Chủ động ứng phó trước chính sách thương mại của Mỹ

Mỹ là một trong những thị trường đang chiếm khoảng 9-10% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, với các mặt hàng chủ yếu như cà phê nhân, mủ cao su. Trước việc Mỹ áp mức thuế mới, nhiều doanh nghiệp đã chủ động ứng phó bằng cách điều chỉnh chiến lược thị trường, tối ưu chi phí, chuẩn hóa sản phẩm.

Mỹ là thị trường nhiều tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức khi rào cản kỹ thuật, thuế quan và truy xuất nguồn gốc ngày càng siết chặt. Để giữ vững thị phần và tránh rủi ro thương mại, nhiều doanh nghiệp đã chủ động triển khai các giải pháp thích ứng như nâng cao chất lượng hàng hóa, nâng cấp nhà máy, kho bãi, tăng cường kiểm soát xuất xứ.

 Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Ảnh: Vũ Thảo

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Ảnh: Vũ Thảo

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương cho biết: Nếu như năm 2020 tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 580 triệu USD, thì đến năm 2024 kim ngạch xuất khẩu đạt 820 triệu USD. Trong 4 tháng đầu năm 2025 ước đạt 685 triệu USD (đạt 80% kế hoạch, tăng 55,8% so cùng kỳ). Trong đó thị trường châu Âu chiếm 50-60%, thị trường châu Á chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, còn lại các thị trường khác. Mặc dù đạt mức tăng trưởng ấn tượng và là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh, song hoạt động xuất khẩu còn nhiều rủi ro do xung đột chính trị giữa một số quốc gia làm chi phí vận tải tăng cao. Đặc biệt, khi Mỹ công bố áp thuế đối ứng lên đến 46% nên có những khó khăn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Hiện Mỹ đã gia hạn hiệu lực áp dụng chính sách thuế này trong thời gian 90 ngày, Chính phủ và các bộ, ngành đang tích cực đàm phán để tìm giải pháp thuận lợi cho phát triển thương mại hai bên.

Bên cạnh cà phê thì cao su, chanh dây là một trong những mặt hàng có thế mạnh của tỉnh cũng sẽ chịu tác động nếu chính sách thương mại của Mỹ điều chỉnh. Việc Mỹ siết tiêu chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, hoặc điều chỉnh thuế nhập khẩu sẽ không chỉ ảnh hưởng đến giá bán mà còn gây áp lực lên khâu sản xuất trong nước, buộc doanh nghiệp và nông dân phải thay đổi cách làm, đầu tư thêm vào vùng nguyên liệu đạt chuẩn và hệ thống chế biến.

Bà Đỗ Lê Phương Trang-Trưởng phòng Tài chính Công ty TNHH Quicornac chia sẻ: “Với gần 40 năm kinh nghiệm chế biến các sản phẩm chanh dây cô đặc đông lạnh để xuất khẩu, Mỹ là thị trường chiếm khoảng 10% trong tổng doanh thu xuất khẩu của công ty trong 2 năm (2023 và 2024). Trước những chính sách thương mại của Mỹ, Quicornac cũng đã nghiên cứu định hướng chuyển sang các thị trường thay thế như Tây Ban Nha, Brazil, Cộng hòa Séc, Hà Lan…". Theo bà Trang, những năm gần đây, thời tiết và tình hình sâu bệnh trên cây chanh dây ở khu vực Nam Mỹ không thuận lợi đã làm ảnh hưởng đến sản lượng chanh dây của vùng trồng này. Vì thế, thị trường trên thế giới đang trông chờ vào nguồn chanh tím được sản xuất từ Việt Nam, trong đó có Gia Lai.

 Chanh dây chế biến là một trong những mặt hàng đã xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: VT

Chanh dây chế biến là một trong những mặt hàng đã xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: VT

Việt Nam đã và đang tham gia 20 FTA song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Trong đó, 17 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục, với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu... Tác động từ các FTA đã tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản của tỉnh.

Với vai trò là Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, ông Thái Như Hiệp cho rằng: Chúng ta cần phải nhìn nhận trong cuộc chiến nào thì cuối cùng người dân và doanh nghiệp cũng là người khổ. Vì vậy, chúng ta phải tìm ra được cái nút thắt để gỡ. Doanh nghiệp cần phải tuân thủ đầu tiên là C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa).

“Trong giai đoạn này, doanh nghiệp rất cần có chính sách giảm lãi suất cho vay để hoạch định chiến lược dài hạn về đầu tư xây dựng, nâng cấp nhà máy, công nghệ, xây dựng các chứng nhận… Doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ đẩy mạnh liên kết sản xuất vùng nguyên liệu theo các tiêu chuẩn phù hợp, kiểm soát tốt xuất xứ hàng hóa và hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm, chuẩn hóa sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu cao nhất, để sẵn sàng đối đầu với những “cuộc chiến” sắp tới, không riêng gì chính sách thương mại của Mỹ, sau này có thể là những chính sách thay đổi, bổ sung mới ở các FTA"-ông Hiệp đề xuất.

 Kho hàng cà phê xuất khẩu của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Ảnh: V.T

Kho hàng cà phê xuất khẩu của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Ảnh: V.T

Bà Lê Thị Thanh Huyền-Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan khu vực XIV, cho biết: Sau khi có thông báo của Mỹ về thuế đối ứng 46%, chi cục đã chủ động liên hệ với các doanh nghiệp làm thủ tục tại đơn vị để nắm bắt về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này. Qua nắm bắt tình hình cho thấy, các doanh nghiệp đã bắt đầu hoàn thiện các hợp đồng cũng như tìm kiếm cơ hội từ thị trường mới.

Theo ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương, trong bối cảnh này các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống, cũng như phát triển các thị trường nhỏ, thị trường ngách và khai mở những thị trường tiềm năng mới. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động và môi trường của các thị trường xuất khẩu, nhằm tăng khả năng cạnh tranh và giảm nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Doanh nghiệp cũng cần kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, đảm bảo tuân thủ các quy tắc xuất xứ trong FTA. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại từ nước ngoài, chủ động cập nhật thông tin về thị trường và chính sách thương mại của các quốc gia, để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.

Mới đây, Sở Công thương cũng đã ban hành Công văn số 628/SCT-QLTM về việc hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động. Sở Công thương đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các hội, hiệp hội chủ động cập nhật tình hình xuất khẩu, trao đổi thường xuyên với doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu hỗ trợ thị trường, phản ánh về Sở Công thương để kịp thời báo cáo Bộ Công thương và hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các hội nghị giao ban hàng tháng; kịp thời đề xuất giải pháp với Bộ Công thương và các cơ quan liên quan khi phát sinh các khó khăn, vướng mắc.

Các doanh nghiệp cần chủ động theo dõi, thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình thị trường để có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, phương án ứng phó; tuân thủ quy định thương mại, kinh doanh có trách nhiệm và bền vững. Đồng thời, thận trọng với nguồn nguyên liệu đầu vào, đặc biệt từ các nước lớn áp thuế để tránh nguy cơ bị điều tra về gian lận xuất xứ hoặc lẩn tránh thuế quan. Bên cạnh đó, tận dụng các FTA đã ký kết để mở rộng thị trường.

VŨ THẢO

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chu-dong-ung-pho-truoc-chinh-sach-thuong-mai-cua-my-post321008.html
Zalo