Tận dụng 90 'ngày vàng' để đàm phán thuế đối ứng với Mỹ
Theo chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), trong 90 'ngày vàng' Mỹ hoãn áp thuế đối ứng, doanh nghiệp Việt phải đặt ra các phương án cụ thể dự báo tình hình sau thời gian hoãn thuế, lên kế hoạch mang tính dài hơi.

Ông Lê Quốc Phương.
PV: Trong 90 ngày sắp tới, hàng hóa Việt Nam xuất vào Mỹ sẽ chịu mức thuế 10% thay vì 46% như dự kiến trước đó. Doanh nghiệp xuất khẩu cần tận dụng nhanh điều này như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Quốc Phương: Điều cần làm ngay là các doanh nghiệp phải thỏa thuận với các nhà nhập khẩu Mỹ cùng chia sẻ rủi ro, tranh thủ xuất khẩu các đơn hàng đã ký kết. Với những hợp đồng chưa ký kết, hiện phía đối tác Mỹ cũng đang phân vân, tương lai như thế nào phụ thuộc vào đàm phán của Việt Nam với Mỹ. Doanh nghiệp phải đặt ra các phương án cụ thể dự báo tình hình sau thời gian hoãn thuế, lên kế hoạch ứng phó mang tính dài hơi, không chỉ trông chờ vào việc Chính phủ đàm phán.
PV: Trong đàm phán thuế đối ứng với Mỹ thời gian tới, theo ông, Việt Nam có thể đưa ra những luận điểm, bằng chứng như thế nào để hướng tới đạt được kết quả tích cực?
Ông Lê Quốc Phương: Trước tiên, cần đặt lại vấn đề công thức tính thuế đối ứng của Mỹ. Theo thống kê, hiện mỗi năm Việt Nam nhập siêu dịch vụ khoảng 12 tỷ USD, trong đó chủ yếu nhập siêu từ Mỹ.
Thời gian qua, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là vấn đề được đề cập khá nhiều, song cần triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn.
Thứ hai, cần đưa vào nội dung đàm phán về bản chất xuất siêu hàng hóa của Việt Nam. Ví dụ năm trước, Việt Nam xuất siêu khoảng 25 tỷ USD. Trong đó, doanh nghiệp FDI xuất siêu 50 tỷ USD, doanh nghiệp Việt nhập siêu 25 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI của Mỹ rất nhiều như Intel, Apple, Adidas, Nike…
Luận điểm quan trọng tiếp theo cần chứng minh Việt Nam không phải đất nước "xuất khẩu hộ Trung Quốc". Việt Nam hiện nhập siêu từ Trung Quốc, ASEAN… vì các thị trường này có nguyên vật liệu chất lượng và giá cả tốt. Nếu Mỹ có thể cung cấp nguồn nguyên vật liệu với mức giá cả, chất lượng phù hợp, Việt Nam sẵn sàng mua ngay.
Liên quan tới gian lận xuất xứ hàng hóa, cần nêu rõ quan điểm của Việt Nam là chống triệt để. Phải nêu được các giải pháp, vụ việc cụ thể để chứng minh, mang tính thuyết phục.
PV: Theo ông, đâu là giải pháp căn cơ giúp xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng bền vững trong dài hạn?
Ông Lê Quốc Phương: Thời gian qua, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là vấn đề được đề cập khá nhiều, song cần triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Đa dạng hóa có thể thông qua các kênh như xúc tiến thương mại, tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA). Ví dụ, trước khi có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường như Canada, Peru, Chile rất khiêm tốn.
Từ khi hiệp định này có hiệu lực với Việt Nam tới nay (từ ngày 14/1/2019 - PV), xuất khẩu vào các thị trường trên gia tăng đáng kể. Các FTA không phải “cây đũa thần”, nhưng thời gian tới, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam càng cần chú trọng tận dụng tốt hơn nữa.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đẩy nhanh, mạnh hơn việc chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, dựa trên năng suất lao động, khoa học - công nghệ, nhân lực trình độ cao… Việc này không thể tiến hành "ngày một ngày hai", nhưng buộc phải làm.
PV: Xin cảm ơn ông!