Tăng cường cơ chế khuyến khích, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ giúp VN kịp thời tận dụng, thu hút và huy động được các nguồn lực thúc đẩy quá trình đầu tư tiết kiệm năng lượng.
![Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì phiên họp lần 01 Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. (Ảnh: PV/Vietnam+)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_293_51442133/eca6f91acd54240a7d45.jpg)
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì phiên họp lần 01 Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Chiều ngày 10/2/2025 tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì phiên họp lần 01 Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Các tiêu chuẩn về môi trường ngày càng cao
Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Luật số 50/2010/QH12) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011 đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở nước ta.
Theo đại diện Bộ Công Thương, Luật số 50/2010/QH12 đã khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là chính sách được ưu tiên hàng đầu, giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế gắn với an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, sau hơn 15 năm triển khai thi hành, đến nay đã bộc lộ bất cập cần phải rà soát để sửa đổi, bổ sung một số nội dung được quy định tại Luật và các luật liên quan để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn hoạt động sử dụng năng lượng trong các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm công nghiệp để ứng phó với các thách thức mới, đặc biệt là các thách thức ở quy mô toàn cầu.
Đặc biệt, trong bối cảnh các thách thức về biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường diễn biến phức tạp và các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) có nguy cơ không đạt được đúng hạn vào năm 2030, xu hướng tăng cường kiểm soát phát thải khí nhà kính diễn ra trên toàn cầu đang gia tăng, có thể thấy các chính sách về môi trường của các thị trường châu Âu, Mỹ… như quy định đánh thuế carbon của Liên minh châu Âu áp dụng vào 2026, các quy định về hộ chiếu xanh đối với hàng dệt may, hay các quy định về truy vết carbon (Carbon Footprint) đối với sản phẩm hàng hóa khi vào thị trường các nước châu Á Thái Bình Dương và Thị trường Mỹ là các hàng rào kỹ thuật về môi trường của các thị trường.
“Các quy định trên ngày càng dày đặc, tạo ra sức ép lớn lên các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực của của Việt Nam như dệt may, da giày, nhựa, thép, điện, điện tử chế biến thủy sản… khi tham gia vào các thị trường châu Âu và thị trường Mỹ, Trung Quốc… Các quy định này trực tiếp tác động lên lực lượng lao động trực tiếp của Việt Nam ước khoảng 20/52 triệu lao động trực tiếp (2023) và ảnh hưởng trực tiếp lên GDP của Việt Nam,” đại diện Bộ Công Thương cho hay.
![Các đại biểu tham dự tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_293_51442133/a4f4b24886066f583617.jpg)
Các đại biểu tham dự tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trong khi đó, Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đã kêu gọi tất cả các quốc gia tăng mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của mình trong báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) mới; chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, năng lượng sạch phải được thực hiện công bằng, có tính đến hoàn cảnh và lộ trình khác nhau của các quốc gia.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần huy động nguồn lực quốc tế hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đối năng lượng công bằng và thực hiện các cam kết quốc tế. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ giúp Việt Nam kịp thời tận dụng, thu hút và huy động được các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ, thúc đẩy quá trình đầu tư tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi thị trường các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Hiện Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Vì vậy, cùng với việc chuyển đổi mạnh mẽ cơ bản nguồn năng lượng hợp lý theo hướng giảm thiểu nguồn năng lượng có nguồn gốc hóa thạch, tăng mạnh nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam cần phải xem xét sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng tăng cường các quy định, chế tài mang tính bắt buộc thay vì khuyến khích thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng...
Cần sửa đổi bốn nhóm chính sách
Thực hiện Thông báo Kết luận của Thường trực Chính phủ, Bộ Công Thương đang tập trung đánh giá, đề xuất sửa đổi 04 nhóm chính sách của Luật. Bao gồm: Chính sách về nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chính sách về quản lý, phát triển đối với dịch vụ tư vấn năng lượng, kiểm toán năng lượng, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó giao Chính phủ quy định điều kiện về điều kiện kinh doanh ngành nghề kiểm toán năng lượng để đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Tiến đến là Chính sách, quy định về chính sách ưu đãi, công cụ hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Chính sách chuyển đổi thị trường và quản lý hiệu suất phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được xây dựng nhằm giải quyết được các vấn đề của thực tiễn trong nước đặt ra, phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế, tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ vướng mắc, rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tăng cường các cơ chế khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên phạm vi cả nước.
![Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_293_51442133/456252de66908fced681.jpg)
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Theo ông, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ giúp Việt Nam kịp thời tận dụng, thu hút và huy động được các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ, thúc đẩy quá trình đầu tư tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi thị trường các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Ban soạn thảo thống nhất với Kế hoạch triển khai Dự án Luật do Tổ biên tập đề xuất đồng thời cơ bản thống nhất với nội dung Dự thảo 01 của Luật và Tờ trình Chính phủ, song ông đề nghị Tổ biên tập tiếp tục tiếp thu các ý kiến của các thành viên và các cơ quan, đơn vị liên quan để hoàn thiện Dự thảo Luật và Tờ trình Chính phủ để trình Bộ Công Thương tiến hành lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan trước ngày 12/02/2025.
Lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị Tổ biên tập tiếp tục tổng kết các quy định pháp luật có liên quan về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu quả; bổ sung các quy định để xử lý những bất cập, vướng mắc của pháp luật hiện hành và các phát sinh trên thực tiễn với mục tiêu lớn nhất là đáp ứng yêu cầu về năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng./.