Nhân văn và cơ hội cho người tái hòa nhập

Phát huy giá trị nhân văn của chủ trương, cũng như tạo nhiều cơ hội việc làm và tiếp cận cuộc sống dễ dàng hơn cho người tái hòa nhập cộng đồng, các ngành chức năng, đơn vị của tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông, nhất là thông qua mạng xã hội, qua đó góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của các ban, ngành, đoàn thể, người dân.

Theo đó, tập trung tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng, Nhà nước về tái hòa nhập cộng đồng; tư vấn các vấn đề cần thiết để tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Song song đó, cảnh báo các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng xấu lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người chấp hành xong án phạt tù nhằm lôi kéo họ trở lại con đường bất chính. Ngoài ra, định hướng dư luận, phản bác thông tin sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, để tạo sự đồng thuận trong công tác tái hòa nhập cộng đồng trong phạm vi toàn xã hội và chung tay.

Theo thông tin từ Công an tỉnh Cà Mau, hiện việc tổ chức tuyên truyền về tái hòa nhập cộng đồng trên không gian mạng gồm: Website, Fanpage, kênh YouTube... mang tên gọi “Con đường hướng thiện”, với nhiều nội dung giới thiệu các hoạt động có liên quan đến tái hòa nhập cộng đồng; hỏi - đáp chính sách, pháp luật về tái hòa nhập cộng đồng; các clip tọa đàm ghi nhận tâm tư, tình cảm, nguyện vọng về tái hòa nhập cộng đồng... Qua đó cho thấy, ngành công an đã sử dụng các kênh thông tin, tuyên truyền hiện có để triển khai tái hòa nhập cộng đồng qua không gian mạng một cách hiệu quả... Ðồng thời, phối hợp với các bộ, sở, ngành có liên quan để thông báo, quán triệt, phổ biến về các hình thức, nội dung tuyên truyền về tái hòa nhập cộng đồng trên không gian mạng để tạo sự lan tỏa.

Người tái hòa nhập cộng đồng được quan tâm và động viên, tạo việc làm bằng nhiều cách. (Ảnh Huyện đoàn Ðầm Dơi cung cấp).

Người tái hòa nhập cộng đồng được quan tâm và động viên, tạo việc làm bằng nhiều cách. (Ảnh Huyện đoàn Ðầm Dơi cung cấp).

Các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với Công an tỉnh trong công tác chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tái hòa nhập cộng đồng, nhằm định hướng các tổ chức và Nhân dân xóa bỏ định kiến, kỳ thị và quan tâm giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Ðặc biệt, sát sao hơn nữa trong công tác nắm bắt tình hình trên không gian mạng để xử lý các cá nhân, tập thể lợi dụng mạng ảo để nói xấu, xuyên tạc, vu khống các chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước ta. Nhờ đó, khoảng cách của người tái hòa nhập cộng đồng với xã hội được kéo gần hơn.

Anh D.T.T, sinh năm 1994, ngụ thị trấn Ðầm Dơi, huyện Ðầm Dơi, cho biết: “Sau khi quay về với gia đình và làng xóm, tôi được động viên nhiều. Mọi người đối xử rất bình thường, vui vẻ, nên mặc cảm của bản thân cũng dần mất đi. Qua các kênh thông tin và mạng xã hội, tôi nhận thấy được nhiều thông tin tích cực về pháp luật, chính sách hỗ trợ cho người như mình để hòa nhập với cuộc sống và tìm kiếm việc làm cũng dễ dàng hơn”.

Cùng ngụ thị trấn Ðầm Dơi, cũng là một người tái hòa nhập cộng đồng, chị N.A.T, sinh năm 2003, chia sẻ: “Tôi được giới thiệu việc làm và đang cố gắng để tự lực mưu sinh. Các thông tin trên các trang mạng của các đoàn thể giúp ích rất nhiều cho tôi. Khi thấy hoạt động nào phù hợp, tôi sẽ liên hệ nhắn tin cho các anh chị để tham gia và hòa nhập, tiếp xúc với mọi người nhiều hơn, cũng đỡ bỡ ngỡ và xa cách hơn, không còn một mình trong nhà sau khi đi làm về”.

Ngoài hỗ trợ tái hòa nhập cuộc sống, Công an tỉnh cũng tham mưu về chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm dành cho người có tiền án, tiền sự muốn quay về phấn đấu trở thành công dân tốt. Bà Nguyễn Thu Tư, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết, sở đã chủ trì và phối hợp các sở, ban, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền về các hoạt động dạy nghề, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, đồng thời nỗ lực tìm kiếm, tạo các cơ hội việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn học nghề, giúp họ an cư lập nghiệp, có cuộc sống ổn định hơn. "Mặc dù công tác này còn nhiều khó khăn do mặc cảm của nhóm đối tượng này vẫn lớn và ngại va chạm, nhưng có chuyển biến tích cực hơn so với thời gian trước", bà Nguyễn Thu Tư cho biết thêm.

Nhiều chính sách tuyên truyền hỗ trợ cho người tái hòa nhập cộng đồng trên không gian mạng được thực hiện. Ảnh: Công an tỉnh cung cấp.

Nhiều chính sách tuyên truyền hỗ trợ cho người tái hòa nhập cộng đồng trên không gian mạng được thực hiện. Ảnh: Công an tỉnh cung cấp.

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp cũng nhập cuộc khi tổ chức tuyên truyền về các thủ tục hỗ trợ pháp lý, lý lịch tư pháp và các thủ tục có liên quan đến pháp luật nhằm hướng dẫn các thủ tục đề nghị xóa án tích cho người chấp hành xong án phạt tù sau khi tái hòa nhập cộng đồng theo quy định của pháp luật.

Truyền thông về tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá thông qua không gian mạng là một hoạt động mang đậm giá trị nhân văn của Ðảng, Nhà nước ta. Công tác này góp phần tích cực vào hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và phòng ngừa tình trạng tái phạm tội đối với người chấp hành xong án phạt tù nói riêng, đồng thời tạo cơ hội để họ xây dựng cuộc sống mới, làm lại cuộc đời./.

Lam Khánh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/nhan-van-va-co-hoi-cho-nguoi-tai-hoa-nhap-a37165.html
Zalo