Tăng trưởng 8% không khó, quan trọng là duy trì bền vững
Trao đổi với ĐTTC, TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng khả năng tăng trưởng GDP năm 2025 sẽ đạt 8%, song vấn đề là chúng ta làm thế nào để tăng trưởng cao, bền vững.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_318_51471853/f687e5b6d4f83da664e9.jpg)
PHÓNG VIÊN: - Nhưng thưa ông, tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến rất khó lường, nhất là khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay?
TS. NGUYỄN ĐỨC KIÊN: - Đúng là trong bối cảnh hiện tại nền kinh tế còn nhiều thách thức, thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường tác động trực tiếp đến kinh tế trong nước, nhất là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Nhưng nếu can đảm chúng ta vẫn có thể làm được. Có thể nhìn vào một động lực tăng trưởng đầu tư công thôi, thì việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% không phải là vấn đề đáng lo.
Một trong 3 trụ cột của tăng trưởng GDP chính là đầu tư công. Tổng mức đầu tư công năm 2025 được Quốc hội phê duyệt lên tới 791.000 tỷ đồng (tương đương 6,4% GDP), cao hơn năm 2024 hơn 110.000 tỷ đồng. Theo một tính toán của Tổng cục Thống kê, khi vốn đầu tư công tăng lên 1% sẽ đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,06 điểm phần trăm.
Với nền tăng trưởng của năm ngoái, với đóng góp của đầu tư công vào tăng trưởng, với đầu tư công dẫn dắt đầu tư, các động lực tăng trưởng từ cả phía cung và phía cầu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ, thì tăng trưởng năm 2025 sẽ phải lên.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_318_51471853/6d7878494907a059f916.jpg)
Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ nhằm phấn đấu đạt tăng trưởng cao. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, đạt những kết quả quan trọng, đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực. Chính phủ cũng đã giao chỉ tiêu tăng trưởng cho các bộ ngành, địa phương. Như vậy, GDP năm nay sẽ phải đạt 8%.
Nhưng vấn đề là ta sẽ có được tăng trưởng cao trong bao lâu, làm thế nào để tăng trưởng cao bền vững, chứ hết tiền là hết tăng thì sao? Như chúng ta đã thấy trong 35 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang có xu hướng chậm lại, cứ mỗi 10 năm tăng trưởng lại một lần suy giảm. Do vậy cần đánh giá sâu sắc nguyên nhân của xu hướng này để đưa ra các chính sách phù hợp.
- Vậy ông nhận định gì khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 25/NQ-CP về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên?
- Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Trong bối cảnh đó, việc giao chỉ tiêu tăng trưởng cho từng địa phương sẽ thúc ép chính quyền các cấp tìm giải pháp và nỗ lực để có kết quả tốt nhất.
Giao chỉ tiêu tăng trưởng là điểm nhấn quan trọng, vừa là một giải pháp kinh tế, vừa mang chiến lược mang tính hệ thống, kết hợp giữa phân cấp và trao quyền để các địa phương phát huy tối đa tiềm năng của mình, thúc đẩy sự chủ động, năng động và sáng tạo. Khi được giao chỉ tiêu tăng trưởng, các cấp, ngành, địa phương vừa có áp lực, vừa có động lực và cả trách nhiệm hơn để có những giải pháp, chính sách và cơ chế tốt, khai thác tốt đặc thù và lợi thế riêng để vươn lên.
- Nhưng thưa ông việc khoán chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh giữa các địa phương. Một số lo ngại về việc các địa phương có thể áp dụng các chính sách quá mức để thu hút đầu tư, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí còn tiềm ẩn cả rủi ro?
- Trước hết để có tăng trưởng thì các động lực tăng trưởng phải được phát huy, các nguồn lực tăng trưởng phải được khai thác tốt và hiệu quả. Như vậy các địa phương sẽ cạnh tranh, thu hút nguồn lực để không chỉ đạt được chỉ tiêu tăng trưởng năm nay, mà còn có được tăng trưởng 2 con số ở những năm sau.
Khi có cuộc cạnh tranh thu hút nguồn lực, sẽ có nhiều ưu đãi hơn, tạo các điều kiện tốt hơn, như thế người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi. Khi ưu đãi bằng chính sách tài khóa thì doanh nghiệp càng có lợi.
Vấn đề ở đây là hài hòa giữa 3 lợi ích: lợi ích của xã hội, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích Nhà nước. Khi đưa ra nhiều ưu đãi, nhất là những chính sách ưu đãi bằng tài khóa là chúng ta đã giảm lợi ích của Nhà nước xuống để lợi ích của doanh nghiệp lên cao hơn, và sau đấy là đến lợi ích của người dân, của xã hội.
Cũng có ý kiến cho là những chính sách thuộc thẩm quyền về ngân sách địa phương thì liệu sẽ có những địa phương “quyết một cách thoải mái”, đó là một rủi ro. Nhưng chúng ta đã phân cấp, giao quyền thì cần tôn trọng quyền tự quyết của địa phương. Chính phủ cần phải nắm chắc cương lái, đặc biệt là trong các dự án liên tỉnh và liên bộ, để tránh sự cạnh tranh quá mức giữa các địa phương. Đồng thời, Chính phủ cũng cần phải có các chính sách hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người dân và Nhà nước.
- Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu chuẩn bị cho khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới. Ông nhận định gì về vấn đề này?
- Thủ tướng đã yêu cầu phải chuẩn bị các giải pháp để phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, không bị động nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra. Thực tế thương chiến đang bắt đầu xảy ra rồi. Trước cuộc chiến thuế quan này, Việt Nam sẽ có những nguy cơ tiềm ẩn.
Những sản phẩm nào Việt Nam sản xuất mà 50% nguyên liệu, vật tư nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị Mỹ cho rằng đó là hàng Trung Quốc. Vì vậy chúng ta phải cẩn trọng với nguồn gốc Trung Quốc, và tỷ lệ nhập khẩu từ Trung Quốc trong các sản phẩm.
Sớm hay muộn, Mỹ sẽ nhắm đến các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn, và đây là vấn đề cực kỳ đáng lo ngại cho hàng hóa của Việt Nam. Việt Nam thuộc Top 3 các quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico.
- Xin cảm ơn ông.