Tăng thuế thuốc lá có làm gia tăng buôn lậu?
Đại diện CIEM cho rằng, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá không làm ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng, không làm gia tăng buôn lậu. Nguồn thu từ việc tăng thuế này góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo và bất bình đẳng, bảo đảm khả năng chi trả cho các mục tiêu phát triển bền vững.
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2024 cho biết, chi phí y tế và kinh tế hàng năm của việc sử dụng thuốc lá ở Việt Nam ước tính lên tới 108 nghìn tỷ đồng (khoảng 4,5 tỷ USD), tương đương 1,14% GDP (dựa trên số liệu năm 2022). Con số này lớn hơn 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia.
Chia sẻ tại buổi “Tập huấn vai trò của thuế thuốc lá trong chính sách tài khóa và sức khỏe cộng đồng”, sáng ngày 25/2, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá không làm ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng. Thậm chí, việc tăng này còn góp phần tăng thu ngân sách quốc gia.
Một trong những mục tiêu quan trọng của việc tăng thuế thuốc lá là bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm tỷ lệ hút thuốc và các bệnh lý liên quan đến thuốc lá. Sức khỏe người dân là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Khi sức khỏe cộng đồng được bảo vệ, chi phí y tế sẽ giảm, người lao động sẽ khỏe mạnh hơn và có năng suất làm việc cao hơn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế lâu dài.

Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, CIEM chia sẻ tại buổi tập huấn.
Tính toán của WHO cho thấy với phương án 2 của Bộ Tài Chính đưa ra trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, nếu năm 2026 tỉ lệ tính thuế là 75% cộng với mức thuế tuyệt đối là 5.000 đồng/bao, mỗi năm sau mức thuế tuyệt đối tăng thêm 1.000 đồng/bao và đến năm 2030, thuế tăng lên 10.000 đồng/bao. Điều này sẽ giúp giảm 2,9 điểm phần trăm tỉ lệ người trưởng thành hút thuốc vào năm 2030 so với năm 2020 và đóng góp thêm 21,8 nghìn tỷ đồng tăng thu ngân sách.
“Cũng theo tính toán của WHO, để đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá, ngoài mức thuế tỉ lệ 75%, mức thuế tuyệt đối cần thiết áp dụng đến năm 2030 là 15.000 đồng/bao. Khi đó, ngân sách Nhà nước có thể tăng thu thêm 29 nghìn tỷ đồng”, ông Dương cho biết.
Ông Dương khẳng định, việc tăng thuế thuốc lá không làm gia tăng buôn lậu. Tiêu thụ thuốc lá lậu ở Việt Nam ước tính giảm từ 20,7% năm 2012 xuống còn 13,7% vào năm 2017, được xác định là nhờ các nỗ lực tăng cường thực thi chống buôn lậu mạnh hơn. Đây cũng là một trong những giai đoạn mà Việt Nam đã tiến hành điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc lá.
Bên cạnh đó, nguồn thu từ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo và bất bình đẳng, bảo đảm khả năng chi trả cho các mục tiêu phát triển bền vững. Một quốc gia với một cộng đồng khỏe mạnh sẽ có nền kinh tế vững mạnh hơn, vì vậy, việc tăng thuế thuốc lá là một bước đi đúng đắn trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững.
“Việt Nam cần vững tin rằng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là một chiến lược then chốt và hiệu quả để giảm tiêu thụ thuốc lá, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp và trẻ em. Tăng thuế thuốc lá sẽ góp phần cải thiện sức khỏe của người lao động, qua đó tăng năng suất, giảm chi phí y tế, tạo điều kiện tăng chi cho giáo dục, gia tăng tiết kiệm để phục vụ cho các hoạt động đầu tư và kinh doanh”, ông Dương khẳng định.