Các bộ, cơ quan ngang bộ theo tổ chức bộ máy mới đi vào hoạt động từ 1/3/2025
Chính phủ yêu cầu trình ban hành nghị định về chức năng, nhiệm vụ của các bộ ngành theo tổ chức bộ máy mới, hoàn thành trước 15/2, bảo đảm đi vào hoạt động từ 1/3.
Nội dung trên được đề cập tại Nghị quyết số 27 của Chính phủ về phiên họp thường kỳ tháng 1/2025.
![Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1. (Ảnh: VGP)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_83_51442357/a707d882eccc05925cdd.jpg)
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1. (Ảnh: VGP)
Không để gián đoạn hoặc bỏ sót công việc
Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện quyết liệt, bảo đảm tiến độ các công việc liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy theo kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng.
Chính phủ lưu ý không để hoạt động các bộ, cơ quan và UBND các địa phương bị gián đoạn hoặc bỏ sót công việc, nhất là các công việc liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan khác.
Các cơ quan cần theo dõi sát sao để kịp thời xử lý vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình hợp nhất, sáp nhập các cơ quan; gắn việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ và đổi mới cách thức tổ chức công việc.
"Khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo tổ chức bộ máy mới, hoàn thành trước ngày 15/2, bảo đảm đi vào hoạt động từ ngày 1/3; rà soát, sửa đổi theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến kiện toàn tổ chức bộ máy", Nghị quyết nêu.
Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9.
Bộ Nội vụ cũng được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan trong quá trình soạn thảo, trình ban hành các Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ...
Thủ tục liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương nỗ lực đạt chỉ tiêu tăng trưởng được Chính phủ giao, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của cả nước đạt 8% trở lên và phấn đấu cao hơn trong điều kiện thuận lợi.
Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ.
Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế; chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế.
Cũng theo yêu cầu của Chính phủ, cần kiểm kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; chú trọng đầu tư tín dụng vào các dự án, công trình trọng điểm; triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng (cho vay nhà ở xã hội, cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản...).
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nâng cao chất lượng, hiệu quả thu ngân sách nhà nước, mở rộng cơ sở thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và chống thất thu thuế, nhất là đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, lưu trú, thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới...
Chính phủ lưu ý việc thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, có giải pháp cụ thể, thiết thực tạo đột phá mạnh mẽ để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2025; kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2025.
"Trong năm 2025, mọi thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được tổ chức thực hiện theo hình thức trực tuyến, thông suốt, liền mạch, minh bạch, hiệu quả, giảm tối đa giấy tờ; 100% thủ tục hành chính được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh; 100% Bộ phận Một cửa thực hiện số hóa hồ sơ thủ tục hành chính trước khi giải quyết theo quy định", Nghị quyết nêu.
Thông toàn tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau trong năm 2025
Các bộ, cơ quan, địa phương được Chính phủ chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ chi tiết Kế hoạch đầu tư công năm 2025 cho các nhiệm vụ, dự án, đẩy nhanh thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, phấn đấu tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2025 đạt 95% kế hoạch được Thủ tướng giao.
Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, đưa các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải về đích đúng tiến độ, phấn đấu vượt tiến độ đề ra.
Trong đó, Chính phủ đặt biệt lưu ý các công trình có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, bảo đảm hoàn thành mục tiêu có ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025.
Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tháo gỡ vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng, hỗ trợ các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng các công trình, dự án theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.
Trong năm 2025, quyết tâm thông toàn tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau, cơ bản hoàn thành Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, các cảng khu vực Lạch Huyện; nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất khánh thành đưa vào sử dụng dịp 30/4; khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu; đẩy nhanh thủ tục đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia...