Tăng tốc sản xuất nông, lâm nghiệp từ đầu năm

BBK- Năm 2025, Bắc Kạn đặt mục tiêu tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản từ 4,3%, đóng góp vào GRDP toàn tỉnh trên 8,5%. Để đạt GRDP trên 10%, ngành Nông nghiệp cần tăng trưởng hơn 4,8%, đòi hỏi sự bứt phá ngay từ đầu năm.

 Người dân xã Cao Kỳ (Chợ Mới) tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Người dân xã Cao Kỳ (Chợ Mới) tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Triệu Đức Văn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Đây là chỉ tiêu rất cao giao cho ngành. Để đạt được mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp xác định cần tập trung đầu tư phát triển đối với các ngành hàng, lĩnh vực để tạo ra bước đột phá đảm bảo tăng trưởng, phát huy lợi thế của từng địa phương, trong đó tập trung phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị, phát triển chăn nuôi lợn và chăn nuôi gia cầm, thủy cầm; duy trì sản lượng khai thác gỗ đã đạt được trong năm 2024 và tăng cường khai thác các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ như hồi, quế.

Cây trồng chủ lực, cây trồng giá trị kinh tế có diện tích lớn đảm bảo an ninh lương thực, trồng thành vùng chuyên canh để chế biến như: Cây lúa, diện tích cả năm đạt 22.480ha. Cây ngô, diện tích cả năm đạt 13.584ha. Cây trồng đạt giá trị kinh tế cao gồm: Cây dong riềng 470ha; cây chè 1.450ha; các loại cây ăn quả đặc sản diện tích 5.283ha; cây dược liệu và cây trồng lợi thế của các địa phương là 10.249ha.

 Chú trọng phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao. Trong ảnh: Người dân tiểu khu Đèo Gió, huyện Ngân Sơn trồng cây lê, cho giá trị kinh tế khá.

Chú trọng phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao. Trong ảnh: Người dân tiểu khu Đèo Gió, huyện Ngân Sơn trồng cây lê, cho giá trị kinh tế khá.

Bên cạnh đó, cũng theo lãnh đạo ngành Nông nghiệp, tỉnh cần phát triển ổn định diện tích các loại cây trồng đặc sản, tập trung nâng cao giá trị từ khâu chế biến và thị trường tiêu thụ. Phát triển đàn gia súc theo hướng vỗ béo phục vụ sản xuất ra các sản phẩm, trong đó có 30% sản lượng được chế biến thành các sản phẩm như thịt lợn hun khói, thịt lợn sấy khô, xúc xích (hiện nhiều HTX đã phát triển được sản phẩm để tham gia vào thị trường lớn). Thực hiện tốt công tác trồng, bảo vệ và phát triển rừng.

Chuyển mạnh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Phát triển trồng trọt tuần hoàn, phát thải các-bon thấp. Đẩy mạnh chăn nuôi công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng, phát triển thương hiệu. Vận dụng các nguồn vốn để tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu.

 Đẩy mạnh công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: Hoạt động sản xuất tại cụm công nghiệp Quảng Chu (Chợ Mới).

Đẩy mạnh công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: Hoạt động sản xuất tại cụm công nghiệp Quảng Chu (Chợ Mới).

Nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ, mục tiêu trong năm 2025, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2025. Trong đó giao cụ thể cho các địa phương chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp chính trên địa bàn nhằm đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, góp phần nâng cao giá trị tăng trưởng ngành.

Chỉ đạo đơn vị chuyên môn thuộc Sở, UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chính như: Chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu của Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong năm 2025; xây dựng kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp chi tiết theo từng vụ trong năm, xác định cụ thể cây trồng, vật nuôi lợi thế để tập trung đầu tư phát triển.

 Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm.

Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm.

Hướng dẫn cho người dân về kỹ thuật trong trồng trọt, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi và nuôi trồng thủy sản đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời vụ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất và triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất mới có hiệu quả kinh tế cao; chú trọng sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường kêu gọi, hợp tác với các doanh nghiệp lớn để hỗ trợ, phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ gắn với sản xuất, chế biến và tiêu thụ trong nước, tiến tới xuất khẩu.

Vận dụng nguồn kinh phí từ Chương trình MTQG và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống Nhân dân. Tích cực, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh.

 Phát triển nghề nấu rượu truyền thống gắn với chăn nuôi lợn để nâng cao giá trị sản phẩm tại xã Bằng Phúc (Chợ Đồn).

Phát triển nghề nấu rượu truyền thống gắn với chăn nuôi lợn để nâng cao giá trị sản phẩm tại xã Bằng Phúc (Chợ Đồn).

Đối với phát triển chăn nuôi, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu trong năm 2025 có đàn trâu, bò 65.000 con; đàn lợn 320.000 con, tương đương với sản lượng thịt lợn hơi khoảng 13.000 tấn.

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh, ngành Nông nghiệp mong muốn tỉnh tiếp tục ưu tiên đầu tư các nguồn lực để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Ban hành các chính sách đặc thù, đột phá để hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp. Có cơ chế chính sách và nguồn lực đủ lớn để hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hoặc nhà máy chế biến, sản xuất nông lâm sản có hiệu suất cao, quy mô lớn để chế biến các sản phẩm từ cây trồng tại địa phương đặc biệt là các sản phẩm từ quế, hồi.../.

Trần Tuyến

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/tang-toc-san-xuat-nong-lam-nghiep-tu-dau-nam-post69243.html
Zalo