Đại biểu Quốc hội kiến nghị để người mua nhà ở xã hội được trả góp không lãi suất

Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn Trà Vinh - kiến nghị cho người mua nhà ở xã hội được trả góp trong 10-15 năm, không tính lãi trong 3–5 năm đầu. Sau thời gian ưu đãi, áp dụng lãi suất thấp theo quy định.

 Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn Trà Vinh - phát biểu

Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn Trà Vinh - phát biểu

Thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng rất khó để mua nhà ở xã hội

Sáng 24/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn Trà Vinh - cho rằng, nhu cầu về nhà ở xã hội là rất lớn, đặc biệt tại các đô thị, khu công nghiệp. Tuy nhiên, nguồn cung đang rất hạn chế và hơn hết là người dân có nhu cầu thực thì khó tiếp cận được sản phẩm phù hợp và khi tiếp cận được thì gánh nặng tài chính khá lớn.

Đại biểu Tuấn lấy ví dụ, chẳng hạn khi người mua nhà ở xã hội vay được 500 triệu đồng, với lãi suất 4,8%/năm trong vòng 25 năm, thì hằng tháng họ phải trả gần 3,7 triệu. Trong đó, tiền lãi chiếm hết 2 triệu đồng, chỉ còn lại 1,7 triệu đồng là tiền gốc.

Từ đó, đại biểu Tuấn kiến nghị nên để người mua nhà ở xã hội được hưởng chính sách trả góp không lãi suất và triển khai thí điểm chính sách này tại các địa phương có nhu cầu cao, các tỉnh, thành phố lớn có đông lực lượng công nhân lao động.

"Người mua nhà ở xã hội được trả trước 10-30% giá trị căn hộ, phần còn lại được trả góp trong 10-15 năm, không tính lãi trong 3-5 năm đầu. Sau thời gian ưu đãi, áp dụng lãi suất thấp theo quy định. Nguồn vốn để thực hiện chính sách này từ Quỹ Nhà ở quốc gia, qua Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc các định chế tài chính được chỉ định", đại biểu Tuấn kiến nghị.

Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Trà Vinh cũng kiến nghị cần có giải pháp hoàn thiện và vận hành hiệu quả Quỹ Nhà ở quốc gia như: Phân bổ ít nhất 50% nguồn Quỹ cho hỗ trợ trực tiếp người dân mua nhà như phần hỗ trợ lãi suất được kiến nghị nêu trên. Đồng thời, thiết lập Hội đồng quản lý độc lập, có đại diện Nhà nước, công đoàn, chuyên gia và đại diện người dân. Song song đó, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm toán, báo cáo định kỳ, tránh thất thoát, trục lợi chính sách.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Tạ Văn Hạ cũng cho rằng, dù có nhiều nỗ lực nhưng giá nhà ở xã hội hiện nay còn cao so với thu nhập của người lao động.

"25 triệu đồng/m2 với người thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng rất khó để mua được nhà ở xã hội. Hay giá thuê nhà nếu ở mức 6 triệu đồng/tháng vẫn là cao so với đối tượng cần nhà ở, bởi họ chủ yếu là người trẻ, lương thấp, công việc bấp bênh, chưa ổn định", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội phân tích.

"Tâm thư" người nghèo gửi hội trường Diên Hồng

Trước khi phát biểu, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - đoàn Bình Dương - đã xin Quốc hội 2 phút để gửi gắm tâm tư của cử tri, người lao động tới hội trường Diên Hồng.

Theo bà Trân, hàng triệu người lao động thu nhập thấp là những người đang ngày đêm làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn của cả nước. Họ có suy nghĩ rất đơn giản là sống, làm việc, có gia đình và có một mái nhà nhỏ để an cư, yên tâm làm việc, nuôi dạy con cái và phụng dưỡng cha mẹ.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - đoàn Bình Dương

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - đoàn Bình Dương

"Dù chỉ đơn giản như thế nhưng đó lại là cả một giấc mơ bởi một thực tế rất phũ phàng, tiền lương không tăng nhưng giá nhà, giá tiêu dùng tăng liên tục", bà Trân chia sẻ tâm tư của người lao động và nhấn mạnh đó dù chỉ là một mong muốn bình thường cũng mãi là mơ ước.

Theo bà Trân, những người lao động với mức thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng phải lo toan, vật lộn với đủ mọi khó khăn từ tiền ăn, tiền học cho con, tiền thuê nhà và các chi phí sinh hoạt… Vì vậy, được tiếp cận một căn nhà hay nhà ở xã hội, là một điều ngoài tầm với.

"Giá nhà, dù là nhà ở xã hội vẫn nằm quá xa khả năng của người lao động, cùng với tiêu chí, quy trình, tiêu chuẩn, thủ tục đưa ra không phải dành cho những người lao động có mức thu nhập thấp, khiến nhiều người đăng ký nhưng phải từ bỏ", nữ đại biểu chia sẻ.

Theo bà Trân, nghị quyết lần này nếu được thực hiện một cách thực chất, khả thi chính là điều mà những người lao động thu nhập thấp đang mong chờ. Bởi lẽ, họ không cần một căn hộ cao cấp với đầy đủ tiện nghi mà chỉ mong có một nơi ở tươm tất, nghỉ ngơi, vui đùa cùng con cái sau một ngày làm việc cực nhọc, để họ có thể thuê, thuê mua, sở hữu trong khả năng.

Nữ đại biểu đoàn Bình Dương cũng kiến nghị Quốc hội bổ sung cơ chế thiết thực như trợ giá, bù giá từ ngân sách nhà nước hoặc Quỹ nhà ở quốc gia, đảm bảo giá thuê, mua nhà ở xã hội tương ứng thu nhập của người lao động. Đồng thời, đảm bảo công khai, minh bạch khi xét duyệt để người lao động có cơ hội công bằng tiếp cận nhà ở xã hội.

"Đừng để những khu nhà ở xã hội bị bỏ hoang, xuống cấp với sự tiếc rẻ và khát khao của biết bao người lao động, đừng để giấc mơ có nhà của người lao động mãi mãi chỉ là giấc mơ xa vời", đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân nhấn mạnh.

Hải Yến

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dai-bieu-quoc-hoi-kien-nghi-de-nguoi-mua-nha-o-xa-hoi-duoc-tra-gop-khong-lai-suat-20250524150029297.htm
Zalo