Tân Yên: Lan tỏa phong trào thi đua 'Lao động giỏi, lao động sáng tạo'

Những năm qua, phong trào thi đua 'Lao động giỏi, lao động sáng tạo' tại huyện Tân Yên phát triển sâu rộng và lan tỏa mạnh mẽ trên các lĩnh vực. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, thực hiện tốt nhiệm vụ tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Hiệu quả thiết thực, phù hợp thực tế

Giai đoạn 2020 - 2025, toàn huyện có hơn 720 sáng kiến, giải pháp trong lao động sản xuất với tổng giá trị làm lợi hơn 2 tỷ đồng; có 65 đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng mang lại hiệu quả thực tế.

 Dây chuyền sản xuất ứng dụng sáng kiến dùng đầu hút tự động đưa sản phẩm cắt vào khay tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Daeyang Hà Nội.

Dây chuyền sản xuất ứng dụng sáng kiến dùng đầu hút tự động đưa sản phẩm cắt vào khay tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Daeyang Hà Nội.

Tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Daeyang Hà Nội (trụ sở tại thị trấn Cao Thượng), sáng kiến cải tiến dây chuyền sản xuất motor của công nhân Đinh Văn Cường đã giúp doanh nghiệp giảm sản phẩm lỗi, tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Sáng kiến điều chỉnh nhiệt độ và thời gian lò sấy baking stator của công nhân Nguyễn Thị Cảnh giúp tối ưu điện năng tiêu thụ và tăng đáng kể năng suất toàn bộ dây chuyền của Công ty.

Anh Nguyễn Văn Sang có sáng kiến sử dụng đầu hút tự động đưa sản phẩm cắt vào khay. Thay vì đưa nguyên liệu vào khuôn cắt xong phải có người lấy ra để đưa vào khay tự động như trước đây, đầu hút do anh Sang sáng chế đã tự hút, đưa sản phẩm về khay. Nhờ đó giảm được 1 nhân công đứng máy và tăng 50% số lượng sản phẩm làm ra. Từ hiệu quả đem lại, Công ty đã đưa sáng kiến này vào ứng dụng tại 100% khâu cắt sản phẩm.

Giai đoạn 2020 - 2025, toàn huyện ghi nhận hơn 720 sáng kiến, giải pháp trong lao động sản xuất với tổng giá trị làm lợi hơn 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 65 đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng mang lại hiệu quả thực tế, mở ra hướng phát triển mới trong nhiều lĩnh vực.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Intermax Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc) chuyên sản xuất hàng may mặc có trụ sở ở xã Ngọc Vân. Mỗi năm, doanh nghiệp dành hàng trăm triệu đồng để khen thưởng sáng kiến bằng những phần quà giá trị như xe máy, máy chạy bộ, đồ gia dụng cho người lao động có sáng kiến làm lợi cho đơn vị. Qua đó thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo từ mỗi tổ sản xuất. Được biết, mỗi năm, người lao động đề xuất từ 10-20 sáng kiến trong thực hiện các đơn hàng, khâu sản xuất giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể nhân lực và chi phí.

Trong lĩnh vực giáo dục, hằng năm cán bộ, giáo viên toàn huyện đóng góp nhiều sáng kiến, kinh nghiệm trong quản lý, giảng dạy. Nổi bật như mô hình thư viện thân thiện tại Trường Tiểu học thị trấn Cao Thượng với hệ thống thư viện trung tâm, thư viện di động, thư viện góc lớp đã hình thành thói quen đọc sách, nâng cao khả năng tự học cho học sinh. Hay như công trình vườn hoa, vườn cây xanh của Công đoàn Trường Trung học cơ sở Phúc Hòa đưa hoạt động chăm sóc cây xanh, trồng rau sạch vào rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.

Thúc đẩy người lao động cống hiến

Để phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo phát triển mạnh mẽ, các cấp công đoàn từ huyện đến cơ sở đã đổi mới phương thức, triển khai linh hoạt trong từng hoạt động. Tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Daeyang Hà Nội, Chủ tịch Công đoàn Tô Thị Huyên đã phát huy vai trò nòng cốt. Chị Huyên cùng tổ trưởng các tổ công đoàn thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động, chủ động tham mưu với Ban Giám đốc về cải thiện môi trường làm việc, chế độ phúc lợi cho công nhân.

Qua đó mang đến sự hài lòng và mong muốn gắn bó lâu dài của công nhân với doanh nghiệp, giúp đôi bên cùng có lợi. Công đoàn Công ty đã xây dựng hệ thống theo dõi đánh giá sáng kiến một cách minh bạch, khen thưởng kịp thời những cá nhân có sáng kiến mang lại giá trị. Trong các đợt cao điểm, công đoàn còn tổ chức các chương trình thi đua theo chuyên đề, gắn với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh tạo khí thế lao động, sản xuất sôi nổi trong từng bộ phận.

Công đoàn cơ sở xã Hợp Đức cũng để lại dấu ấn đậm nét với mô hình Ngày thứ Bảy tình nguyện hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục hành chính gắn với chăm sóc vườn hoa, cây xanh tại trụ sở cơ quan. Chủ tịch Công đoàn cơ sở xã Hợp Đức Dương Ngọc Túy cho biết, sự thành công của các phong trào đến từ việc gắn kết thi đua với công việc thường ngày tạo thành nếp sinh hoạt văn hóa trong cơ quan, đơn vị. Tại xã, cán bộ, công chức các bộ phận khi đề xuất ý tưởng mới, sáng kiến đều được cấp ủy, chính quyền ủng hộ và chỉ đạo thực hiện. Nhờ vậy, các mô hình thi đua sáng tạo được triển khai thành công và nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Một trong những yếu tố thúc đẩy phong trào tại Tân Yên là sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, chủ doanh nghiệp. Liên đoàn Lao động huyện chỉ đạo các công đoàn cơ sở gắn phong trào thi đua với nhiệm vụ chuyên môn, cụ thể hóa mục tiêu chỉ tiêu thi đua ngay từ đầu năm đồng thời xây dựng hệ thống theo dõi sáng kiến chặt chẽ, công khai.

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện, để tiếp tục thúc đẩy sự sáng tạo của người lao động trong các lĩnh vực, các cấp công đoàn tiếp tục quan tâm nhân rộng điển hình tiên tiến. Tổ chức phong trào thi đua tập trung vào phát triển các sáng kiến có giá trị ứng dụng cao, đo lường được hiệu quả thực tế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào quản lý, triển khai phong trào để kết nối thông tin nhanh chóng, hiệu quả. Cùng với đó khen thưởng kịp thời, đúng quy định.

Ngọc Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tan-yen-lan-toa-phong-trao-thi-dua-lao-dong-gioi-lao-dong-sang-tao--postid417050.bbg
Zalo