Tăng thuế thuốc lá: Vì sinh mạng nhân dân, xin đừng chần chừ, nương nhẹ
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội xem xét để tăng ngay, tăng mạnh và tăng thường xuyên thuế thuốc lá. Việc tăng thuế thuốc lá cao và tăng thường xuyên được các quốc gia trên thế giới đánh giá là một chính sách 'cùng thắng'.

Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Ảnh: T. QUỲNH
Tăng thuế thuốc lá là chính sách “cùng thắng”
Tham gia thảo luận tại Phiên họp sáng 9/5 về Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) dành trọn thời gian phát biểu của mình cho vấn đề thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá.
Đại biểu cho hay, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì thuế thuốc lá là biện pháp nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá, từ đó góp phần giảm đáng kể gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.
WHO cũng khuyến cáo thuế thuốc lá nên chiếm ít nhất 75% giá bán lẻ để đạt hiệu quả tối ưu trong việc giảm tiêu thụ các sản phẩm này.
Bằng chứng từ nhiều quốc gia cũng cho thấy, điều chỉnh tăng thuế thuốc lá là một giải pháp mang lại lợi ích kép, vừa tăng thu, vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, nguồn thu ổn định từ thuế thuốc lá đảm bảo nguồn tài chính cho các chương trình y tế cộng đồng.
Ví dụ, tại Philippines sau khi tăng thuế thuốc lá mạnh năm 2012 thì tỷ lệ hút thuốc lá giảm từ 27% xuống còn 19,5%, trong khi nguồn thu thuế thuốc lá tăng từ 680 triệu USD Mỹ năm 2012 đã lên 2,9 tỷ USD Mỹ năm 2022.
Ở Thái Lan từ năm 1993 đến năm 2017 tăng thuế thuốc lá 11 lần dẫn đến kết quả giảm tỷ lệ hút thuốc từ 32% xuống còn 19,1% và thu ngân sách tăng 4 lần, tức là 500 triệu USD lên 2,3 tỷ USD.
Tăng thuế thuốc lá cao và tăng thường xuyên được các quốc gia trên thế giới đánh giá là một chính sách cùng thắng; thắng trong bảo vệ sức khỏe và thắng trong nguồn thu ngân sách của Nhà nước.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí
Theo đại biểu, so với các nước ASEAN thì Việt Nam đang ở mức thuế rất thấp, thuế tính trên giá bán lẻ thuốc lá là khoảng 36%, thấp hơn nhiều quốc gia như Thái Lan là 78,6%, Philippines là 71,3%, Singapore là 67,5%. Điều này khiến giá thuốc lá tại Việt Nam vẫn thuộc loại hàng rẻ nhất Đông Nam Á.
“Căn cứ vào thực tiễn tại Việt Nam và kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là theo khuyến cáo của WHO, tôi đề nghị Quốc hội xem xét để tăng ngay, tăng mạnh và tăng thường xuyên thuế thuốc lá” - đại biểu Nguyễn Anh Trí kiến nghị.
Mức thuế suất phải tính trên giá bán lẻ
Phân tích về biểu thuế TTĐB đối với thuốc lá tại Điều 8 Dự thảo Luật, liên quan đến thuốc lá điếu, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị cần điều chỉnh cách phân chia này rõ ràng hơn.
Trong đó, cột thuế suất theo Dự thảo là 75%, đại biểu đề nghị phải khẳng định 75% là giá bán lẻ. “Ở Việt Nam đưa khái niệm về giá xuất xưởng, tôi cho là không hợp lý vì Tổ chức Y tế thế giới cũng đề nghị là 75% của nhà bán lẻ” – đại biểu Trí nêu quan điểm.
Ở cột mức thuế tuyệt đối, đại biểu đồng ý với lộ trình từ ngày 01/01/2027 đến ngày 01/01/2031. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị mức thuế khởi đầu là 5.000 đồng cho một bao loại 20 điếu; năm 2027 là 3.000 đồng, mỗi năm tăng lên 3.000 đồng, đến năm 2028 là 6.000 đồng, năm 2029 là 9.000 đồng, năm 2030 là 12.000 đồng và đến năm 2031 là 15.000 đồng cho bao loại 20 điếu.

Đại biểu Lê Hoàng Anh phát biểu thảo luận. Ảnh: T. QUỲNH
Đại biểu cũng cung cấp thêm đến nghị trường một số thông tin tiếp nhận được từ Bộ Y tế. Theo đó, Việt Nam hiện có hơn 15 triệu người hút thuốc, nằm trong số 15 quốc gia có số người hút thuốc cao nhất thế giới.
Ước tính mỗi năm có hơn 100.000 ca tử vong do các bệnh gây ra do hút thuốc chủ động và tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động.
Theo báo cáo nghiên cứu của Hội Kinh tế Y tế năm 2022, chi phí y tế cho điều trị và mất sức lao động do bệnh tật và tử vong sớm liên quan đến sử dụng thuốc lá hằng năm ở Việt Nam ước tính lên đến 108.000 tỷ đồng, tức là khoảng 4,5 tỷ USD, tương đương 1,14% GDP.
“Vì sinh mạng nhân dân xin đừng chần chừ và nương nhẹ, rất mong Ban soạn thảo quan tâm và tiếp thu” - đại biểu Nguyễn Anh Trí thiết tha đề nghị.
Cùng quan điểm với đại biểu Nguyễn Anh Trí, đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai) cũng đề nghị thuế đối với rượu, bia, thuốc lá cần ít nhất cần giữ như phương án 2 mà Chính phủ đã trình tại Kỳ họp thứ 8.
“Những sản phẩm gây hại cho sức khỏe thì không thể có mức thuế mang tính động viên, chia sẻ đồng hành, còn hệ lụy hậu quả người dân gánh chịu. Một chính sách thuế tuy nhỏ nhưng là lời tuyên bố mạnh mẽ, Việt Nam không đánh đổi sức khỏe nhân dân lấy tăng trưởng thuần túy. Đã đến lúc chúng ta không còn chờ đợi, xin Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội hãy hành động vì một Việt Nam khỏe mạnh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” - đại biểu Lê Hoàng Anh bày tỏ.