Tránh 'cuộc đua xuống đáy' khi xây dựng trung tâm tài chính quốc tế

'Trả lời cho câu hỏi Việt Nam đủ điều kiện để thành lập Trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế chưa? Tôi khẳng định là đủ' - Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tại hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ về xây dựng TTTC quốc tế.

Nghị quyết được ban hành để thực hiện Kết luận 47 của Bộ Chính trị, đồng ý chủ trương thành lập TTTC quốc tế toàn diện tại TPHCM và TTTC khu vực tại Đà Nẵng, dự kiến sẽ được thành lập, vận hành trong 2025.

Vẫn còn nhiều điều cần làm rõ thế nào là TTTC quốc tế “toàn diện” tại TPHCM và “khu vực” tại Đà Nẵng. Liệu Việt Nam có cần đến 2 TTTC quốc tế? Liệu có nên tập trung vào 1 trung tâm trước? TPHCM có nền tảng tài chính mạnh hơn Đà Nẵng, nên việc phát triển 1 trung tâm trước để tạo hiệu ứng lan tỏa có thể cần được tính đến.

Theo một số lãnh đạo Đà Nẵng, để tránh trùng lặp với TPHCM, có thể định hướng Đà Nẵng theo mô hình TTTC xanh hoặc fintech. Đề xuất này chưa làm rõ nội hàm khái niệm “khu vực” của Đà Nẵng. Nếu không có cách giải thích nào khác, chiến lược phát triển TTTC khu vực chỉ hàm ý Đà Nẵng tập trung phát triển fintech và tài chính xanh.

Nhưng nếu như thế thì TTTC quốc tế tại TPHCM sẽ không thể phát triển fintech và tài chính xanh hay chăng; trong khi TPHCM là nơi tập trung nhiều trường đại học và viện nghiên cứu chất lượng có khả năng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực fintech.

Nhận định về việc một thị trường tài chính non trẻ như Việt Nam có đến 2 TTTC quốc tế, tờ Financial Times cho rằng, việc phát triển đồng thời 2 TTTC có thể dẫn đến sự cạnh tranh nội bộ, nếu không được quản lý hiệu quả. Điều này có thể gây ra hiện tượng “cuộc đua xuống đáy”, nơi các TTTC cạnh tranh bằng cách giảm tiêu chuẩn quy định và thuế suất để thu hút đầu tư.

Hệ lụy thế nào nếu một quốc gia, khu vực có phân mảnh quy định khác nhau cho các TTTC quốc tế? Nhân hội nghị thượng đỉnh ngân hàng toàn cầu năm 2020, ông Axel Weber, Chủ tịch UBS và cũng là nguyên cựu chủ tịch Bundesbank nhấn mạnh: Sở dĩ các TTTC quốc tế hàng đầu châu Âu như Frankfurt, Paris không thể nào phát triển bằng London là do bị phân mảnh quy định, vô hình trung tất cả đang tham gia cuộc chơi có tổng bằng 0, kẻ này thắng thì kẻ khác ắt phải thua.

Chính phủ cần xác lập chiến lược rõ ràng: xác định rõ vai trò và chức năng của từng trung tâm để tránh sự trùng lặp và cạnh tranh không lành mạnh. Một điều quan trọng nữa là Chính phủ cần thiết lập một khung pháp lý và chính sách thống nhất để điều phối hoạt động của các TTTC, đảm bảo phát triển bền vững.

Một kinh nghiệm hữu ích mang tính gợi ý để chúng ta tham khảo, chẳng hạn như UAE, với Dubai được thiết kế trở thành TTTC chính, trong khi Abu Dhabi lại phát triển theo hướng trí tuệ nhân tạo AI, đổi mới công nghệ và đầu tư dài hạn. Điều này cũng có nghĩa cả 2 Dubai và Abu Dhabi đều vẫn có thể nhúng cả fintech và tài chính xanh vào 2 TTTC quốc tế.

Hiện nay cách hiểu về phát triển TTTC quốc tế tại TPHCM và Đà Nẵng đang có xu hướng đi vào phần cứng, với các tham vọng chuẩn bị đầu tư cơ sở hạ tầng với cơ ngơi hoành tráng để thu hút các đại bàng toàn cầu. Nếu không có sự nghiên cứu thấu đáo, việc đầu tư quá mức vào phần cứng của TTTC quốc tế có nguy cơ dẫn đến sự lãng phí rất lớn trong tương lai, trong khi phần quan trọng nhất của TTTC quốc tế là thể chế thì ít được đề cập.

Lãng phí là nguy cơ mà Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ, thậm chí nó còn nguy hiểm hơn cả tham nhũng. Trong một phân tích mới đây vào ngày 26-11-2024 với tựa đề “Tham vọng trở thành "tương lai tài chính" của Thượng Hải đã sụp đổ như thế nào”, tờ Financial Times đã chỉ rõ kiểm soát vốn chặt chẽ (điều mà Chính phủ Trung Quốc luôn hứa hẹn sẽ nới lỏng dần), là nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư, các định chế tài chính quốc tế đang có xu hướng rời xa TTTC quốc tế Thượng Hải.

Thể chế cho TTTC quốc tế chỉ gói gọn trong một chữ “Tin”. Thiếu nó, nguồn lực lớn đầu tư vào hạ tầng cơ sở TTTC quốc tế có nguy cơ trở thành lãng phí lớn. TTTC quốc tế tại TPHCM và Đà Nẵng có thể phải nhìn vào bài học của Thượng Hải để thành công.

GS.TS TRẦN NGỌC THƠ, Đại học Kinh tế TPHCM

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/tranh-cuoc-dua-xuong-day-khi-xay-dung-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-post120397.html
Zalo