Tăng trưởng 8%: Quyết tâm cao, nỗ lực lớn

Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng GRDP cho các địa phương trên cả nước phải từ 8% trở lên

Lần đầu tiên Chính phủ ban hành riêng một nghị quyết giao chỉ tiêu tăng trưởng đối với 12 ngành, lĩnh vực và 63 địa phương, cho thấy quyết tâm rất cao trong việc phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Theo Nghị quyết 25 ban hành ngày 5-2, Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng GRDP cho các địa phương trên cả nước phải từ 8% trở lên. Trong đó, một số tỉnh, thành phố được giao tăng trưởng 2 con số.

Giao chỉ tiêu cao nhất cho Bắc Giang

Đây là lần đầu tiên Chính phủ ban hành riêng một nghị quyết để giao chỉ tiêu tăng trưởng đối với 12 ngành, lĩnh vực và 63 địa phương. Điều này cho thấy quyết tâm cao nhất của Chính phủ trong việc phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm 2025, hướng đến tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tiếp theo.

Theo Nghị quyết 25, hai "đầu tàu" kinh tế là Hà Nội và TP HCM được giao mức tăng trưởng lần lượt là 8% và 8,5%. Bắc Giang là địa phương được Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng GRDP cao nhất năm 2025 với 13,6%, tiếp đến là Ninh Thuận với 13%. Các địa phương khác trong nhóm những tỉnh, thành có quy mô kinh tế lớn ở nước ta được giao mục tiêu tăng trưởng trên 10% năm nay là Hải Phòng 12,5%, Quảng Ninh 12%, Thanh Hóa 11%, Bình Dương 10,2%, Đà Nẵng và Đồng Nai 10%.

Chính phủ cũng giao bổ sung một số chỉ tiêu phát triển ngành, lĩnh vực về sản xuất công nghiệp, du lịch, tiêu dùng gắn với trách nhiệm của các bộ, ngành. Cụ thể, Bộ Tài chính phải đưa tỉ trọng chi thường xuyên trên tổng chi ngân sách nhà nước xuống 60%, tỉ trọng chi đầu tư phát triển lên 31%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) bảo đảm tỉ lệ vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ở mức 33,5% GDP. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về một số chỉ tiêu như tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 12%, thặng dư thương mại 30 tỉ USD. Chính phủ cũng đặt mục tiêu thu hút 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế, 120 - 130 triệu lượt khách nội địa trong năm 2025.

Chính phủ yêu cầu các địa phương gửi Bộ KH-ĐT kịch bản tăng trưởng trong tháng 2-2025 để tổng hợp, theo dõi. Các địa phương cần chủ động thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp theo thẩm quyền; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu tăng trưởng được giao.

Hằng tháng và hằng quý, các tỉnh, thành cần phải báo cáo đánh giá tình hình thực hiện, cập nhật kịch bản tăng trưởng nếu có và kiến nghị, đề xuất giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng. UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu, rà soát các nguồn lực, động lực, năng lực mới cho tăng trưởng và giải pháp thực hiện, báo cáo HĐND cùng cấp trong tháng 2-2025.

Mỗi cá nhân, đơn vị phải làm việc với năng suất gấp đôi hiện nay thì mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng mới. Trong ảnh: Sản xuất giường xuất khẩu tại Công ty CP Savimex. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Mỗi cá nhân, đơn vị phải làm việc với năng suất gấp đôi hiện nay thì mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng mới. Trong ảnh: Sản xuất giường xuất khẩu tại Công ty CP Savimex. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Làm việc với năng suất gấp đôi

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết các chỉ tiêu, mục tiêu đưa ra tại Nghị quyết 25 đã được xem xét, rà soát kỹ lưỡng; phù hợp với thực tiễn và bảo đảm tính khả thi, chứ không áp đặt cứng nhắc cho từng địa phương, ngành, lĩnh vực.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhìn nhận để đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên, cần có quyết tâm cao độ, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt, gấp đôi gấp ba trước đây. "Mỗi cá nhân, đơn vị phải làm việc với năng suất gấp đôi hiện nay thì mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng mới" - ông nhấn mạnh.

Về các giải pháp cụ thể, Bộ KH-ĐT kiến nghị tập trung hoàn thiện thể chế để đẩy mạnh đầu tư. "Đầu tư từ lâu đã được xác định là động lực quan trọng, có tác động ngay lập tức đến tăng trưởng kinh tế. Cần sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, bảo đảm các dự án được triển khai nhanh chóng, đúng tiến độ và mang lại giá trị thực tiễn. Ngoài ra, cần chuẩn bị các dự án trọng điểm khác, bảo đảm tính sẵn sàng để gia tăng quy mô đầu tư công. Qua đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện hệ thống hạ tầng chiến lược của đất nước" - Thứ trưởng Trần Quốc Phương phân tích.

Thời gian tới, theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, doanh nghiệp nhà nước, nhất là các doanh nghiệp "đầu đàn", doanh nghiệp dẫn dắt, cần chủ động thực hiện những dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ, nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng đầu tư, đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025. Việt Nam cần tiếp tục duy trì đà thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nâng cao chất lượng nguồn vốn. Muốn làm được điều này, cần tháo gỡ vướng mắc về thể chế và pháp luật, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh theo hướng minh bạch, thuận lợi hơn để tạo sức hút đối với các nhà đầu tư. Ngoài ra, triển khai ngay một số chính sách quan trọng mà Quốc hội đã thông qua, nhất là chính sách "luồng xanh" nhằm thu hút các dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ cao.

Ông Trần Quốc Phương cũng nhấn mạnh đến các giải pháp thúc đẩy tiêu dùng trong nước, thúc đẩy tổng cầu và nâng cao sức mua của thị trường nội địa để đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, du lịch được xác định là một trong những lĩnh vực trọng điểm. Vì vậy, cần đẩy mạnh cải tiến sản phẩm du lịch; nghiên cứu, bổ sung các giải pháp hỗ trợ để thu hút du khách quốc tế.

Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, một trong những biện pháp quan trọng là cải thiện chính sách visa. Trong đó, xem xét miễn thị thực có thời hạn cho một số nhóm du khách, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn để khuyến khích khách quốc tế đến Việt Nam và lưu trú dài ngày hơn.

Nền tảng vững chắc

Theo TS Trần Hữu Hiệp, năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, cao hơn mức dự báo của các tổ chức quốc tế. Đây là thách thức lớn khi kinh tế toàn cầu còn tiềm ẩn nhiều rủi ro từ căng thẳng địa chính trị, lạm phát và xu hướng bảo hộ thương mại. Tuy nhiên, Việt Nam có nền tảng vững chắc từ mức tăng trưởng 7,09% của năm 2024, cùng với những động lực mới từ đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.

Trong đó, đầu tư công được kỳ vọng là "đầu tàu" với mức giải ngân kỷ lục trong năm cuối của kế hoạch trung hạn 2021-2025, song tiến độ thực hiện và hiệu quả giải ngân vẫn cần cải thiện. Đầu tư tư nhân, đặc biệt là FDI, có tiềm năng lớn nhưng cần môi trường đầu tư - kinh doanh ổn định, chính sách thông thoáng để thu hút các dự án có giá trị gia tăng cao.

Tiêu dùng nội địa được hỗ trợ nhờ thu nhập cải thiện và niềm tin thị trường nhưng vẫn chịu áp lực từ giá cả và biến động kinh tế. Xuất khẩu có triển vọng từ các FTA, nhất là thị trường Trung Quốc, Mỹ, châu Âu và ASEAN, song cần nâng cao năng lực cạnh tranh để đối phó các rào cản thương mại ngày càng siết chặt.

Riêng ĐBSCL, để đạt tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, đặc biệt là hạ tầng giao thông và logistics; tạo động lực thu hút vốn FDI vào các ngành công nghệ cao, công nghiệp chế biến chế tạo và năng lượng tái tạo. ĐBSCL cần thúc đẩy liên kết vùng, phát triển chuỗi cung ứng nội địa và du lịch sinh thái; nâng cao chất lượng nông sản, tận dụng các FTA, đẩy mạnh thương hiệu gạo, thủy sản và trái cây để tăng sức cạnh tranh...

T.Quân

Phát huy vai trò dẫn dắt tăng trưởng

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng cần phát huy vai trò dẫn dắt tăng trưởng của các vùng động lực, hành lang kinh tế và cực tăng trưởng.

Trong đó, tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu phải 8%-10%. Hà Nội, TP HCM và các địa phương có tiềm năng cần phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước. Bên cạnh đó, có cơ chế khuyến khích phù hợp đối với các địa phương tăng trưởng cao, có điều tiết về Trung ương.

MINH CHIẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tang-truong-8-quyet-tam-cao-no-luc-lon-196250209211257382.htm
Zalo