Bảo hiểm PVI có tân tổng giám đốc, cổ đông ngoại IFC thoái vốn

Đại hội đồng cổ đông bất thường của PVI ngày 15/8 vừa qua đã phê chuẩn việc bổ nhiệm ông Nguyễn Tuấn Tú giữ chức vụ Tổng giám đốc PVI kể từ ngày 16/8/2024.

Thay đổi nhân sự cấp cao

Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc PVI, ông Nguyễn Tuấn Tú là Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PV OIL). Ông có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành dầu khí, từng đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng tại các đơn vị thành viên của Tập đoàn dầu khí như PTSC, Petecchim, PV OIL…

Cùng ngày, HĐQT PVI cũng có nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Phó chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVI đối với ông Nguyễn Xuân Hòa. Ông Nguyễn Xuân Hòa đã được Petrovietnam bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo).

Tân Tổng giám đốc PVI Nguyễn Tuấn Tú phát biểu tại đại hội. Nguồn: PVI.

Tân Tổng giám đốc PVI Nguyễn Tuấn Tú phát biểu tại đại hội. Nguồn: PVI.

Việc bổ nhiệm ông Nguyễn Tuấn Tú và miễn nhiệm ông Nguyễn Xuân Hòa có hiệu lực sau khi Đại hội đồng cổ đông PVI thông qua công tác nhân sự thành viên HĐQT và phê chuẩn việc bổ nhiệm tổng giám đốc theo thẩm quyền.

Đại hội cũng đã bầu bổ sung hai vị trí thành viên HĐQT cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2022 – 2027, trong đó ông Nguyễn Tuấn Tú đã trúng cử vị trí thành viên HĐQT và bà Christine Nagel trúng cử vị trí thành viên độc lập HĐQT, đảm bảo giữ nguyên số lượng thành viên HĐQT là 8 thành viên.

Trước thềm đại hội, PVI đã công bố thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2024, với tổng doanh thu hợp nhất đạt 11.649 tỷ đồng, tăng 46%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 783 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023.

Năm 2024, PVI đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 17.398 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 1.080 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng, công ty đã thực hiện được 67% mục tiêu doanh thu và gần 72% mục tiêu lợi nhuận năm.

Tại thời điểm ngày 30/6/2024, tổng tài sản của PVI ghi nhận ở mức 31.545 tỷ đồng, tăng 17% so với hồi đầu năm. Phần lớn là tài sản ngắn hạn với gần 26.671 tỷ đồng.

Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của PVI là 22.825 tỷ đồng, phần lớn là nợ ngắn hạn với 22.697 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn của công ty là 934 tỷ đồng.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, số dư vay ngắn hạn phản ánh các khoản vay tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Vietcombank và Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam - chi nhánh Phạm Hùng.

Cổ đông ngoại IFC thoái vốn

Mới đây, Vietnam Report đã công bố PVI là công ty chiếm thị phần bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất Việt Nam từ năm 2022-2024. Hiện doanh nghiệp này đang có 3 cổ đông ngoại, gồm Công ty TNHH Funderburk Lighthouse, Công ty Tài chính quốc tế (IFC) và HDI Global SE, cổ đông lớn nhất của PVI.

HDI Global SE cũng mới gom thành công gần 5 triệu cổ phiếu PVI từ ngày 1/7 đến 30/7 trong tổng số 7 triệu cổ phiếu PVI đăng ký. Sau đó, quỹ ngoại này đăng ký mua thêm hơn 3,1 triệu cổ phiếu PVI từ ngày 8/8 đến 5/9, mục đích để đầu tư.

Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu của HDI Global SE tăng lên 42,39% vốn điều lệ.

Ở chiều ngược lại, Công ty Tài chính quốc tế (IFC) đã bán thành công gần 8 triệu cổ phiếu PVI trong 9 triệu cổ phiếu PVI đăng ký, hạ tỷ lệ sở hữu xuống còn 2,63% và không còn là cổ đông lớn tại PVI.

Trước đó, ngày 29/3/2024, Bảo hiểm PVI đã được Bộ Tài chính chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 3.300 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng, tiếp tục là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có vốn điều lệ lớn nhất tại thị trường Việt Nam.

Việc tăng vốn điều lệ này nằm trong chiến lược phát triển của Bảo hiểm PVI nhằm nâng cao năng lực tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Thu Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/bao-hiem-pvi-co-tan-tong-giam-doc-co-dong-ngoai-ifc-thoai-von-32519.html
Zalo