Tản mạn về sách và đọc sách

Qua các giai đoạn của lịch sử, người Việt giữ tinh thần hiếu học và mê đọc sách, báo. Nhiều tấm gương đọc sách như bác học Lê Quý Đôn 'mắt không rời sách, gối đầu lên sách' hay 'siêng xem sách và xem nhiều sách là việc đáng quý' của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cổ nhân từng nói: “Mỗi quyển sách là một hũ vàng”, “một kho vàng không bằng một nang sách” và “đọc sách là biển học” đủ cho thấy vai trò, giá trị của sách quý giá như thế nào, bởi tất cả kiến thức, kỹ năng, những gì tinh túy nhất của nhân loại đều lưu giữ trên trang sách. Lật lại lịch sử của dân tộc, tiền nhân mê sách và đọc sách không thể kể hết, nhưng cả đời mê đọc sách như bác học Lê Quý Đôn, trạng nguyên Nguyễn Trực, Mạc Đỉnh Chi, tiến sĩ Nguyễn Huy Cẩn, vua Lê Thánh Tông, đại học sĩ Thân Nhân Trung... luôn được hậu thế kính phục.

Với bác học Lê Quý Đôn (làng Diên Hà, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) là người cả đời mê đọc sách, làm rất nhiều sách và nói “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng/ Không bằng kinh sử một vài pho”. Nhiều sách đã viết: “Lê Quý Đôn là người ham học, trí nhớ rất tốt và được coi là thần đồng. Lúc 5 tuổi, ông đọc được nhiều bài trong Kinh Thi. Năm 12 tuổi, ông học khắp kinh, truyện, các sử, sách của bách gia chư tử, không sách nào là không thông suốt. Năm 16 tuổi, ông thi một lần đỗ giải nguyên, 29 tuổi đỗ nhất giáp tiến sĩ (năm ấy không trạng nguyên, ông đứng đầu). Ông có tư chất khác đời, thông minh hơn người, tính nết thuần hậu, học không biết mệt mỏi. Tuy đỗ đạt vinh hiển, tay ông vẫn không rời quyển sách”. Còn Mạc Đĩnh Chi, nhà nghèo, phải đi lấy củi kiếm sống, nhưng lại rất mê sách và đọc sách, khi được sách như bắt được hũ vàng. Nhờ đó, ông thi đỗ trạng nguyên, danh tiếng lẫy lừng, được sử sách lưu danh.

Bác Hồ đọc sách

Bác Hồ đọc sách

Tiến sĩ Nguyễn Huy Cẩn (làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) nổi tiếng ham đọc sách, học vấn sâu rộng, từng thi đỗ khoa Hoành từ. Năm 1760, ông thi đỗ Hội nguyên, khi thi Đình bài văn bị “thất cách” nên đỗ đồng tiến sĩ. Sau đó, không thích làm quan, ông xin về nhà để một mình đọc sách, kinh sử. Có điều đắc ý, ông và cha ông (tiến sĩ Nguyễn Huy Dận) thường cùng nhau giảng bàn, xướng họa. Chúa Trịnh biết là người có tài nên triệu đến phủ, nhưng cả hai đều không đến. Hay như mê đọc thiên kinh vạn quyển sách, Cao Bá Quát xác nhận “đọc sách mắt như đèn muôn dặm”. Liên quan đến chuyện đọc sách, tương truyền vua Tự Đức khi đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du đến 2 câu tả anh hùng Từ Hải “Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, thì phán nếu Tố Như còn sống chắc sẽ phạt trượng đánh đòn vì “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” là khi quân phạm thượng, coi vua chẳng ra gì.

Là bậc quân vương bận trăm công nghìn việc, nhưng vua Lê Thánh Tông quyết không rời sách. “Lúc rảnh sau muôn việc, trong khoảng nửa ngày, mắt xem rừng sách, lòng dạo vườn văn, không nghe huyên náo, lòng như hoa thơm... Tình của ta thư thái, tinh anh cuồn cuộn tuôn ra, lời khuôn mẫu từng từng lớp lớp, các ngươi có thể vì ta mà ghi lấy được không?”. Đề cao việc đọc sách, ngâm vịnh, vua thành lập Hội Tao Đàn, lấy văn chương làm công khí của quốc gia, sai khắc bản in để truyền bá sâu rộng trong xã hội.

Kế thừa truyền thống học tập, mê đọc sách của dân tộc và gia đình, Bác Hồ luôn coi trọng sách báo. Với Người, không ngừng học tập, nói đúng hơn là không ngừng tự học. Trong tác phẩm “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, đề cập cụ thể khoảng thời gian Bác đến Thư viện Sainte Genevìeve đọc sách, đây là đầu mối lưu trữ và cung cấp các tài liệu quý giá. Qua thống kê, thời lượng của Bác đến thư viện nghiên cứu tài liệu đủ để trở thành tấm gương lưu truyền cho hậu thế. Và còn rất nhiều nơi Bác lui tới tham khảo sách báo ở trên đất Pháp hay Liên Xô. Khi về nước, sách báo vẫn là một phương tiện cung cấp thông tin hữu ích đối với Người. Từ thời trai trẻ hay lúc tuổi cao, ở căn cứ cách mạng heo hút Pắc Pó hay Bắc Bộ Phủ giữa lòng Hà Nội, Bác không giới hạn thời gian, có khi đọc đến 2 giờ sáng.

Vào giờ nghỉ trưa, Bác Hồ thường xuyên đọc báo

Vào giờ nghỉ trưa, Bác Hồ thường xuyên đọc báo

Với Bác Hồ, đọc sách ngoài mục đích nâng cao tri thức, còn để phục vụ cách mạng và dân tộc, quyết làm sao cho dân được tự do, nước nhà được độc lập, ai cũng ấm no và được học hành; biểu tượng “lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin” đã trở thành bất hủ cho tinh thần thích đọc sách báo. Và niềm ham muốn ấy đã đi theo, chi phối mọi hoạt động của Bác. Với Bác, “siêng xem được nhiều sách báo là quý, nhưng dù xem được hàng ngàn quyển lý luận, không biết đem ra thực hành thì khác nào là cái hòm đựng sách báo”. Trong cuốn “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Mác - Lê-nin”, Người viết: “Chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lê-nin, vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam mà chúng ta đã chiến đấu và giành được thắng lợi”.

Sách báo luôn là công cụ ghi nhận tri thức phổ quát của nhân loại, là tài liệu quý giá để học tập, tu dưỡng và rèn luyện nhân cách con người. Đọc sách báo chính là khai thác, tìm hiểu, thẩm thấu những tinh hoa với nhiều mục đích và luôn được các quốc gia, dân tộc ứng dụng thành công.

NGUYỄN RẠNG

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tan-man-ve-sach-va-doc-sach-a414039.html
Zalo