Động lực phát triển kinh tế từ những công ty bảo hiểm nhân thọ 'made in Vietnam'

Thị trường bảo hiểm nhân thọ (BHNT) tại Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, tỷ lệ phí bảo hiểm/GDP của Việt Nam vẫn còn thấp so với các quốc gia khác trong khu vực và thế giới, đồng thời phần lớn thị phần đang thuộc về các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài.

Trong bối cảnh này, việc đẩy mạnh vai trò của các công ty BHNT nội địa không chỉ giúp khai thác được tiềm năng của thị trường mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Tỷ lệ phí bảo hiểm/GDP - Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển

Một trong những chỉ số phản ánh mức độ phát triển của thị trường bảo hiểm nhân thọ là tỷ lệ phí bảo hiểm/GDP. Theo thống kê năm 2022 của SwissRe Institute - Công ty Tái bảo hiểm của Thụy Sĩ, tỷ lệ phí bảo hiểm/GDP của Việt Nam đạt 2,67%, thấp hơn rất nhiều so với các nước phát triển như Mỹ (12,15%), Hàn Quốc (11,69%) hay Singapore (9,65%). Ngay cả so với các quốc gia trong khu vực như Malaysia (4,46%) hay Thái Lan, thị trường BHNT Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng.

Tỷ lệ phí bảo hiểm/GDP của Việt Nam so với một số quốc gia khác

Tỷ lệ phí bảo hiểm/GDP của Việt Nam so với một số quốc gia khác

Ở Việt Nam, từ năm 2015 đến năm 2023, tỷ lệ phí bảo hiểm/GDP đã tăng dần từ 1,25% lên 2,31% - điều này cho thấy sự phát triển rất tích cực sau gần 10 năm hoạt động của BHNT. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu 3,5% vào năm 2025, thị trường BHNT cần nhiều hơn nữa sự đóng góp từ các doanh nghiệp không chỉ có vốn đầu tư nước ngoài mà cả doanh nghiệp được thành lập trong nước. Điều này không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn giúp gia tăng cơ hội tiếp cận bảo hiểm cho người dân, đặc biệt là các sản phẩm phù hợp với nhu cầu và thu nhập của từng phân khúc khách hàng.

Động lực cho phát triển kinh tế từ những công ty BHNT trong nước

Giữ lại nguồn lực kinh tế trong nước

BHNT là một trong những ngành mang lại dòng tiền lớn cho nền kinh tế thông qua việc huy động vốn từ phí bảo hiểm và tái đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tái đầu tư hơn 850.075 tỷ đồng vào nền kinh tế năm 2024.

Theo kinh nghiệm của các nước phát triển, các doanh nghiệp BHNT trong nước đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế tự chủ. Tại Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc, các tập đoàn bảo hiểm này không chỉ chiếm ưu thế mà còn là lực lượng thúc đẩy các sáng kiến kinh tế và xã hội.

Nếu thị trường BHNT có thêm sự tham gia của các doanh nghiệp nội địa, phần lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm sẽ được giữ lại trong nước thay vì chuyển ra công ty mẹ ở nước ngoài. Điều này góp phần tăng cường nguồn lực tài chính cho các dự án phát triển hạ tầng, giáo dục, y tế và an sinh xã hội.

Phát triển sản phẩm phù hợp với người Việt

Phát triển sản phẩm phù hợp với người Việt

Các doanh nghiệp BHNT nội địa có lợi thế hiểu rõ thói quen tài chính, văn hóa và nhu cầu của người dân Việt Nam. Điều này giúp họ phát triển các sản phẩm bảo hiểm phù hợp hơn, từ đó tăng khả năng tiếp cận cho người dân, đặc biệt là ở các vùng nông thôn - nơi tỷ lệ tham gia bảo hiểm còn thấp.

Ngoài ra, với chi phí vận hành được tối ưu hơn do không phải chịu các khoản chi phí phát sinh từ công ty mẹ, doanh nghiệp nội địa có thể tăng cường quyền lợi bảo hiểm hoặc giảm chi phí cho khách hàng, tạo thêm giá trị thiết thực.

Gia tăng niềm tin thị trường

Những năm gần đây, niềm tin của người dân vào thị trường bảo hiểm nhân thọ chịu ảnh hưởng từ rất nhiều sự vụ gây tranh cãi. Tuy nhiên, khi có sự hiện diện mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp BHNT nội địa với các sản phẩm minh bạch, phù hợp có thể góp phần khôi phục niềm tin và thúc đẩy người dân tham gia bảo hiểm nhiều hơn.

Ở Việt Nam, với khoảng 90% thị phần thuộc về các công ty nước ngoài, phần lớn lợi ích từ thị trường BHNT chưa được khai thác hết tiềm năng. Nếu có nhiều doanh nghiệp BHNT nội địa hơn, Việt Nam có thể tận dụng nguồn lực tài chính lớn từ phí bảo hiểm để đầu tư vào các dự án phát triển dài hạn, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, việc phát triển các doanh nghiệp BHNT nội địa còn tạo cơ hội việc làm cho hàng ngàn lao động trong nước, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Để đạt mục tiêu này, Chính phủ cần có những chính sách ưu đãi đặc biệt, như giảm thuế, hỗ trợ tài chính hoặc thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp BHNT nội địa với ngân hàng và các tổ chức tài chính để tạo nên những hệ sinh thái vững mạnh. Đồng thời, các doanh nghiệp BHNT trong nước cũng cần đầu tư vào công nghệ, cải thiện chất lượng dịch vụ và xây dựng các chiến lược tiếp cận thị trường hiệu quả hơn.

Như Loan

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dong-luc-phat-trien-kinh-te-tu-nhung-cong-ty-bao-hiem-nhan-tho-made-in-vietnam-d245838.html
Zalo