Phía sau con số doanh nghiệp địa ốc 'hồi sinh' tăng vọt
Năm 2024, số lượng doanh nghiệp bất động sản quay lại thị trường tăng vọt, trong khi số đơn vị giải thể giảm mạnh. Điều này cho thấy sức khỏe doanh nghiệp ngành địa ốc đã ổn định trở lại, tuy nhiên, đà hồi phục vẫn có thể… đứt bất thình lình.
Báo cáo vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy trong năm 2024, số lượng doanh nghiệp bất động sản hoạt động trở lại đạt hơn 3.227 đơn vị, tăng 42,2% so với năm 2023 (đạt xấp xỉ 2.300 doanh nghiệp).
Phục hồi từ đáy
Số doanh nghiệp địa ốc giải thể trong năm 2024 cũng chậm lại đáng kể. Cụ thể, năm vừa qua có gần 1.300 công ty kinh doanh bất động sản giải thể, tức bình quân mỗi tháng có 107 doanh nghiệp trong ngành phá sản.
Có thể thấy, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ cùng các địa phương đã giúp các doanh nghiệp bất động sản tránh được “một bàn thua trông thấy”, từ đó tạo đà hồi phục cho thị trường chung, mở ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp “chết lâm sàng” phục hồi.
Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) công bố mới đây cũng chỉ ra thị trường bất động sản trong năm 2024 đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất với nhiều kết quả phục hồi tích cực và vẫn đang bám sát tiến trình phục hồi.
Đặc biệt, trong nửa cuối năm 2024, hiệu ứng từ bộ 3 Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản đã tạo hiệu ứng tích cực, thổi thêm nhiệt vào thị trường nhà đất, điển hình là những cơn sốt điên cuồng trong đấu giá đất tại các khu vực vùng ven Hà Nội.
Sức nóng của thị trường còn được dẫn dắt bởi phân khúc căn hộ, có mặt bằng giá liên tục tăng cao, thiết lập mặt bằng mới trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Riêng trong quý IV/2024, trước sự “ấm” lên của thị trường, nhiều chủ đầu tư bất động sản thay đổi kế hoạch, “tung” hàng sớm hơn dự kiến, kèm nhiều chính sách ưu đãi, giúp nguồn cung nhà ở “vượt” dự báo.
Theo báo cáo của VARS, tại thời điểm cuối năm 2024, thị trường bất động sản ghi nhận khoảng 56.000 sản phẩm chào bán trên thị trường sơ cấp. Tính chung năm 2024, thị trường ghi nhận khoảng 81.000 sản phẩm chào bán, tăng hơn 40% so với năm 2023.
Thanh khoản thị trường cũng cải thiện đáng kể. Trong năm, thị trường ghi nhận hơn 47.000 giao dịch thành công, tương đương tỷ lệ hấp thụ đạt 72%, với hơn 50% lượng giao dịch sơ cấp được đóng góp bởi nhu cầu đầu tư.
Mây mù vẫn chưa tan
Những diễn biến thực tế cho thấy năm 2024 có nhiều động lực thúc đẩy doanh nghiệp bất động sản quay lại thị trường. Những tín hiệu lạc quan là rất rõ ràng, tuy nhiên, xét trên toàn cục, giới chuyên gia vẫn chỉ ra hàng loạt thách thức trong lĩnh vực địa ốc thời gian tới.
Minh chứng, ngay trên báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố, bên cạnh những con số tích cực về số doanh nghiệp “hồi sinh” và giải thể, thì số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm nhẹ 2,7%, với gần 4.600 đơn vị. Điều này phần nào cho thấy nhà đầu tư vẫn còn không ít e ngại khi gia nhập ngành địa ốc.
Anh Châu Quốc Quân, một nhà đầu tư từng kết nối nhiều thương vụ từ Việt Nam sang Trung Quốc, chia sẻ diễn biến thị trường bất động sản trong nước hiện khá giống với thị trường Trung Quốc trong nửa đầu năm 2023 khi ghi nhận nhiều dấu hiệu hồi phục bởi các chính sách kích cầu về pháp lý và lãi suất.
“Tuy nhiên, sau thời kỳ đại dịch Covid-19, thay vì tiếp tục tăng cường các biện pháp nhằm tận dụng đà phục hồi đó để giúp thị trường thực sự vực dậy thì các biện pháp hỗ trợ ở Trung Quốc lại cho thấy sự giới hạn, khiến thị trường lao dốc trở lại. Điều này giống như người bệnh đang được thở oxy, khi không còn nguồn oxy nữa thì bệnh lại trở nặng”, anh Quân phân tích.
Trong khi đó, theo các chuyên gia của VARS, tại Việt Nam cho đến khi mọi vấn đề, vướng mắc được giải quyết, và niềm tin của khách hàng/nhà đầu tư chưa trở lại thì thị trường vẫn khó có thể vực dậy hoàn toàn.
Thị trường đang giống một ván cờ, chỉ cần một phút lơ là sẽ khiến cho cục diện sụp đổ. Chính bởi vậy, lĩnh vực bất động sản rất cần sự tiếp tục kiên trì và quyết liệt hơn nữa từ phía Chính phủ, các cơ quan ban ngành cho đến khi doanh nghiệp có thể tự đứng vững.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội, từng nhận định thị trường bất động sản Việt Nam đang đi lên, nhưng vẫn cần phải tạo động lực, tạo mọi cơ chế, chính sách cởi mở, thông thoáng, ngược lại thì việc thụt lùi 5 - 7 năm sẽ xảy ra.
“Chúng ta không nên ảo tưởng như các nước đã phát triển hàng trăm năm nay, họ đã ổn định và quá vững vàng, doanh nghiệp quá lớn mạnh rồi, trong khi tại Việt Nam có đến 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang trong giai đoạn phát triển cần phải có sự hỗ trợ về mặt chính sách mới bứt phá được. Với bất động sản, chỉ cần có nguồn lực và cơ chế chính sách phù hợp”, ông Điệp nói.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, đánh giá thị trường địa ốc đang phục hồi không đồng đều giữa các phân khúc và khu vực. Khó khăn với doanh nghiệp hiện vẫn là vấn đề pháp lý, nghĩa vụ tài chính và áp lực chi phí đầu vào tăng cao.
Ngoài ra, nhu cầu vay mua bất động sản của người dân vẫn kém cải thiện do giá nhà quá cao, trong khi thu nhập thực tế của người dân chưa cải thiện. "Giá nhà neo cao có thể gây cản trở quá trình phát triển bền vững của thị trường thời gian tới", ông Lực chia sẻ.