Tăng cường liên kết chuỗi, mở rộng thị trường để xúc tiến xuất khẩu sản phẩm gia cầm

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, ngành chăn nuôi gia cầm ở Việt Nam đang từng bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Không những đáp ứng nhu cầu trong nước, ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam còn xuất khẩu sang nhiều thị trường như: Nhật Bản, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)... Tuy nhiên, ngành gia cầm đang bước vào giai đoạn khủng hoảng thừa sản lượng, giá giảm sâu, thị trường bão hòa…

Năm 2024, sản lượng thịt gia cầm đạt 2,4 triệu tấn, sản lượng trứng hơn 20 tỷ quả, không chỉ đáp ứng thị trường nội địa mà còn phục vụ xuất khẩu. Ảnh minh họa: Internet.

Năm 2024, sản lượng thịt gia cầm đạt 2,4 triệu tấn, sản lượng trứng hơn 20 tỷ quả, không chỉ đáp ứng thị trường nội địa mà còn phục vụ xuất khẩu. Ảnh minh họa: Internet.

Đối mặt khó khăn kép

Đánh giá về thực trạng ngành chăn nuôi trong thời gian qua, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, chăn nuôi gia cầm là một trong ba ngành chủ lực, cùng với chăn nuôi lợn và trâu bò, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh, an ninh lương thực quốc gia và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của hơn 100 triệu dân trong nước và hàng chục triệu khách du lịch quốc tế.

Từ xuất phát điểm là chăn nuôi nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, ngành gia cầm Việt Nam đã có bước chuyển mạnh mẽ sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Năm 2024, sản lượng thịt gia cầm đạt 2,4 triệu tấn, sản lượng trứng hơn 20 tỷ quả, không chỉ đáp ứng thị trường nội địa mà còn phục vụ xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, Việt Nam là một trong Top 10 những nước có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới, riêng đàn thủy cầm lớn thứ hai thế giới. Giai đoạn từ năm 2020 – 2024, đàn gia cầm tăng nhanh từ 512,675 triệu con lên 584,414 triệu con, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 3,3%/năm.

Tổng sản lượng thịt hơi gia cầm năm 2024 đạt 2,458 triệu tấn, tăng bình quân hằng năm 6,9% trong giai đoạn 2020-2024. Trong giai đoạn này sản lượng thịt gà có tốc độ tăng bình quân 7,8%/năm, tăng nhanh hơn so với sản lượng thịt thủy cẩm 3,5%/năm. Nguyên nhân do thị trường thịt thủy cầm trong thời gian vừa qua giảm mạnh. Sản lượng thịt ngỗng trong năm qua giảm bình quân 2%/năm, từ 2,05 nghìn tấn năm 2020 xuống 1,89 ngàn tấn năm 2024.

Cũng theo ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 5,8 – 6,1 triệu con giống gia cầm. Đồng thời, xuất khẩu khoảng 4,6 – 5,1 nghìn tấn thịt gia cầm các loại. Ngành gia cầm đang đứng trước cơ hội thuận lợi là thể chế hoàn thiện đồng bộ, thống nhất, hội nhập, minh bạch; thị trường tiêu thụ tiềm năng; giá thức ăn chăn nuôi giảm. Đồng thời, quá trình hội nhập và thu hút đầu tư cũng như cơ hội tiếp cận công nghệ mới, quản trị đang thúc đẩy ngành gia cầm phát triển.

Tuy có nhiều tiềm năng, nhưng ngành gia cầm lại phải đang đối mặt với những khó khăn kép từ thị trường tiêu thụ chưa cao, dịch bệnh và nhập khẩu giống tăng mạnh.

Liên kết chuỗi trong chăn nuôi hiện nay còn yếu, số chuỗi khép kín do doanh nghiệp lớn đầu tư còn ít, thiếu kết nối giữa các khâu như sản xuất giống, chăn nuôi, giết mổ-chế biến và tiêu thụ. Người chăn nuôi dễ bị ép giá bởi thương lái, an toàn thực phẩm và minh bạch chuỗi cung ứng còn hạn chế, gây khó khăn trong xuất khẩu. Ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số vẫn còn chậm, đặc biệt ở các trang trại vừa và nhỏ, hộ chăn nuôi, khiến hiệu quả sản xuất thấp, hao hụt lớn, khó cạnh tranh với các quốc gia có nền chăn nuôi tiên tiến.

Bên cạnh đó, thói quen tiêu dùng manh mún, hệ thống phân phối nhỏ lẻ khó kiểm soát dịch bệnh, dự báo cung cầu chưa sát thực tế và bối cảnh quốc tế bất ổn, biến đổi khí hậu và dịch bệnh diễn biến phức tạp càng làm gia tăng rủi ro cho ngành gia cầm Việt Nam.

Cần một chiến lược tổng thể

Theo chiến lược chăn nuôi đến năm 2030 tỷ lệ thịt gia cầm chiếm 28-30%, với 22-23 tỷ quả trứng. Xuất khẩu 20 – 25% sản lượng thịt và trứng gia cầm, tỷ lệ thịt gia cầm được chế biến 25 – 30% vào năm 2025, đạt 40 – 50% vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu trên, đại diện Cục Chăn nuôi và Thú y đề xuất tăng cường tiêm phòng, giám sát dịch bệnh và áp dụng an toàn sinh học triệt để. Đồng thời, cần mở rộng thị trường, xúc tiến xuất khẩu sản phẩm lợi thế, siết chặt kiểm soát nhập lậu, thúc đẩy liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương. Việc kết nối, chia sẻ thông tin minh bạch được nhấn mạnh nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa.

Về lâu dài, cần quy hoạch lại sản xuất, tập trung đầu tư vùng trọng điểm, xây dựng chuỗi giá trị từ chăn nuôi – chế biến – tiêu thụ có kiểm soát dịch bệnh theo chuẩn quốc tế. Chính sách tín dụng ưu đãi cho nông hộ và doanh nghiệp cũng cần được xem xét để nâng cao khả năng tiếp cận vốn.

Để thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho rằng, về quản lý hành chính, cần khẩn trương đưa ra các tiêu chuẩn quy chuẩn, cắt giảm thủ tục hành chính để phù hợp với bối cảnh mới. Ngành chăn nuôi cần chú trọng về khoa học công nghệ, đặc biệt là về sản xuất con giống.

Đồng thời, thúc đẩy chế biến, chế biến sâu, cần tạo sự chuyển biến trong quản lý giết mổ nhỏ lẻ, giết mổ gắn với an toàn thực phẩm. Xây dựng chuỗi giá trị, từ giống, thức ăn, phương thức nuôi, chế biến, xúc tiến thương mại…

Xuân Thảo

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tang-cuong-lien-ket-chuoi-mo-rong-thi-truong-de-xuc-tien-xuat-khau-san-pham-gia-cam.html
Zalo