Không loại bỏ được nạn 'mượn đầu heo nấu cháo', sẽ còn nhiều vi phạm

Hàng loạt 'đại gia' xăng dầu vướng lao lý đã làm bộc lộ những khiếm khuyết của thị trường xăng dầu. Việc bịt các lỗ hổng là cần thiết để thị trường vận hành lành mạnh hơn, loại bỏ tình trạng 'mượn đầu heo nấu cháo'.

LTS: Thị trường xăng dầu đang trong quá trình 'thanh lọc' khi nhiều đại gia xăng dầu như Xuyên Việt Oil, Hải Hà, Thiên Minh Đức... bị xử lý hình sự. Điều này cho thấy kinh doanh xăng dầu vẫn tồn tại nhiều bất cập về chính sách cũng như năng lực của các doanh nghiệp. Nếu không có những điều chỉnh phù hợp, ngành này sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều vấn đề rắc rối nảy sinh.

VietNamNet thực hiện tuyến bài ghi nhận các ý kiến đóng góp từ phía chuyên gia, DN, nhà quản lý nhằm khắc phục những lỗ hổng trên thị trường xăng dầu, hướng tới một môi trường kinh doanh minh bạch, đảm bảo an ninh năng lượng bền vững.

Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, chia sẻ với PV. VietNamNet về thị trường xăng dầu.

Nếu lỗ hổng còn tồn tại, việc xử lý, răn đe cũng chỉ mang tính chắp vá

- Thưa ông, thời gian qua, thị trường xăng dầu đã có những điểm sáng nào đáng chú ý?

Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa: Thị trường xăng dầu trong thời gian qua có điểm tích cực là đảm bảo được nguồn cung trong mọi thời điểm, đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế. Đây là một thành công lớn trong công tác điều hành. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khiếm khuyết cần được nhìn nhận thẳng thắn để sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan.

- Những khiếm khuyết đó cụ thể là gì, thưa ông?

Thứ nhất, các quy định về quản lý giá và Quỹ bình ổn giá chưa thực sự rõ ràng về trách nhiệm chính của các cơ quan liên quan như Bộ Tài chính và Bộ Công Thương. Việc quản lý Quỹ bình ổn giá lại có sự tham gia của các ngân hàng thương mại, dẫn đến tình trạng chưa có đơn vị chủ trì chính, gây khó khăn trong xử lý tiêu cực. Khi xảy ra vi phạm, các bộ, ngành có xu hướng đổ trách nhiệm cho nhau, dẫn đến việc xử lý chưa kịp thời và thiếu hiệu quả.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam.

Thứ hai, công tác kiểm tra, giám sát chưa chặt chẽ. Quản lý chủ yếu dựa trên giấy tờ và báo cáo, không có sự kiểm soát thực tế. Điều này tạo điều kiện cho doanh nghiệp lợi dụng để rút Quỹ bình ổn giá mà không bị phát hiện ngay lập tức.

- Việc cơ quan chức năng thời gian qua liên tục xử phạt, thậm chí xử lý hình sự những doanh nghiệp xăng dầu vi phạm pháp luật đã đủ để làm lành mạnh hóa thị trường xăng dầu, thưa ông?

Việc xử lý đó là cần thiết. Song, chúng ta cần phải khắc phục triệt để những lỗ hổng trong quản lý để không lặp lại những vi phạm ấy. Nếu những lỗ hổng này vẫn tồn tại thì dù có xử lý, răn đe cũng chỉ mang tính chắp vá. Điều quan trọng là phải tạo ra một cơ chế quản lý chặt chẽ, không để người vi phạm có cơ hội tái diễn hành vi sai phạm.

Khi đó, không chỉ giúp tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước mà còn góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh xăng dầu minh bạch, thông thoáng nhưng vẫn đảm bảo kỷ cương. Đây là yêu cầu rất cốt lõi.

- Theo ông, cần có những giải pháp nào để khắc phục những lỗ hổng này?

Điều quan trọng nhất là phải xác định rõ trách nhiệm quản lý của từng cơ quan. Ví dụ, quỹ bình ổn giá cần có cơ quan chủ trì chính, tránh tình trạng bị lạm dụng như thời gian qua.

Lỗ hổng lớn nhất nằm ở việc xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý chính. Chẳng hạn, đối với Quỹ bình ổn giá, khi có vấn đề xảy ra, Bộ Công Thương lại gửi văn bản sang Bộ Tài chính, cho rằng đây là trách nhiệm của Bộ Tài chính. Trong khi đó, Bộ Tài chính lại đẩy trách nhiệm ngược lại cho Bộ Công Thương. Tôi đã xem Thông tư 33, nhưng vẫn không thấy quy định rõ ràng cơ quan nào chịu trách nhiệm chính. Điều này dẫn đến sự lúng túng trong xử lý: khi cần rút giấy phép hay thu hồi Quỹ bình ổn giá, thậm chí yêu cầu ngân hàng không được khấu trừ quỹ, các cơ quan vẫn chưa có cơ chế phối hợp chặt chẽ. Hậu quả là nhiều doanh nghiệp như Hải Hà bị ngân hàng cấn trừ nợ từ Quỹ bình ổn giá, gây bất cập trong quản lý.

Bên cạnh đó, việc quản lý hiện nay chủ yếu dựa trên giấy tờ, báo cáo mà thiếu kiểm soát thực tế. Không có sự liên kết giữa cơ quan quản lý và ngân hàng - nơi doanh nghiệp mở tài khoản - dẫn đến tình trạng doanh nghiệp dễ dàng rút tiền từ quỹ để sử dụng vào mục đích khác, gây thất thoát và làm giảm hiệu quả điều hành.

Cùng với đó, việc cấp phép kinh doanh xăng dầu cũng cần chặt chẽ hơn. Hiện nay, có tình trạng doanh nghiệp chưa đủ điều kiện nhưng vẫn được cấp phép nhờ ký hợp đồng thuê kho, bãi, cửa hàng để đạt yêu cầu tối thiểu. Sau khi được cấp phép, họ lại hủy hợp đồng, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh và phát sinh tiêu cực.

Loại bỏ tình trạng 'mượn đầu heo nấu cháo'

- Như vậy, có thể nói rằng việc cấp phép cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thời gian qua còn dễ dãi, thưa ông?

Đúng vậy, việc cấp phép cũng là một lỗ hổng lớn. Dù có quy định về kho bãi, cửa hàng nhưng thực tế lại phát sinh nhiều vấn đề. Có hai trường hợp phổ biến dẫn đến vi phạm. Thứ nhất, cơ quan cấp phép chưa thực hiện việc thẩm định hồ sơ một cách nghiêm túc, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp chưa đủ điều kiện, thậm chí chỉ gần đủ điều kiện, vẫn được cấp phép. Điều này là không chấp nhận được.

Thứ hai, quy định hiện hành cho phép doanh nghiệp thuê, liên doanh hoặc liên kết để đủ điều kiện cấp phép. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở này bằng cách ký kết hợp đồng thuê mướn cửa hàng, kho bãi để hợp thức hóa điều kiện, sau khi được cấp phép thì lại hủy hợp đồng. Đây chính là nguyên nhân phát sinh tiêu cực trong công tác cấp phép.

Do đó, cần phải siết chặt quy trình cấp phép, kiểm tra kỹ lưỡng và loại bỏ tình trạng "mượn đầu heo nấu cháo" - tức là sở hữu trên giấy tờ nhưng thực tế không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh. Những ai đủ điều kiện thì cấp phép, ai chưa đủ thì dứt khoát không cấp, không có chuyện nợ điều kiện hay linh động quá mức. Việc cấp phép phải minh bạch, chặt chẽ để tránh những kẽ hở dẫn đến tiêu cực trong ngành xăng dầu.

- Như vậy, ông cho rằng cần chú trọng chất lượng hơn số lượng?

Chính xác. Doanh nghiệp muốn kinh doanh xăng dầu phải thực sự đủ điều kiện. Nếu không siết chặt quy trình cấp phép, thị trường sẽ luôn tồn tại những bất cập như hiện nay.

- Ông đánh giá thế nào về các dự thảo nghị định liên quan đến quản lý giá xăng dầu hiện nay để thực hiện mục tiêu lành mạnh hóa thị trường xăng dầu?

Tôi chưa thấy điểm sáng nào rõ ràng trong dự thảo, đặc biệt là về vấn đề giá. Nếu muốn có sự đổi mới thực sự, chúng ta cần xem xét lại một số điểm quan trọng.

Thứ nhất, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị năm 2020 quy định rằng chúng ta phải áp dụng cơ chế giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng, hướng đến sự minh bạch, loại bỏ các rào cản và để giá cả do thị trường quyết định. Tuy nhiên, đối chiếu với dự thảo, dù có đề cập đến cơ chế thị trường nhưng thực tế vẫn thể hiện sự can thiệp sâu của Nhà nước vào giá xăng dầu.

Giá do thị trường quyết định nghĩa là phải dựa trên cung - cầu. Nhưng hiện tại, dù bỏ giá cơ sở cũ, Nhà nước vẫn công bố các chi phí cấu thành giá xăng dầu, từ đó xác định mức giá tối đa mà doanh nghiệp không được vượt qua. Như vậy, đây vẫn là một dạng quản lý giá cứng nhắc, chưa phù hợp với quy định của Luật Giá.

Thứ hai, về cơ chế bình ổn giá, dự thảo có đề cập đến việc thực hiện theo Luật Giá, trong đó có 7 biện pháp, bao gồm cả Quỹ bình ổn giá. Tuy nhiên, vấn đề lớn ở đây là Quỹ bình ổn giá xăng dầu có tiếp tục duy trì hay không vẫn chưa rõ ràng. Luật Giá giao Chính phủ hướng dẫn về quỹ bình ổn nói chung, nhưng nếu không có quy định cụ thể về cách thức hình thành, sử dụng và quản lý quỹ này, chúng ta lại đối mặt với những lỗ hổng như trước đây.

Ví dụ, nếu tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì quỹ này sẽ được quản lý ra sao? Liệu có để ở doanh nghiệp, mở tài khoản tại ngân hàng như trước, hay sẽ chuyển về Kho bạc Nhà nước? Nếu để ở Kho bạc thì cần có quy trình xử lý thủ tục nhanh chóng để đảm bảo quỹ được sử dụng kịp thời. Ngoài ra, nếu quản lý qua Kho bạc thì bộ nào sẽ chịu trách nhiệm giám sát quỹ này? Đây là những vấn đề quan trọng cần được làm rõ để tránh lặp lại những bất cập đã từng xảy ra.

- Vậy theo ông, cơ quan nào nên là đơn vị chủ trì quản lý xăng dầu?

Tôi đề xuất giao toàn bộ cho Bộ Công Thương. Bộ này quản lý từ khâu nhập khẩu, cung - cầu, phân phối đến giá cả, vì vậy sẽ có sự thống nhất trong quản lý. Nếu phân tán trách nhiệm giữa nhiều bộ, ngành như hiện nay, việc kiểm tra và xử lý sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bài 4: Bộ Công Thương phân trần về 'cải cách' ở dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu

Lương Bằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bit-lo-hong-tren-thi-truong-xang-dau-2370756.html
Zalo