Khán giả sẽ được 'hòa mình' vào đại quân Tây Sơn trong lễ hội Gò Đống Đa 2025

Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 2 đến 4-2-2025 (tức từ mùng 5 đến 7 tháng Giêng năm Ất Tỵ).

Hình ảnh tổng duyệt Lễ hội kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa 2025. Ảnh: Duy Khánh

Hình ảnh tổng duyệt Lễ hội kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa 2025. Ảnh: Duy Khánh

Điểm đặc biệt nhất của lễ hội Gò Đống Đa năm nay là nhân dân và du khách không chỉ được chứng kiến lễ khai mạc diễn ra vào buổi tối, mà có lúc sẽ như đang trong cuộc hành quân thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn, xung quanh là voi, ngựa, giáo mác, cung tên; có khi như đang đứng trên chiến thuyền trong trận chiến Rạch Gầm Xoài Mút; có khi lại như đang hân hoan trong khúc khải hoàn của nhân dân Thăng Long vào mùa Xuân Kỷ Dậu năm 1789.

Kể câu chuyện lịch sử theo cách hiện đại và mới mẻ

Ý tưởng độc đáo đó được Tổng đạo diễn Mai Thanh Tùng táo bạo đưa lên sân khấu lần đầu tiên thực hiện tại lễ hội truyền thống lâu đời đầy tự hào này của Hà Nội. Thay vì cách thưởng thức các tiết mục đơn thuần như trước đây, khán giả sẽ cùng được tham gia vào lễ hội, trở thành một phần của lễ hội.

Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được tổ chức trong 3 ngày.

Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được tổ chức trong 3 ngày.

Thông qua đó, khán giả sẽ cảm nhận được sâu sắc hơn tinh thần và ý nghĩa của lễ hội. Điều đặc biệt nhất, người xem như được quay ngược thời gian về những ngày vó ngựa Tây Sơn rầm rập đuổi đánh quân thù, khiến cho quân xâm lược tan tác ngay trên đất Thăng Long. Khán giả như được tận mắt nhìn thấy người anh hùng áo vải Quang Trung đứng trên lưng voi, áo bào lồng lộng, mặt sạm đen vì khói súng cũng như niềm vui của người dân Thăng Long và binh lính trong trận đại thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu ấy.

Lễ kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa diễn ra tối 2-2-2025 (mùng 5 tháng Giêng Âm lịch) tại Công viên văn hóa Đống Đa, lần đầu tiên được truyền hình trực tiếp trên kênh H1 Đài phát thanh và Truyền hình Hà Nội, báo Kinh tế và Đô thị, các Đài Phát thanh và Truyền hình các tỉnh, thành phố trên cả nước cùng các nền tảng số. Điểm nhấn là Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Đống Đa – Sử vàng lưu danh – Tương lai vững bước”. Đây là chương trình nghệ thuật đặc sắc được làm theo hình thức bán thực cảnh kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại.

Chương trình kể câu chuyện lịch sử theo một cách thức hiện đại và mới mẻ với các chương hồi, cảnh diễn nối tiếp, được biến chuyển tinh tế bằng kĩ xảo, âm nhạc hấp dẫn và đa dạng hình thức thể hiện như: ca hát, xiếc, múa, đồng diễn trống…

Sân khấu liên tục thay đổi bối cảnh, giúp tái hiện sống động những khung cảnh trong đời sống của nhân dân cuối thế kỷ XVIII, sự nhiễu nhương, rối loạn của triều đình, của giai đoạn Trịnh – Nguyễn phân tranh, đất nước chia cắt Đàng Trong – Đàng Ngoài, khí thế hừng hực trong các cuộc chiến đấu của nghĩa quân Tây Sơn...

Chương trình nghệ thuật đặc biệt chú trọng vào yếu tố văn hóa, lịch sử, tôn vinh công đức vua Quang Trung kết hợp các màn biểu diễn với những công nghệ hiện đại nhất. Trong đó, công nghệ 3D mapping sẽ vẽ lại bức tranh oanh liệt mà bi tráng bằng ánh sáng, mang đến cho người xem những trải nghiệm hình ảnh chân thực sống động, ấn tượng và đưa câu chuyện lịch sử chạm đến mọi giác quan.

Chương trình là đêm hội của âm thanh và ánh sáng, tạo nên một làn gió mới, cách tiếp cận và biểu đạt mới cho các câu chuyện lịch sử trong nhịp sống đương đại.

Rực rỡ sắc màu, đậm đà truyền thống

Đây là chương trình nghệ thuật đặc sắc được làm theo hình thức bán thực cảnh kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại. Video: BTC cung cấp.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề: “Đống Đa – Sử vàng lưu danh – Tương lai vững bước” có sự tham gia của các nghệ sĩ & MC nổi tiếng: NSND Thanh Lam, ca sĩ Trọng Tấn, ca sĩ Minh Quân, ca sĩ Vũ Thắng Lợi, ca sĩ Hoàng Hồng Ngọc, ca sĩ Ngọc Ký, ca sĩ Viết Danh, ca sĩ Đông Hùng, ca sĩ Minh Đức, ca sĩ Quỳnh Lady, ca sĩ Minh Phương cùng vũ đoàn Lavender, Câu lạc bộ Sao Tuổi Thơ, tập thể diễn viên quần chúng Quận Đống Đa. Dẫn chương trình: MC Hồng Nhung và Sơn Lâm.

Chương trình nghệ thuật gồm 3 chương: Chương 1: Anh hùng áo vải, Chương 2: Dựng nghiệp bá vương – xây nền độc lập và Chương 3: Đống Đa – Sử vàng lưu danh – Tương lai vững bước.

Trong đó, Chương 1: Anh hùng áo vải với các cảnh diễn Nhiễu nhương thời loạn, Tây Sơn tam kiệt, Tụ nghĩa dấy binh, Tây Sơn – Bước chân hào kiệt, tái hiện nhà Tây Sơn dựng cơ đồ, đặc biệt giai đoạn từ năm 1771 đến năm 1783, Nguyễn Huệ đã cùng anh em xây dựng lực lượng khởi nghĩa và trở thành một tướng lĩnh cao cấp, tài ba của quân Tây Sơn. Chương này cũng tái hiện cảnh quân Tây Sơn khởi đầu cuộc khởi nghĩa vũ trang, hạ thành Quy Nhơn và sau đó nhanh chóng giải phóng cả một vùng rộng lớn từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận. Đến cuối năm 1775, quân Tây Sơn đã làm chủ cả vùng đất từ Quảng Nam đến Bình Thuận. Từ đó, Nguyễn Nhạc dồn sức mở những cuộc tấn công vào quân Nguyễn ở Gia Định và giải phóng toàn bộ Gia Định vào năm 1783.

Khán giả tiếp tục được hòa vào màn tái hiện Trận Rạch Gầm – Xoài Mút - một trận chiến lớn trên sông diễn ra vào đêm 19 rạng sáng ngày 20 tháng 1 năm 1785 giữa liên quân Xiêm-Nguyễn và quân Tây Sơn tại khúc sông Rạch Gầm - Xoài Mút. Chỉ trong nửa ngày, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã dùng chiến thuật phục kích để đánh tan lực lượng quân Xiêm đông gấp đôi, bảo vệ được chủ quyền của Đại Việt tại vùng Nam Bộ trước đội quân viễn chinh Xiêm La do Nguyễn Ánh cầu viện.

Nếu như Chương đầu là những gian khó và cả sự hào hùng của những chiến công thì trong chương tiếp theo, khán giả được đến với câu chuyện tình đặc biệt trong lịch sử Việt Nam giữa Quang Trung và công chúa Lê Ngọc Hân.

Vui với duyên kỳ ngô chẳng bao lâu, khán giả tiếp tục được trải nghiệm những cung bậc cảm xúc với rất nhiều cao trào, kịch tính tái hiện cảnh vua Lê Chiêu Thống cầu cứu ngoại bang, để giữ vương quyền. Nhà Thanh điều động đại quân sang xâm chiếm nước ta dưới danh nghĩa giúp vua Lê.

Trước tình thế ấy, Nguyễn Huệ tế cáo trời đất, bách thần, lên ngôi hoàng đế tại núi Bân lịch sử, lấy niên hiệu là Quang Trung năm thứ nhất, rồi hạ lệnh xuất quân ra Bắc dẹp quân xâm lược.

Đoàn quân Tây Sơn tiến công vào các vị trí cố thủ của địch, voi chiến, ngựa chiến, cung kiếm, khói lửa …

Đến mờ sáng mồng 5 tết Kỷ Dậu (30/01/1789), đại quân Tây Sơn đã mở cuộc tổng công kích vào đồn Ngọc Hồi - Đống Đa và giải phóng kinh thành Thăng Long; đánh tan cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Thanh, giữ vững nền độc lập và chủ quyền quốc gia; tạo nên chiến thắng hiển hách, vang dội trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

Làm nên trận Ngọc Hồi – Đống Đa bất tử, người anh hùng áo vải Quang Trung dựng nền độc lập, mang mùa xuân rực rỡ về với đất Thăng Long.

Uy danh và công đức của vua Quang Trung và các vị tướng lĩnh năm xưa mãi mãi vang vọng, lưu truyền trong cuộc sống hôm nay cũng như các thế hệ mai sau, trở thành niềm tự hào bất diệt của lớp lớp người dân đất Việt. Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước của thế hệ cha ông chính là nguồn cảm hứng bất tận cho thế hệ hôm nay tiếp tục giữ lửa và khơi dậy khát vọng xây dựng quê hương, đất nước.

Nhiều năm qua, quận Đống Đa đã gặt hái được nhiều thành công trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, kinh tế và văn hóa. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Đống Đa đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, xây dựng quận có những bước phát triển về mọi mặt, diện mạo đô thị thay đổi từng ngày với nhiều công trình hạ tầng hiện đại, khu đô thị khang trang...

Chương 3: Đống Đa – Sử vàng lưu danh – Tương lai vững bước đã khắc họa những thành tựu của quận Đống Đa trong các lĩnh vực, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Đống Đa tới năm 2030 trở thành quận đô thị xanh, thông minh, hiện đại.

236 mùa xuân đã trôi qua, nhưng trên mảnh đất Thăng Long - Đông Đô nghìn năm văn hiến vẫn âm vang chiến công hiển hách của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng đoàn hùng binh Tây Sơn dũng mãnh yêu nước. Những lời hịch của vua Quang Trung còn văng vẳng núi sông muôn đời như khẳng định chủ quyền dân tộc bền vững: "Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ". Năm Kỷ Dậu 1789 đi vào lịch sử dân tộc, là một trong những mùa xuân kỳ diệu nhất, tiêu biểu cho ý chí quật cường, cho sức mạnh tinh thần đại đoàn kết của dân tộc và nghệ thuật quân sự của dân tộc ta.

Khí thiêng sông núi cùng truyền thống rạng ngời của cha anh đã trở thành niềm tự hào, nền tảng động lực quan trọng để toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân quận Đống Đa tiếp tục đoàn kết, đồng lòng, phấn đấu xây dựng quận Đống Đa ngày càng phát triển, xứng đáng là quận anh hùng của Thủ đô anh hùng, ngàn năm văn hiến.

Nguyệt Ánh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khan-gia-se-duoc-hoa-minh-vao-dai-quan-tay-son-trong-le-hoi-go-dong-da-2025-692094.html
Zalo