Ổn định tỷ giá trước áp lực 'cuộc chiến' thuế quan

Những biến động của tỷ giá thường mang tính thời điểm; trong trường hợp đồng USD suy yếu trong nửa cuối năm 2025, sẽ tạo ra nhiều dư địa cho chính sách tiền tệ của Việt Nam để hỗ trợ tăng trưởng.

Đồng tiền đô la Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Đồng tiền đô la Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Áp lực tỷ giá vẫn đang hiện hữu trước những biến động mạnh của thị trường tài chính toàn cầu sau tuyên bố liên quan đến chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy vậy, theo các chuyên gia, những biến động của tỷ giá thường mang tính thời điểm; trong trường hợp đồng USD suy yếu trong nửa cuối năm 2025, sẽ tạo ra nhiều dư địa cho chính sách tiền tệ của Việt Nam để hỗ trợ tăng trưởng.

Tỷ giá VND/USD niêm yết ở các ngân hàng thương mại đồng loạt được đẩy lên mức kịch trần trong phiên 12/2, lên mức 25.777 đồng/USD ở chiều bán ra.

Cụ thể, Vietcombank tăng tỷ giá thêm 77 đồng so với cuối phiên trước, niêm yết ở mức 25.417-25.777 VND/USD (mua vào – bán ra). Tương tự, VietinBank và BIDV lần lượt áp dụng giá USD ở mức 25.430-25.777 VND/USD và 25.415-25.775 VND/USD.

Việc tỷ giá tại các ngân hàng được đẩy lên cao trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước bất ngờ tăng mạnh giá bán can thiệp USD lên 248 đồng trong ngày 11/2, lên mức 25.689 VND/USD. Đây cũng là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước có động thái nâng giá bán USD kể từ cuối tháng 10/2024.

Mở cửa phiên sáng nay, tỷ giá trung tâm tiếp tục được điều chỉnh tăng so với phiên trước đó, lên 24.550 VND/USD.

Đáng chú ý, kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến nay (3/2), tỷ giá trung tâm duy trì xu hướng tăng và đã tăng 225 VND, tương ứng tăng 0,92%. Tỷ giá tại các ngân hàng thương mại cũng ghi nhận tăng tới 477 VND trong khoảng thời gian này, tương ứng với mức biến động mạnh 1,88%.

Theo Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore), tỷ giá VND/USD nhiều khả năng sẽ tiếp tục được neo ở mức cao trong bối cảnh rủi ro toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Đồng VND đã có một khoảng thời gian tạm lắng trong tháng 1/2025 khi Tổng thống Mỹ không áp dụng thuế ngay từ ngày đầu tiên đối với Trung Quốc. Điều này đã khiến tỷ giá VND/USD rút khỏi mức cao kỷ lục gần 25.500, giảm xuống khoảng 25.100 trong suốt tháng 1.

Tuy nhiên, sự bình ổn này nhanh chóng bị phá vỡ sau khi ông Donald Trump công bố thuế đối với Mexico, Canada và Trung Quốc vào đầu tháng 2/2025, khiến tỷ giá tăng trở lại lên khoảng 25.300 VND/USD.

Với lập trường thận trọng hơn của Fed về việc cắt giảm lãi suất trong năm 2025, cùng với những bất ổn từ chính sách thuế quan, tỷ giá VND/USD có khả năng duy trì xu hướng tăng.

UOB dự báo tỷ giá trong quý I/2025 sẽ ở mức 25.600 VND/USD; Quý II/2025 là 25.800 VND/USD. Tỷ giá sẽ đạt đỉnh trong quý III/2025 ở mức 26.000 VND/USD và sau đó sẽ hạ nhiệt vào quý IV/2025 là 25.800 VND/USD.

Tiến sĩ Bùi Duy Tùng, Giảng viên Kinh tế, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, áp lực lên tỷ giá của Việt Nam hiện đang ở mức cao, do nhiều yếu tố kinh tế trong và ngoài nước. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm đáng kể trong thời gian qua. Ngoài ra, chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng đang đối mặt với giới hạn.

Việc điều chỉnh lãi suất để kiểm soát tỷ giá có thể gặp khó khăn, do cần cân nhắc giữa mục tiêu ổn định tỷ giá và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tăng lãi suất có thể giúp giảm áp lực lên tỷ giá nhưng đồng thời có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế trong nước.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Tùng, dự trữ ngoại hối không phải là công cụ duy nhất để ổn định tỷ giá. Việt Nam có thể sử dụng các biện pháp khác như điều chỉnh chính sách lãi suất, kiểm soát dòng vốn và thúc đẩy xuất khẩu để giảm áp lực lên tỷ giá.

“Việc duy trì sự linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ và phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế khác sẽ giúp Việt Nam ứng phó hiệu quả với các biến động của tỷ giá trong thời gian tới”, Tiến sĩ Tùng nói.

Báo cáo mới đây của Ngân hàng Standard Chartered nhận định, đồng VND vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ, giúp hạn chế biến động tỷ giá trong ngắn hạn. Dù thâm hụt tài khóa duy trì ở mức trung bình khoảng 2% GDP suốt hai thập kỷ qua, nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ vững đà tăng trưởng vững chắc. Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước có thể cần tăng cường dự trữ ngoại hối để tránh VND tăng giá quá mức.

Ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế Cấp cao Việt Nam và Thái Lan, Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, Chính phủ đang tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn, điều này có thể giúp duy trì lãi suất thấp trong ngắn hạn. Tuy nhiên, dự báo lãi suất sẽ dần trở lại mức bình thường vào quý II/2025, với việc Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng thêm 50 điểm cơ bản.

“Lạm phát, chính sách của Fed và diễn biến của VND sẽ đóng vai trò quan trọng; trong đó các quyết định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước là yếu tố then chốt để duy trì ổn định kinh tế và tăng trưởng trong năm 2025. Để đảm bảo tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần đa dạng hóa nền kinh tế và tăng cường khả năng ứng phó với thiên tai”, ông Tim Leelahaphan bình luận.

Trong năm 2025, Chính phủ hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%. Điều này đặt ra bài toán khó cho chính sách tiền tệ, nhất là trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu được dự báo có nhiều biến động mạnh trong năm nay.

Trong các hội nghị với lãnh đạo Chính phủ gần đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bày tỏ nhất quán trong quan điểm điều hành chính sách tiền tệ là đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền; hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành và sử dụng các công cụ linh hoạt để kiểm soát và bình ổn tỷ giá; sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản thị trường nhằm phục vụ các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế, bình ổn tâm lý thị trường và tỷ giá, qua đó ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

H.Chung/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/on-dinh-ty-gia-truoc-ap-luc-cuoc-chien-thue-quan/362948.html
Zalo