Lỗ hổng an toàn thực phẩm trong ngành bán lẻ bách hóa

Vụ việc hàng trăm kg giá đỗ ngâm hóa chất độc hại được phát hiện tại các cửa hàng Bách Hóa Xanh đang làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về quy trình kiểm soát an toàn thực phẩm trong ngành bán lẻ bách hóa. Làm sao để người tiêu dùng có thể yên tâm khi mua sắm, và đâu là giải pháp bền vững cho một ngành đang tăng trưởng nóng?

Dù Bách Hóa Xanh khẳng định luôn tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, sự cố này đã đặt ra câu hỏi lớn về cách kiểm soát nguồn cung sản phẩm trong toàn ngành bán lẻ bách hóa Việt Nam.

Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo - đối tác có hợp đồng cung ứng sản phẩm 350 - 400 kg giá đỗ mỗi ngày cho Bách Hóa Xanh, là một trong những cơ sở bị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện dùng hoạt chất 6- Benzylaminopurine làm giá đỗ.

Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo - đối tác có hợp đồng cung ứng sản phẩm 350 - 400 kg giá đỗ mỗi ngày cho Bách Hóa Xanh, là một trong những cơ sở bị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện dùng hoạt chất 6- Benzylaminopurine làm giá đỗ.

Trong bối cảnh ngành bán lẻ đang tăng trưởng mạnh mẽ, niềm tin của người tiêu dùng là yếu tố sống còn. Theo báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), an toàn thực phẩm không chỉ là điều kiện tiên quyết để thu hút khách hàng mà còn là nền tảng để mở rộng mô hình kinh doanh. Vậy làm thế nào để các doanh nghiệp bán lẻ bảo vệ niềm tin này và tránh tái diễn các sự cố tương tự?

Walmart – Bài học từ tiêu chuẩn kiểm soát khắt khe

Walmart, chuỗi bán lẻ lớn nhất thế giới, là minh chứng rõ ràng cho thấy kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định thành công. Chương trình An toàn Thực phẩm của Walmart yêu cầu tất cả nhà cung cấp thực phẩm phải trải qua quá trình đánh giá nghiêm ngặt khi đăng ký lần đầu và tái kiểm tra hằng năm. Quy trình này không chỉ dừng ở việc kiểm tra giấy tờ mà còn bao gồm các cuộc kiểm toán độc lập từ bên thứ ba, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm luôn được tuân thủ.

Câu chuyện của Nutifood khi trở thành nhà cung cấp cho Walmart là một ví dụ điển hình. Nutifood đã phải đáp ứng ba bộ tiêu chuẩn quốc tế khắt khe, từ trách nhiệm xã hội, an ninh hàng hóa đến an toàn thực phẩm. Trong đó, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội phải do những tổ chức quốc tế do Walmart phê duyệt như Bureau Veritas, SGS, Intertek. Walmart không áp dụng ngoại lệ cho bất cứ công ty nào, dù là công ty đã có "visa" vào thị trường Mỹ.

Tổng giám đốc NutiFood cho biết quá trình đánh giá của Walmart bao quát từ tài liệu, dây chuyền sản xuất đến phỏng vấn nhân viên ở mọi cấp bậc. "Quá trình đánh giá của Walmart rất nghiêm ngặt, không chỉ kiểm tra giấy tờ, hồ sơ, quy trình, dây chuyền sản xuất... mà còn phỏng vấn từng người lao động như tạp vụ, bảo vệ, bốc xếp và ngay cả nhà thầu bên ngoài. Điều này cho kết quả bao quát, chính xác và khách quan. Vấn đề an sinh xã hội, phúc lợi của nhân viên cũng được Walmart đặc biệt quan tâm", bác sĩ Trần Thị Lệ - Tổng giám đốc NutiFood cho biết.

Việc không đáp ứng đủ chuẩn của Walmart sẽ khiến các nhãn hàng bị loại bỏ khỏi kệ hàng sau đợt kiểm duyệt hằng năm. Chính sự nghiêm ngặt này không chỉ bảo vệ danh tiếng của Walmart mà còn duy trì niềm tin vững chắc từ khách hàng. Đây là mô hình đáng để các doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam học hỏi.

Ngược lại, việc kiểm soát an toàn thực phẩm trong ngành bán lẻ tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Các chuỗi bán lẻ như Bách Hóa Xanh chủ yếu dựa vào giấy chứng nhận từ nhà cung cấp mà thiếu đi quy trình kiểm nghiệm độc lập. Điều này tạo ra những lỗ hổng lớn, đặc biệt khi các nhà cung cấp không trung thực hoặc hệ thống quản lý tại địa phương không đủ minh bạch.

Hơn nữa, việc chưa đầu tư mạnh vào công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm khiến các chuỗi bán lẻ gặp khó khăn khi xảy ra sự cố. Sự chậm trễ trong việc xác định nguyên nhân và nguồn gốc vấn đề thường dẫn đến mất niềm tin từ phía người tiêu dùng, kéo theo những tổn thất không thể đo lường về doanh thu và uy tín thương hiệu. Ngoài ra, sự thiếu minh bạch trong quản lý tại một số địa phương cũng khiến quy trình kiểm soát dễ bị lạm dụng.

Cần một hệ thống kiểm nghiệm độc lập và hiện đại

Để khắc phục những lỗ hổng này, các chuyên gia từ VDSC đề xuất rằng các chuỗi bán lẻ Việt Nam cần đầu tư vào hệ thống kiểm nghiệm an toàn thực phẩm độc lập. Những trung tâm kiểm nghiệm này phải hoạt động với quy trình chặt chẽ, sàng lọc đầu vào sản phẩm kỹ lưỡng và không phụ thuộc vào nhà cung cấp.

“Các nhà bán lẻ bách hóa, thực phẩm tươi tại Việt Nam cần xây dựng trung tâm kiểm nghiệm độc lập với đầu vào sàng lọc sản phẩm kỹ lưỡng và chặt chẽ, tránh lỗ hổng từ chính nhà cung cấp/nhân viên/bộ phận kiểm nghiệm địa phương”, chuyên gia VDSC gợi ý.

Việc áp dụng công nghệ hiện đại vào quản lý chuỗi cung ứng cũng là một giải pháp cần thiết. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhanh chóng và chính xác không chỉ giúp doanh nghiệp kiểm soát chất lượng mà còn tạo sự minh bạch, củng cố niềm tin từ khách hàng.

Theo báo cáo chiến lược năm 2025 của Chứng khoán Vietcap, thị trường bán lẻ tạp hóa hiện đại tại Việt Nam đang được chi phối bởi các doanh nghiệp lớn như Bách Hóa Xanh, Central Retail, WinCommerce, Saigon Co.op, Lotte Mart, và AEON. Trong đó, phân khúc minimart chứng kiến sự thống trị của Bách Hóa Xanh và WinMart+/WIN với thị phần lần lượt chiếm 54% và 35%.

Với tốc độ mở rộng nhanh chóng – dự kiến đạt hơn 2.100 cửa hàng vào cuối năm 2026 – Bách Hóa Xanh phải đối mặt với áp lực lớn trong việc cải thiện quy trình kiểm soát an toàn thực phẩm để giữ vững vị thế. Tương tự, các chuỗi bán lẻ khác cũng cần đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống kiểm nghiệm và quản lý minh bạch nếu không muốn đánh mất thị phần vào tay đối thủ.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//quan-tri/lo-hong-an-toan-thuc-pham-trong-nganh-ban-le-bach-hoa-1104558.html
Zalo