Tăng cường thanh tra kiểm tra đảm bảo bữa ăn an toàn thực phẩm

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 sẽ tập trung tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

“Các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, đặc biệt ở khu vực đông dân cư, chợ truyền thống, bếp ăn tập thể…, bảo đảm bữa ăn hằng ngày phải thực sự an toàn, chất lượng”, Tiến sĩ Chu Quốc Thịnh - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế nhấn mạnh điều này khi trả lời phóng viên Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam nhân Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025.

Tiến sĩ Chu Quốc Thịnh - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Tiến sĩ Chu Quốc Thịnh - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

PV: Thưa ông, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2025 tập trung vào những vấn đề nào để góp phần ngăn chặn kịp thời, giảm nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP) ngày càng nhiều như hiện nay?

TS Chu Quốc Thịnh: Chủ đề của Tháng hành động năm nay là: “Bảo đảm ATTP, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”. Đây là những lĩnh vực đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ATTP, đặc biệt trong bối cảnh gia tăng tình trạng ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trong doanh nghiệp, trường học, cũng như các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Do đó, Tháng hành động sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, ATTP; Tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP; Kịp thời thông tin các chuỗi giá trị nông sản thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, ATTP.

Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, ATTP; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về ATTP, đặc biệt các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố; Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Đồng thời, nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại các cơ sở có bếp ăn tập thể, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

Thực phẩm bày bán vỉa hè là nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm

Thực phẩm bày bán vỉa hè là nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm

PV: Một thực tế đáng lo ngại hiện nay là thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm bẩn bày bán nhan nhản ở khắp nợi, trong chợ, đường phố... Vậy theo ông, cơ quan chức năng làm thế nào để kiểm soát được chất lượng thực phẩm ở những nơi như thế này?

TS Chu Quốc Thịnh: Thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn, vẫn được tìm thấy bày bán tại các khu vực chợ truyền thống, hàng rong, vỉa hè… là vấn đề nan giải, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng. Tháng hành động năm nay nhấn mạnh vào thức ăn đường phố, do đây là loại hình kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cao.

Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP đã ban hành kế hoạch số 337/KH-BCĐTƯATTP về việc triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025 nêu rõ các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể.

Thứ nhất, yêu cầu chính quyền địa phương nâng cao năng lực quản lý, giám sát tại tuyến cơ sở - nơi gần dân, sát dân nhất, phân công rõ trách nhiệm, đặc biệt đối với UBND cấp cơ sở yếu tố then chốt để kiểm soát tình hình ngay từ gốc.

Thứ hai, tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất, đặc biệt tại các điểm nóng về kinh doanh thực phẩm tự phát, chợ tạm, khu đông dân cư, các tuyến đường có nhiều hàng rong. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, điều kiện vệ sinh, đồng thời công khai thông tin vi phạm để cảnh báo cộng đồng.

Thứ ba, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nhận thức cho người tiêu dùng và người bán hàng, giúp họ hiểu rằng việc sử dụng và kinh doanh thực phẩm không an toàn không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe cá nhân mà còn làm suy giảm chất lượng giống nòi, làm gia tăng gánh nặng y tế xã hội.

Thứ tư, khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển các mô hình phân phối thực phẩm an toàn, như chuỗi cung ứng thực phẩm sạch, chợ thực phẩm an toàn, cửa hàng thực phẩm hữu cơ… qua đó hình thành thói quen tiêu dùng mới trong cộng đồng.

Thứ năm, tích cực rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó chú trọng đến việc sửa đổi các quy định liên quan đến điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, bổ sung chế tài xử phạt mang tính răn đe cao hơn đối với các hành vi vi phạm.

PV: Có thể nói thực phẩm an toàn có đóng góp to lớn trong việc cải thiện sức khỏe con người, chất lượng cuộc sống và chất lượng giống nòi. Mới đây trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhận định, thể chất, sức khỏe tổng thể và chiều cao trung bình của thanh niên, vẫn tồn tại một khoảng cách rõ rệt so với các nước trong khu vực và các nước phát triên trên thê giới. Trước đó Chính phủ đã có Quyết định số 641/QĐ-TTG về việc phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030... Vậy theo ông làm thế nào để thực hiện được hiệu quả mục tiêu này trong khi thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng thường xuyên len lỏi trong các bữa ăn của nhiều gia đình?

TS Chu Quốc Thịnh: Thực phẩm an toàn có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân và góp phần cải thiện thể lực, tầm vóc người Việt Nam - đúng như nhận định sâu sắc và toàn diện của Tổng Bí thư. Đây cũng là một trong những mục tiêu xuyên suốt mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã xác định trong các chiến lược phát triển con người Việt Nam giai đoạn hiện nay và lâu dài, được cụ thể hóa tại Quyết định số 641/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam đến năm 2030.

Nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Việt, trong đó đảm bảo ATTP là một trong các yếu tố quan trọng, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP đã chỉ đạo triển khai các nhóm giải pháp trọng tâm:

Tăng cường phổ biến và kiểm soát chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Trong đó, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương thúc đẩy xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, từ khâu sản xuất đến tiêu dùng. Tăng cường kiểm soát ATTP hệ thống chợ, siêu thị, trường học, nơi cung cấp thực phẩm hàng ngày cho người dân, học sinh.

Thứ hai, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi tiêu dùng. Thông qua các chiến dịch truyền thông trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm và suốt cả năm, tập trung tuyên truyền để người tiêu dùng nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, chủ động lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, có kiểm soát, góp phần đẩy lùi thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và tổ chức chính trị - xã hội để triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm ATTP, đồng thời rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực quản lý và chế tài xử lý vi phạm.

Chúng tôi đặc biệt quan tâm việc gắn bảo đảm ATTP với chương trình chăm sóc sức khỏe học đường. Chú trọng chất lượng bữa ăn học đường, đặc biệt tại các cấp học mầm non và tiểu học, những nơi có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ em. Ngành y tế đang phối hợp với ngành giáo dục hướng dẫn triển khai khẩu phần ăn hợp lý, kiểm soát an toàn bữa ăn bán trú và bổ sung vi chất thiết yếu.

Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về ATTP đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, đặc biệt ở khu vực đông dân cư, chợ truyền thống, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học… Đề cao vai trò trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm thực phẩm đưa vào bữa ăn hằng ngày phải thực sự an toàn, chất lượng, góp phần thiết thực vào việc bảo vệ sức khỏe, nâng cao thể lực, tầm vóc và chất lượng giống nòi của người Việt Nam trong hiện tại và tương lai.

PV: Xin cảm ơn ông.

Lưu Hường/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tang-cuong-thanh-tra-kiem-tra-dam-bao-bua-an-an-toan-thuc-pham-post1195957.vov
Zalo