Ngành tôm Ấn Độ gặp khó khăn trước áp lực thuế quan của Mỹ
Sự hỗn loạn do thuế quan của Tổng thống Donald Trump gây ra có thể làm rung chuyển các lô hàng tôm toàn cầu đến Mỹ, đặc biệt là từ Ấn Độ.

Xuất khẩu thủy hải sản mang về tổng giá trị đạt 7,3 tỷ USD cho Ấn Độ vào năm ngoái, với khối lượng 1,8 triệu tấn, mức cao kỷ lục. Trong đó, Mỹ và Trung Quốc là hai trong số những thị trường lớn nhất của thủy hải sản Ấn Độ.
Tuy nhiên, với mức thuế quan đối ứng 26% từ Mỹ, ngành xuất khẩu thủy hải sản của Ấn Độ đang gặp nhiều thử thách. Mặc dù Tổng thống Trump đã hoãn mức thuế 26% cho đến tháng 7, nhưng ngay cả mức thuế hiện tại là 10% cũng khiến các nhà xuất khẩu hải sản, đặc biệt là tôm của Ấn Độ lo lắng.
Người nuôi tôm Ấn Độ gặp tổn thất lớn vì các nhà xuất khẩu giảm giá chào mua 10% kể từ khi Mỹ công bố mức thuế quan đối ứng.
"Chúng tôi đang phải chịu tổn thất rất lớn", S.V.L. Pathi Raju, người nông dân nuôi tôm ở bang ven biển phía Nam Andhra Pradesh của Ấn Độ cho biết.
"Tôi không chắc mình sẽ duy trì giá cả như thế nào… Nếu biết, tôi đã không nuôi tôm", một nông dân khác cho biết.
Hàng nghìn tấn tôm đông lạnh từ Andhra Pradesh, Ấn Độ sẽ được xuất sang thị trường Mỹ mỗi năm. Tuy nhiên, năm nay mọi việc sẽ rất khác.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu hải sản Ấn Độ (SEAI) G. Pawan Kumar cho biết mức thuế quan do Tổng thống Donald Trump công bố sẽ có tác động tiêu cực nghiêm trọng đến xuất khẩu hải sản của Ấn Độ sang thị trường Mỹ, với giá trị đạt 2,5 tỷ USD vào năm 2024, trong đó chiếm tới 92% và Ấn Độ là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Mỹ.
Bên cạnh đó, ông lo ngại về việc các container đã đóng gói sản phẩm đông lạnh với mức giá đã thỏa thuận trước đó hiện đang được người mua Mỹ đàm phán lại sau khi áp dụng thuế quan.
"Mức thuế 10% là cao đối với những nhà xuất khẩu hoạt động với biên lợi nhuận mỏng như chúng tôi", ông Kumar cho biết. Hiệp hội cũng đang thúc đẩy Chính phủ giành được các miễn trừ cho ngành trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.
Bên cạnh thuế quan đối ứng, ông Kumar cho biết còn có thuế chống trợ cấp 5,77% và thuế chống bán phá giá 1,38% do Bộ Thương mại Mỹ áp dụng đối với tất cả các mặt hàng tôm nhập khẩu.
"Tất cả những điều này đã dẫn đến việc thắt chặt biên lợi nhuận cho các nhà xuất khẩu trong thời gian gần đây", ông cho biết.
Theo ông Kumar, Ấn Độ sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực về hiệu suất xuất khẩu khi so sánh với Ecuador. Trong khi Việt Nam với mức thuế 46% và Indonesia với mức thuế 32% cũng sẽ mang lại lợi thế cho Ecuador, khi quốc gia Nam Mỹ này có mức thuế quan thấp hơn 10% và có vị trí địa lý gần Mỹ hơn nhiều. Tuy nhiên, các nhà sản xuất Ecuador lại không lạc quan như vậy.
“Mặc dù người tiêu dùng Mỹ đã thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực tôm chế biến, Ecuador vẫn chưa đạt được năng lực thay thế sản lượng của Ấn Độ”, Jose Antonio Camposano, Chủ tịch Phòng Thương mại Thủy sản Quốc gia Ecuador cho biết.
Ấn Độ "sẽ buộc phải tìm kiếm các thị trường khác mà Ecuador đang bán, như Trung Quốc và Liên minh châu Âu, vì vậy chúng tôi sẽ chịu nhiều áp lực hơn ở các thị trường khác”, ông cho biết thêm.
Lo ngại này của Ecuador là có cơ sở khi đại diện của một số doanh nghiệp lớn trong ngành của Ấn Độ đã tham gia vào một ủy ban của Chính phủ để đánh giá tác động của thuế quan và tìm cách thúc đẩy xuất khẩu sang các nước khác.
Một trong những chiến lược mà chính phủ Ấn Độ đang cân nhắc bao gồm giáo dục những người nuôi trồng thủy sản về việc nuôi các loài cá khác có giá trị xuất khẩu tương đương và tìm kiếm các thị trường thay thế như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Liên minh châu Âu, Úc và các thị trường khác.