Dù còn thách thức nhưng để tăng hạng GDĐH Việt Nam là việc không thể trì hoãn
Với tầm nhìn trở thành quốc gia hùng cường vào năm 2045, Việt Nam đang nỗ lực nâng cao vị thế của các cơ sở giáo dục đại học trên bản đồ giáo dục thế giới.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, giáo dục đại học không chỉ là trung tâm tri thức mà còn là động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với tầm nhìn trở thành quốc gia hùng cường vào năm 2045, Việt Nam đang nỗ lực nâng cao vị thế của các cơ sở giáo dục đại học trên bản đồ giáo dục thế giới.
Vấn đề xếp hạng đại học tiếp tục được cụ thể hóa tại Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (ban hành Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ). Theo đó, chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, nước ta có ít nhất 05 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 500 trường đại học tốt nhất thế giới, 05 cơ sở giáo dục đại học vào nhóm 200 trường đại học hàng đầu châu Á; Việt Nam nằm trong 4 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất khu vực Đông Nam Á và trong 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á.
Xếp hạng đại học: Công cụ phản ánh chất lượng hay chỉ là xu thế?
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Hiệp (Viện Nghiên cứu Giáo dục và Chuyển giao Tri thức, Trường Đại học Thành Đô) nhận định, xếp hạng đại học là xu thế không thể đảo ngược, là một trong những chỉ báo quan trọng phản ánh chất lượng hệ thống giáo dục. Tuy không phải là tất cả, nhưng việc bỏ qua các bảng xếp hạng sẽ là thiếu sót trong quản lý và phát triển giáo dục đại học.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính (Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cũng khẳng định xếp hạng đại học là một công cụ quan trọng để đánh giá chất lượng và uy tín của cơ sở giáo dục đại học.
Giá trị của xếp hạng đại học thể hiện qua 2 khía cạnh, đó là đối sánh và xếp hạng.
Đối sánh là quá trình so sánh các trường đại học dựa trên một bộ tiêu chí nhất định để đánh giá hiệu quả hoạt động của họ. Quá trình này giúp các trường biết được vị trí của mình ở đâu trong khu vực và quốc tế, cũng như nhận diện được điểm mạnh, điểm yếu, từ đó cải tiến chất lượng và nâng cao vị thế trong hệ thống giáo dục.
Xếp hạng là việc sắp xếp các trường đại học theo thứ tự dựa trên kết quả đối sánh. Việc xếp hạng cung cấp thông tin cho sinh viên, nhà tuyển dụng và các bên liên quan về chất lượng và uy tín của các cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời, đối với cơ sở giáo dục đại học, việc khẳng định vị thế trên bảng xếp hạng cũng giúp thu hút các nhà khoa học, giảng viên, người học có chất lượng.
Giá trị của xếp hạng đại học không phải lúc nào cũng tuyệt đối, bên cạnh đó mỗi bảng xếp hạng lại sử dụng các tiêu chí và phương pháp đánh giá khác nhau, do đó kết quả có thể không phản ánh đầy đủ chất lượng tổng thể của một trường đại học. Dù vậy, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cho rằng, xếp hạng đại học vẫn là một trong những kênh thông tin giúp cơ sở giáo dục đại học cải tiến chất lượng nếu biết sử dụng hợp lý.
Đồng quan điểm, Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ, Giảng viên cao cấp Tôn Quang Cường (Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục tại Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng đánh giá, mặc dù còn có nhiều quan điểm khác nhau về việc tham gia các bảng xếp hạng giáo dục đại học quốc tế, nhưng việc quan tâm đến xếp hạng cũng thể hiện điểm tích cực hướng đến mục tiêu phát triển nền giáo dục đại học có chất lượng, thích ứng với các bối cảnh phát triển chung của khu vực và thế giới.
Trong xu thế hội nhập toàn cầu, việc quan tâm đến xếp hạng thể hiện sự quan tâm và sẵn sàng hội nhập quốc tế với những tuyên bố về chính sách giáo dục đại học và mục tiêu cải thiện của Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để chính chúng ta nhìn nhận và đánh giá được thực trạng của giáo dục đại học trên bản đồ thế giới cũng như những khả năng vươn lên trong những năm tới. Ngoài ra, việc quan tâm đến bảng xếp hạng cũng tác động, tạo sự cạnh tranh tích cực trong hệ thống nội bộ, từ đó có thể học hỏi lẫn nhau cũng như từ kinh nghiệm quốc tế để thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng
“Giáo dục đại học là một lĩnh vực phát triển rất năng động, nhất là hiện nay xuất hiện rất nhiều mô hình giáo dục đại học mở, đa dạng, với các trụ cột bám sát vào quá trình phát triển xã hội. Không chỉ còn là những tháp ngà hàn lâm, học thuật thuần túy như các mô hình truyền thống trước đây, giáo dục đại học dần khẳng định là một “thị trường học thuật, đào tạo và nghiên cứu” đặc biệt.
Do đó, việc tạo ra các chính sách xếp hạng cũng là điều bình thường. Điều quan trọng hơn, xếp hạng cần được sử dụng để thúc đẩy chính sách phát triển giáo dục đại học một cách phù hợp chứ không chỉ dừng lại ở so sánh vị trí của các trường”, Tiến sĩ Tôn Quang Cường bày tỏ.
Giải pháp thúc đẩy xếp hạng giáo dục đại học
Cũng theo Tiến sĩ Tôn Quang Cường, nhìn chung trong khoảng 10 năm trở lại đây giáo dục đại học Việt Nam đã có những bước phát triển đột phá và cải thiện bền vững trong một số bảng xếp hạng quốc tế. Tham gia các bảng xếp hạng quốc tế không phải là việc dễ dàng, tuy nhiên chúng ta cũng đã thích ứng được với các phương pháp đánh giá và tiêu chí xếp hạng theo “cuộc chơi” quốc tế.
Trong khi đó, Tiến sĩ Phạm Hiệp và Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính nhìn nhận, mặc dù những năm gần đây, nhiều cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đã xuất hiện trên các bản đồ bảng xếp hạng thế giới, song nhìn chung vị trí của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trên bảng xếp hạng quốc tế còn thấp so với các nước trong khu vực, điều này đặt ra yêu cầu cần có nỗ lực lớn và đồng bộ để cải thiện vị trí, đáp ứng kỳ vọng của xã hội và mục tiêu quốc gia.
Theo Tiến sĩ Phạm Hiệp, một trong những thách thức lớn nhất mà các trường đại học Việt Nam đang đối mặt khi muốn nâng cao thứ hạng trong các bảng xếp hạng quốc tế đó là việc chưa tối ưu hóa được các nguồn lực. Các trường chưa nhận được các dự án đầu tư quy mô lớn, đủ chiều sâu để tạo ra những cú hích thực sự, trong khi nguồn tài chính và đầu tư cho nghiên cứu khoa học còn rất hạn chế. Mức đầu tư hiện tại không chỉ chưa hiệu quả mà còn thấp hơn nhiều so với yêu cầu để đạt được mục tiêu xếp hạng.
Bên cạnh đó, các trường cũng đang gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân các nhà khoa học, giảng viên giỏi, do thiếu những cơ chế, chính sách thông thoáng để khuyến khích họ gắn bó lâu dài với môi trường học thuật trong nước. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt về nhân tài, làm giảm sức cạnh tranh của các trường trên bản đồ giáo dục quốc tế.
Để giải quyết những thách thức này, Tiến sĩ Phạm Hiệp đề xuất Việt Nam nên tham khảo, xây dựng và thực hiện các chương trình đầu tư mạnh mẽ, tương tự như “Kế hoạch 985” và “Kế hoạch 211” của Trung Quốc, tập trung phát triển một số trường đại học trọng điểm làm “hoa tiêu” dẫn dắt cả hệ thống.
Đồng thời, cần đẩy mạnh thu hút và tạo điều kiện cho các nhà khoa học, giảng viên xuất sắc, cả trong nước và quốc tế, tham gia vào hệ sinh thái giáo dục đại học.
Các trường đại học cũng cần tối ưu hóa nguồn lực hiện có, không chỉ từ ngân sách nhà nước mà còn từ hợp tác với doanh nghiệp và tổ chức quốc tế, để tìm kiếm thêm nguồn tài trợ và tăng cường đầu tư cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, việc lựa chọn một số bảng xếp hạng uy tín để tập trung phấn đấu cũng là giải pháp cần được nghiên cứu.
Việc nâng cao vị trí của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trên bản đồ giáo dục quốc tế là một mục tiêu quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến phát triển giáo dục đại học. Đây không chỉ là sự nghiệp của riêng ngành giáo dục, mà đó là sự nghiệp của toàn dân, thể hiện một quốc gia mạnh mẽ, sẵn sàng đầu tư và phát triển bền vững.
Theo chuyên gia, với dân số 100 triệu người và GDP ngày càng lớn, Việt Nam cần đặt ra những ước mơ lớn và quyết tâm thực hiện. Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã tạo nền tảng chính trị vững chắc. Tuy nhiên, để biến nghị quyết thành hiện thực, cần cụ thể hóa bằng các dự án, kế hoạch đầu tư, trao quyền tự chủ cho các trường đại học và nhóm nghiên cứu.
Hành trình này khó khăn nhưng không thể trì hoãn. Tiến sĩ Phạm Hiệp bày tỏ: “Nếu giới học thuật không tiên phong thì ai sẽ dẫn dắt?”, và khẳng định đây là lúc toàn hệ thống cần chung tay hành động vì mục tiêu một Việt Nam hùng cường, với giáo dục đại học là động lực cốt lõi.