Tăng cường các giải pháp kết nối, hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Đồng Nai có những chuyển biến đáng khích lệ. Liên minh HTX Đồng Nai cùng với các đơn vị liên quan đã tăng cường nhiều giải pháp hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển, nhất là đối với HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cán bộ Liên minh Hợp tác xã Đồng Nai khảo sát nhu cầu vay vốn để triển khai giải pháp cho vay. Ảnh: V.GIA

Cán bộ Liên minh Hợp tác xã Đồng Nai khảo sát nhu cầu vay vốn để triển khai giải pháp cho vay. Ảnh: V.GIA

Tuy nhiên, nhìn chung tình hình kinh tế tập thể, HTX vẫn còn nhiều thách thức. Thời gian tới, nhiệm vụ quan trọng của Liên minh HTX Đồng Nai là tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX, trong đó có việc hợp tác cùng Hội Nông dân và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Toàn tỉnh hiện có 211 HTX và 1 liên hiệp HTX trên lĩnh vực nông nghiệp, chiếm hơn một nửa số HTX của tỉnh.

Một số HTX dịch vụ nông nghiệp đã phát huy nội lực, tranh thủ các điều kiện để phát triển, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh, mạnh dạn đầu tư mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ cho kinh tế hộ thành viên. Các dịch vụ của HTX nông nghiệp đã được mở rộng như: cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu, thu mua nông sản, mua bán cây/con giống, thức ăn gia súc, gia cầm; quản lý công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu, nước sạch nông thôn; thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt; trồng rừng... Điều này góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của thành viên và lao động nông thôn.

Bên cạnh đó, việc xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh. Toàn tỉnh hiện có 232 chuỗi liên kết với sự tham gia của 117 doanh nghiệp, 64 HTX, 33 tổ hợp tác và hơn 14,9 ngàn hộ gia đình. Có 71 HTX nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó có 44 HTX thực hiện lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm và bón phân qua đường ống với diện tích hơn 2,2 ngàn hécta. Có 73 HTX và tổ hợp tác được chứng nhận trồng trọt đạt tiêu chuẩn VietGAP và 22 HTX xây dựng được 39 sản phẩm OCOP đạt từ 3, 4 sao...

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Liên minh HTX Đồng Nai Đỗ Phước Dũng, một số HTX nông nghiệp vẫn còn hoạt động với quy mô nhỏ, mang tính nông nghiệp truyền thống, chưa đảm bảo chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp; hợp tác, liên kết chuỗi tạo giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Một số HTX còn thiếu vốn, thiếu cơ sở vật chất, hoạt động còn đơn điệu, chưa mở thêm dịch vụ để phục vụ cho đời sống của các hộ thành viên. Vai trò kết nối giữa các thành viên HTX với thị trường, sự gắn kết giữa lợi ích HTX với thành viên còn mờ nhạt, lợi ích kinh tế trực tiếp do HTX mang lại cho thành viên chưa nhiều.

Tăng gặp gỡ, đối thoại và tư vấn hỗ trợ HTX

Thời gian qua, để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh thì 3 đơn vị là Liên minh HTX Đồng Nai, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hội nông dân tỉnh đã cùng ký kết hợp tác, phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, các đơn vị này chủ động tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các DN, HTX nông nghiệp.

Qua các hội nghị, đối thoại, Liên minh HTX Đồng Nai, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh đã nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc của HTX, từ đó, có những giải pháp đẩy mạnh hỗ trợ, hướng dẫn các HTX. Các vấn đề mà HTX cần hiện nay là: tiếp cận chính sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư, hỗ trợ nguồn nhân lực, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực điều hành cho ban quản trị HTX, quảng bá tiêu thụ sản phẩm…

Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX Xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc), cho biết HTX đang thiếu nguồn vốn để đầu tư cho sản xuất phát triển lên mức cao hơn. Trong thực tế, câu chuyện thị trường được mùa mất giá, được giá mất mùa thường xảy ra với người nông dân. Bên cạnh đó, các yếu tố chi phí đầu vào gia tăng cũng ảnh hưởng đến việc kinh doanh của HTX, đẩy giá thành đầu ra tăng lên, lại khiến cho sản phẩm khó cạnh tranh trên thị trường.

“Chúng tôi cần các chính sách giúp đỡ, hỗ trợ cho nông dân như: kho lạnh, giải pháp chế biến sâu, bảo quản sản phẩm… Tuy nhiên, chúng tôi rất khó để tiếp cận các chính sách như vậy” - ông Bảo cho hay.

Song song với đối thoại, gặp gỡ để lắng nghe nhu cầu thì Liên minh HTX Đồng Nai cũng chủ động tổ chức các lớp tấp huấn để nâng cao năng lực cho cán bộ HTX. Tính đến tháng 6-2024, Liên minh HTX Đồng Nai đã tổ chức 5 lớp bồi dưỡng cho 237 lượt học viên tham dự.

Phó chủ tịch Liên minh HTX Đồng Nai Nguyễn Thanh Hiền cho hay, nội dung của các lớp tập huấn đa dạng, liên quan đến những vấn đề như: kiến thức, kỹ năng quản trị tài chính; kiến thức kinh tế tập thể cho cán bộ quản lý ở địa phương; kỹ năng về phòng cháy, cứu hộ cứu nạn đối với các HTX quản lý, kinh doanh chợ…, qua đó giúp các HTX từng bước nâng cấp mình.

Đào Lê

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202407/tang-cuong-cac-giai-phap-ket-noi-ho-tro-kinh-te-tap-the-phat-trien-64c41bb/
Zalo