Sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện là phù hợp với tiến bộ thế giới
Theo GS Trần Ngọc Đường, việc sáp nhập tỉnh này với tỉnh kia không có vấn đề gì về Hiến pháp; việc bỏ cấp huyện và chỉ còn cấp tỉnh, xã cũng là hợp lý, phù hợp với tiến bộ thế giới.
Trao đổi với VietNamNet về kết luận của Bộ Chính trị mới đây yêu cầu Đảng ủy Chính phủ nghiên cứu định hướng "sáp nhập một số tỉnh, bỏ cấp huyện", GS.TS Trần Ngọc Đường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bày tỏ rất ủng hộ chủ trương này.
Theo GS Trần Ngọc Đường, việc sáp nhập tỉnh này với tỉnh kia không có vấn đề gì về Hiến pháp. Bởi Hiến pháp không quy định cứng "Việt Nam có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương". Điều 110, Hiến pháp 2013 quy định: "Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau: Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương".

GS.TS Trần Ngọc Đường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Minh Đạt
GS Trần Ngọc Đường cũng bày tỏ đồng tình việc bỏ cấp huyện và chỉ còn cấp tỉnh, cấp xã.
"Đây là chủ trương rất phù hợp với tổ chức chính quyền các nước trên thế giới. Cụ thể, họ chú trọng xây dựng chính quyền 2 đầu (cấp tỉnh, cấp xã) mạnh. Đó là tỉnh thành mạnh và cơ sở (xã, phường) mạnh. Còn chính quyền trung gian ở giữa do chính quyền tỉnh đưa về một khu vực hoặc vùng nào đó thuộc một vài xã, phường để đại diện chính quyền tỉnh nắm chính quyền ở khu vực, cơ sở đó. Đây cũng là mô hình chính quyền tiến bộ, hiện đại hiện nay", ông Đường phân tích.
Gom lại để tạo không gian phát triển rộng hơn
Hiện tại, Việt Nam đang có 63 tỉnh, thành, vậy khi nghiên cứu sáp nhập một số tỉnh nên theo hướng thế nào để phù hợp?
Tôi cho rằng Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương Đảng cũng đã có nghiên cứu và có thể sẽ không còn 63 tỉnh, thành nữa. Theo định hướng nghiên cứu sáp nhập một số tỉnh, thành lại để tạo ra thế mạnh cho vùng, liên kết vùng tốt hơn. Song cụ thể sáp nhập còn bao nhiêu tỉnh, thành thì chưa thể nói được nhưng chắc sẽ gom lại.
Và có thể sẽ còn gom nhỏ hơn nữa so với hiện nay để tạo ra vùng có thế mạnh liên kết với nhau. Như tạo ra vùng vừa có biển, có rừng, đồng bằng - có thể hợp nhất một số tỉnh có biển với một số tỉnh không có biển để tạo thế mạnh về biển, tạo thành một vùng có thế mạnh rộng lớn.
Tôi nghĩ rằng, Bộ Chính trị, Trung ương đã có nghiên cứu nhưng sẽ phải làm từng bước.
Hiện nay, việc sáp nhập đơn vị hành chính dựa trên nhiều tiêu chí, trong đó chủ yếu dựa vào quy mô về dân số và diện tích. Vậy theo ông khi nghiên cứu sáp nhập một số tỉnh có nên tính toán các tiêu chí khác để đảm bảo phù hợp với thực tế, tránh tình trạng sáp nhập cào bằng, cơ học?
Tôi cho rằng khi nghiên cứu việc sáp nhập một số tỉnh sẽ phải có các tiêu chí cụ thể để tạo sự đồng thuận cũng như động lực phát triển mạnh mẽ. Nếu không có tiêu chí mà cứ sáp nhập theo ý muốn chủ quan sẽ không được và còn có thể tạo ra những vùng "lủng củng", phát triển không hợp lý.
Có một thực tế vừa qua, việc chia tách đơn vị hành chính nhỏ quá dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, thậm chí cạnh tranh, triệt tiêu sự phát triển của nhau. Vì vậy, việc sáp nhập một số tỉnh sẽ là một lợi thế để khắc phục tình trạng này và tạo ra động lực, không gian phát triển mạnh mẽ.
Rất nhiều thuận lợi để bỏ cấp huyện
Vậy còn việc bỏ cấp huyện theo ông trong tình hình hiện nay có thuận lợi và khó khăn gì?
Muốn xem việc này lợi, hại thế nào cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ, sâu sắc hơn để thực hiện chủ trương này cho tốt, bởi lâu nay ở chính quyền địa phương chúng ta quen với mô hình 3 cấp (tỉnh, huyện, xã).
Nhưng bước đầu suy nghĩ cho thấy, nếu bỏ cấp huyện cũng có nhiều thuận lợi.
Thuận lợi thứ nhất sẽ tạo ra không gian tương đối rộng hơn để phát triển kinh tế, xã hội mà không bó hẹp trong quận, huyện nào đó. Đồng thời, tạo ra môi trường rộng lớn hơn để thu hút tiềm năng, nguồn lực để phát triển. Đó là một lợi thế rất lớn trong điều kiện phát triển kinh tế hội nhập ngày càng rộng lớn. Khi đó, không bị rào cản bởi ranh giới, lãnh thổ của huyện, quận, phường.
Thứ hai, thu hút nguồn lực lớn hơn của cả tỉnh phục vụ cho một dự án của xã, phường nào đó.
Thứ ba, việc này thực hiện đúng chủ trương của Đảng là tinh giản để giảm tầng nấc trung gian, tăng ngân sách cho Nhà nước, bớt chi phí cho bộ máy của quận, huyện hiện nay cũng rất nhiều.
Thêm vào đó, trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay thì việc quản lý nhà nước từ tỉnh đến cơ sở là xã phường thuận lợi hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, bước đầu cũng có thể tạo ra một số cản trở do nhận thức chưa đầy đủ nên nghi ngại, lo lắng về quản lý nhà nước có thực hiện được không, chính quyền cấp trên, cấp dưới xa nhau như thế liệu có quan liêu hay không.
Do vậy cần làm thế nào tuyên truyền, giáo dục để có nhận thức thống nhất, thông suốt.
Nếu bỏ cấp trung gian là cấp huyện sẽ bỏ được một nấc trong phân cấp, phân quyền. Khi đó sẽ phân cấp, phân quyền thẳng từ cấp tỉnh xuống cấp xã, phường, giúp môi trường quản lý thông thoáng hơn, thuận lợi hơn.
Trước đây triển khai vấn đề gì sẽ phải qua quận, huyện mới xuống xã, phường thì nay sẽ triển khai thẳng từ tỉnh, thành xuống xã, phường thuận lợi hơn rất nhiều.
Vậy theo ông thời điểm này đã là chín muồi để tiến hành sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện hay chưa? Việc này nên thực hiện trước hay sau Đại hội 14 của Đảng (tháng 1/2026)?
Theo tôi thời điểm này đã là chín muồi để nghiên cứu việc này nhưng phải nghiên cứu từng bước. Nhất là sau khi đã thực hiện sáp nhập, tinh gọn tổ chức bộ máy chính trị ở Trung ương và địa phương thì việc sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện cần làm bài bản chứ không làm theo ý chí chủ quan được.
Hiện nay quyết tâm của Đảng, nhà nước là phải làm nhanh, mạnh để chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới bắt đầu từ Đại hội 14. Nên việc này cũng có thể làm trước Đại hội 14.
Vấn đề tinh giản bộ máy, sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện là vấn đề liên quan trực tiếp của con người, trực tiếp đến lợi ích nên rất phức tạp phải làm bài bản, chuẩn bị công phu, cộng với quyết tâm rất lớn.
Bởi thực tế tinh gọn bộ máy đã được đề ra từ mấy chục năm nhưng thực hiện chưa hiệu quả, chưa đến nơi, đến chốn.
Còn lần này với sự quyết tâm rất lớn của Đảng, nhà nước, làm rất bài bản, có quyết tâm, phương pháp cụ thể, thiết kế bộ máy từ trên xuống dưới và yêu cầu buộc phải thực hiện chứ không phải nêu vấn đề còn ở dưới thực hiện đến đâu tùy ý.