Tận dụng cơ hội, hóa giải thách thức để nền kinh tế 'cất cánh'

Năm 2025, dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song cũng có những thời cơ, thuận lợi đan xen. Do đó, việc chủ động, linh hoạt tận dụng tối đa cơ hội và đề ra giải pháp hiệu quả để hóa giải thách thức sẽ tạo nên sức bật để nền kinh tế 'cất cánh', bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Dự báo, năm 2025, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều cơ hội, thách thức đan xen. Ảnh minh họa: S.T

Dự báo, năm 2025, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều cơ hội, thách thức đan xen. Ảnh minh họa: S.T

Nhận diện thách thức đối với nền kinh tế

Đánh giá bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2024, chia sẻ tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam - Lần thứ 17 diễn ra chiều 07/01, PGS,TS. Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, năm 2024 là một năm nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó khó khăn nhiều hơn là thuận lợi, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp.

Cụ thể, tính phức tạp của tình hình thế giới không chỉ bởi những vấn đề an ninh, chính trị tiếp tục căng thẳng, mà còn ở ngay những vấn đề kinh tế.

Chẳng hạn, một số chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy khiến giá cả nhiều loại hàng hóa thiết yếu biến động mạnh, đặc biệt là sự đứt gãy trong chuỗi vận tải - logistics khiến giá cước vận tải tăng cao trong thời gian kéo dài. Nhiều tuyến hàng hải quan trọng như kênh đào Panama, kênh đào Suez và Biển Đỏ bị tắc nghẽn; đình công ở 36 cảng biển dọc bờ Đông và Vịnh Mexico của Hoa Kỳ gây đình trệ và tác động lớn tới chuỗi cung ứng nhiều loại hàng hóa của thế giới...

Giá cước vận chuyển container từ châu Á sang Mỹ và châu Âu nhiều thời điểm đã tăng gấp 2 - 3 lần so với năm trước, gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp xuất khẩu. Cùng với đó, thương mại và đầu tư toàn cầu phục hồi chậm, thiếu vững chắc; tỷ giá biến động phức tạp...

Trong bối cảnh nhiều khó khăn như vậy, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh năm 2024, sau nhiều năm kể từ năm 2016, chúng ta đã đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội với nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, nổi bật.

Điển hình như, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm đạt 7,09%, tiếp tục là điểm sáng về tăng trưởng của khu vực và thế giới; quy mô nền kinh tế đạt 476,3 tỷ USD, xếp thứ 33 trên thế giới; chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tốc độ tăng năng suất lao động ước đạt 5,7%, vượt mục tiêu đề ra.

Cùng với đó, kinh tế vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 2.030 nghìn tỷ đồng, vượt trên 19% dự toán và tăng 18% so với năm trước, góp phần bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt khoảng 40 tỷ USD, thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới. Đặc biệt, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lập mốc kỷ lục mới đạt gần 800 tỷ USD, với xuất siêu lên tới gần 25 tỷ USD…

“Đây là những kết quả rất quan trọng, làm tiền đề để chúng ta tiếp tục phát huy trong năm 2025” - PGS,TS. Nguyễn Hồng Sơn nói.

Trong lĩnh vực hạ tầng, năm 2024, Việt Nam đã hoàn thành xây dựng 2.021 km đường cao tốc. Mục tiêu đến năm 2025 là 3.000 km và đến năm 2030 đạt 5.000 km đường cao tốc.

Bước sang năm 2025, theo ông Suan Teck Kin - Chuyên gia kinh tế, Giám đốc điều hành Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore), nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với ba thách thức lớn, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có thể chứng kiến nhiều thay đổi đáng kể khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bước vào nhiệm kỳ thứ hai - thời kỳ “Trump 2.0”.

Thứ nhất, thách thức về thuế quan. Với nền kinh tế có độ mở cao thứ hai trong ASEAN (sau Singapore), Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thương mại quốc tế. Trong năm 2024, tăng trưởng GDP đạt 7,09%, phần lớn nhờ vào xuất khẩu và thương mại quốc tế. Việt Nam hiện đang có mức độ phụ thuộc về thương mại quốc tế là 84% (cao thứ 2 ở khu vực ASEAN).

Theo nghiên cứu của Ngân hàng UOB, trong kịch bản cơ sở về chính sách thuế quan của Donald Trump vào năm 2025, mức thuế nhập khẩu chung có thể dao động từ 10 - 20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu và lên đến 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc.

Việc áp thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc có thể dẫn đến tình trạng hàng hóa Trung Quốc được chuyển hướng sang ASEAN, bao gồm Việt Nam, để gia công, lắp ráp hoặc thay đổi nhãn mác trước khi xuất khẩu vào Mỹ. Điều này có thể khiến Mỹ siết chặt kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa từ ASEAN nhằm ngăn chặn gian lận thương mại. Kết quả là hàng hóa từ ASEAN cũng như Việt Nam có nguy cơ bị áp thuế trừng phạt, làm suy giảm lợi thế cạnh tranh.

Không những thế, hàng hóa Việt Nam hiện chiếm khoảng 3,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ. Nếu các chính sách thuế quan mới được áp dụng, Việt Nam và ASEAN có thể phải đối mặt với rủi ro gia tăng thâm hụt thương mại.

Thứ hai, thách thức về thị trường tài chính. Biến động giá trị đồng USD có thể gây ra những tác động sâu rộng đối với thị trường tài chính Việt Nam, ảnh hưởng đến thương mại, đầu tư, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Việt Nam phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên liệu thô, máy móc và thiết bị từ nước ngoài. Do đó, khi đồng USD tăng giá, chi phí nhập khẩu sẽ tăng, kéo theo làm tăng chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm.

Tuy nhiên, theo ông Suan Teck Kin, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã và đang có những biện pháp điều hành phù hợp để giảm thiểu áp lực từ biến động tỷ giá, do đó rủi ro từ thách thức này sẽ được kiểm soát ở mức ổn định.

Thứ ba, thách thức về chuỗi cung ứng. ASEAN hiện là điểm đến hàng đầu của dòng vốn FDI, với Mỹ là quốc gia dẫn đầu về đầu tư vào khu vực. Tuy nhiên, chính sách thuế quan cứng rắn hơn từ chính quyền của ông Donald Trump có thể làm gián đoạn dòng chảy thương mại và đầu tư toàn cầu, gây ảnh hưởng đến ASEAN. Hơn nữa, ASEAN có thể trở thành mục tiêu của Mỹ trong bối cảnh thâm hụt thương mại giữa Mỹ và các nước ASEAN gia tăng, đặc biệt là với Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

“Trong bối cảnh thời kỳ “Trump 2.0”, Việt Nam cần chủ động xây dựng chính sách phù hợp và chiến lược thu hút đầu tư FDI một cách hiệu quả để duy trì đà tăng trưởng và ổn định kinh tế” - ông Suan Teck Kin nói.

Năm 2024, GDP của Việt Nam tăng 7,09%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Ảnh minh họa: S.T

Năm 2024, GDP của Việt Nam tăng 7,09%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Ảnh minh họa: S.T

Tận dụng cơ hội, tập trung vào các đột phá chiến lược

Bên cạnh những thách thức, ông Suan Teck Kin cho rằng Việt Nam cũng có một số cơ hội đáng kể để thúc đẩy phát triển kinh tế trong năm 2025.

Cụ thể, Việt Nam có cơ hội gia tăng đa dạng hóa thương mại toàn cầu nhằm giảm thiểu rủi ro từ sự phụ thuộc quá mức vào một thị trường cụ thể. Dù chính sách mới của ông Donald Trump có thể tạo ra những rủi ro nhất định đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, nhưng đây cũng chính là thời điểm để Việt Nam chủ động mở rộng và tìm kiếm thêm cơ hội ở các thị trường khác.

Cùng với đó là cơ hội đến từ việc tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong nước. Việc đẩy mạnh xây dựng hạ tầng như đường cao tốc, sân bay, cầu, cảng biển… không chỉ giúp Việt Nam cải thiện năng lực cạnh tranh mà còn giảm thiểu các rủi ro từ bên ngoài. Đây là nền tảng quan trọng để Việt Nam tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế trong năm 2025 cũng như những năm tới.

Đặc biệt, theo ông Suan Teck Kin, hiện nay, Việt Nam có nhiều dư địa để thúc đẩy đầu tư công khi tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam vẫn ở mức khá thấp so với các nước trong khu vực châu Á và các nền kinh tế mới nổi. Với dư địa này, Chính phủ có thể đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược, từ đó tạo ra động lực tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế.

“Nền kinh tế Việt Nam đã và đang sở hữu nhiều năng lực nội tại mạnh mẽ, được thể hiện rõ rệt qua khả năng duy trì ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thương mại trong năm 2024. Đặc biệt, với mức tăng trưởng GDP ấn tượng đạt 7,09%, Việt Nam đã chứng minh được sức mạnh bền bỉ trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động. Đây chính là nền tảng vững chắc để Việt Nam vượt qua những khó khăn trước mắt, đồng thời tận dụng những cơ hội phát triển mới trong thời gian tới” - ông Suan Teck Kin nhấn mạnh.

Chia sẻ về định hướng phát triển của Việt Nam trong năm 2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ sẽ tập trung vào ba đột phá chiến lược theo nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Một là, hoàn thiện thể chế và pháp luật. Trong năm 2024, nhiều luật quan trọng đã được thông qua như Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Chứng khoán và các luật sửa đổi quan trọng khác, theo đó Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách pháp luật để tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho phát triển.

Hai là, phát triển cơ sở hạ tầng. Chính phủ dự kiến bố trí 800.000 tỷ đồng cho đầu tư công trong năm 2025, tập trung vào các dự án trọng điểm như đường cao tốc, sân bay Long Thành, hệ thống cảng biển và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Ba là, hạ tầng năng lượng cũng được chú trọng với các dự án điện hạt nhân, năng lượng tái tạo, cùng với đó là phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm.

“Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Việt Nam đang hướng tới một kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ và bền vững” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.

DIỆU THIỆN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/tan-dung-co-hoi-hoa-giai-thach-thuc-de-nen-kinh-te-cat-canh-37596.html
Zalo