư tư nhân và hoạt động xuất, nhập khẩu tiếp tục phát triển mạnh mẽ thì hoàn toàn có thể duy trì đà tăng trưởng ấn tượng.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm, có nhiều căn cứ, cơ sở để Chính phủ đề ra mục tiêu đột phá trong năm 2025. “Chúng ta được thừa hưởng động lực tăng trưởng và sự phục hồi của nền kinh tế, tiếp nối đà tăng trưởng cao của năm 2024 (7,09%) vào năm 2025”, ông Tâm cho hay. Đặc biệt, với việc hệ thống thể chế, chính sách pháp luật được hoàn thiện, bộ máy được tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả cũng là bước đột phá để phát triển kinh tế đất nước. Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng các chính sách tạo đột phá huy động các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân, phấn đấu khu vực này đóng góp khoảng 65% - 70% GDP.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm, năm 2024, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua nhiều luật quan trọng và được đánh giá cao như Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu… “Trong năm 2025, chúng tôi dự kiến sửa Luật Doanh nghiệp nhằm tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, “cởi trói” cho doanh nghiệp”, ông Tâm nói.

Ngoài yếu tố đột phá thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược cũng là một căn cứ để đề ra mục tiêu tăng trưởng cao cho năm 2025. Theo đó, Chính phủ phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển, cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài. Bên cạnh đó, khởi công đường sắt kết nối với Trung Quốc, tiếp tục các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM; hoàn thiện việc xây dựng các dự án khả thi Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư các công trình, dự án trọng điểm quốc gia giai đoạn 2026 - 2030.

Ông Nguyễn Đức Tâm nhấn mạnh kế hoạch xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM, Đà Nẵng và cho biết, đây là “cuộc chơi mới” để thu hút nguồn lực.

Khai phá tiềm năng từ “bệ phóng” nội tại

Các chuyên gia nhận định những “bệ phóng” nội tại mạnh mẽ từ đầu tư công, chuyển đổi số và tiêu dùng có thể giúp Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong năm 2025 và giai đoạn tới.

“Tiềm năng tăng trưởng của chúng ta là rất lớn, nếu biết cách khai thác và giải quyết những vấn đề nội tại”, TS Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứ quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết.

Đầu tư hạ tầng được nhận định là một trong những động lực quan trọng Việt Nam có thể tận dụng để vươn lên. TS Lương Văn Khôi cho biết, chuẩn bị cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chủ trương của Đảng và Chính phủ là đẩy mạnh đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng. Do đó, trong năm 2025 và các năm tiếp theo sẽ có rất nhiều công trình hạ tầng lớn được đầu tư, đặc biệt là ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Với lực đầu tư công tăng mạnh, tiềm năng và khả năng tăng trưởng của nền kinh tế sẽ rất cao.

“Chúng ta đang ở giai đoạn chuẩn bị chiến lược bước vào kế hoạch 5 năm mới (giai đoạn 2026 - 2030) thì đầu tư công sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa. Tôi nghĩ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ có năm đạt đến hai con số. Và với sự quyết tâm của Đảng, Chính phủ hiện nay thì chắc chắn đầu tư công sẽ được cải thiện hơn, tỷ lệ giải ngân cao hơn và đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng”, ông Khôi cho biết.

Vị chuyên gia phân tích, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, giả định nếu không xuất hiện đại dịch và căng thẳng địa chính trị trên thế giới hạ nhiệt thì các mục tiêu của Việt Nam hoàn toàn đạt được: “Dự báo trong năm 2025 và các năm tiếp theo đến 2030, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ rất cao, nhờ quyết tâm lớn trong việc cải thiện nhiều yếu tố như môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính…”

Theo ông Khôi, bên cạnh việc tập trung khai thác các lợi thế tăng trưởng cũ như xuất khẩu và đầu tư, Việt Nam cũng chú trọng khai thác động lực tăng trưởng mới như AI, chip bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn,... “AI là một nguồn lực rất lớn cho tăng trưởng và phải xác định là một lực lượng sản xuất”, vị chuyên gia nhấn mạnh chuyển đổi số mang đến nguồn lực rất mạnh.

Phó Viện trưởng CIEM nhận định tiềm năng tăng trưởng rất lớn nếu biết cách khai thác, ứng dụng chuyển đổi số giúp doanh nghiệp giải quyết các yếu tố nội tại như nguồn nhân lực, quy trình công nghệ… Ông Khôi lấy ví dụ, riêng với ngành dệt may, nếu có thể cải thiện những yếu tố như chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh và ứng phó tốt hơn với các yếu tố bên ngoài như diễn biến kinh tế thế giới, thiên tai dịch bệnh thì… riêng ngành này có thể đóng góp tăng thêm 1,26% GDP.

Tương tự như vậy, với các ngành kinh tế cấp một khác, ước tính tổng cộng khoảng 30% GDP có thể tăng thêm nếu được cải thiện. “Tiềm năng tăng trưởng rất tốt nếu chúng ta có thể giải quyết được tất cả những vấn đề “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, hỗ trợ yếu tố nội tại của doanh nghiệp”.

Quan điểm của TS Lương Văn Khôi cũng phù hợp với góc nhìn từ Giám đốc Phân tích Kinh tế Vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital - ông Michael Kokalari, khi dự báo cơ cấu tăng trưởng của Việt Nam sẽ chuyển sang các yếu tố nội tại nhiều hơn.

Cụ thể, tại bài phân tích “Hướng đến năm 2025”, vị chuyên gia nhận định Chính phủ Việt Nam đã cho thấy sẽ tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng vào năm 2025 và các biện pháp này sẽ giúp người tiêu dùng tự tin hơn trong việc tăng chi tiêu. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản phục hồi cũng sẽ có tác động tới tâm lý tiêu dùng.

“Một mức tăng vừa phải trong chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, chiếm khoảng 6% GDP, sẽ không đủ để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam đáng kể tuy nhiên sự kết hợp giữa tiến độ nhanh chóng trong các dự án như sân bay mới của TP. HCM và các tuyến đường vành đai mới của Hà Nội, cùng với sự phục hồi của thị trường bất động sản, sẽ có thể khiến người tiêu dùng cảm thấy tự tin hơn trong việc chi tiêu nhờ vào “hiệu ứng tài sản” liên quan đến giá trị của khu đô thị mà nhiều người tiêu dùng trung lưu Việt Nam sở hữu”, ông Michael Kokalari đánh giá.

Có thể thấy năm 2025 sẽ là bước ngoặt khi kinh tế Việt Nam được nâng đỡ bởi những yếu tố nội tại mạnh mẽ như đầu tư công, chuyển đổi số, và môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện. Với sự đồng lòng và quyết tâm từ các cấp lãnh đạo đến cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam hoàn toàn có thể hiện thực hóa khát vọng xây dựng một nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc, bền vững.

Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng 2 con số cho 16 tỉnh, thành

Ngày 5/2, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 25 về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên. Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng GRDP 2 con số trong năm 2025 cho 16 tỉnh, thành. Trong đó, Bắc Giang cao nhất là 13,6%; Hải Phòng 12,5%; Ninh Bình, Quảng Ninh 12%; Thanh Hóa 11%; Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai 10%. Còn Hà Nội 8%, TP.HCM 8,5%...

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao chủ trì theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu tại nghị quyết này.

Chính phủ cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung theo dõi sát, nắm chắc diễn biến tình hình, phối hợp chặt chẽ, thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực. Đồng thời, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành; có tư duy đổi mới, đột phá, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tổ chức thực hiện kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng ngành, lĩnh vực và tăng trưởng GRDP của địa phương theo chỉ tiêu của nghị quyết này.

Khánh An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tang-truong-hai-con-so-buoc-chuyen-lon-tao-da-cho-khat-vong-vuon-len-cua-dat-nuoc-post334312.html
Zalo