Điểm đến chiến lược của các nhà đầu tư lớn
Trong tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn 14,6 tỷ USD, Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) và các Khu công nghiệp (KCN) chiếm tới 13,5 tỷ USD, tương đương hơn 92%. Đây là minh chứng rõ nét cho sức hút mạnh mẽ của các 'cực tăng trưởng' xứ Thanh.

Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp INTCO Việt Nam (KCN Bỉm Sơn).
Tập trung nhiều dự án quy mô lớn, trọng điểm của tỉnh, như: Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, các nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 và 2, và các nhà máy thép, sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô..., KKTNS và các KCN không chỉ tạo việc làm cho hơn 100.000 lao động mà còn đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và ngân sách địa phương.
Theo tổng hợp của Ban Quản lý KKTNS và các KCN, quý I năm nay, mặc dù Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm 10,2% giá trị sản xuất, kinh doanh so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2024, nhà máy sản xuất tăng 20% công suất thiết kế để bù đắp sản lượng do Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn bảo dưỡng) nhưng tổng giá trị sản xuất của các doanh nghiệp tại KKTNS và các KCN vẫn đạt 65.387 tỷ đồng, chỉ giảm 1,13%; doanh thu đạt 69.741 tỷ đồng, chỉ giảm 4,89%. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 828 triệu USD, tăng 6,7%. Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 2,27 tỷ USD, tăng 3,3%. Đây là những tín hiệu khả quan cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN tại đây không phụ thuộc quá nhiều vào lọc hóa dầu.
Ngoài những tên thuộc top 200 trên thế giới như Công ty Dầu khí quốc tế Cô-Oét đến Tập đoàn Marubeni, Công ty Idemitsu Kosan, Công ty Hóa chất Mitsui... của “xứ sở mặt trời mọc”, rồi Tổng Công ty Điện lực KEPCO đến từ Hàn Quốc, Tập đoàn CAM-CGM - hãng vận tải container lớn nhất nước Pháp..., nhiều nhà đầu tư tầm cỡ trong nước cũng đang xúc tiến các dự án đầu tư lớn tại những vùng đất này.
Dự án Cảng Tổng hợp Long Sơn bao gồm bến số 7,8,9,10 với tổng chiều dài 1.000m đáp ứng tiêu chuẩn cảng cấp I. Theo Công ty TNHH Long Sơn, dự án được đầu tư với tổng vốn hơn 2.400 tỷ đồng trên diện tích 28ha, tiêu chuẩn cảng cấp 1. Cảng Tổng hợp Long Sơn Bãi Ngọc được thi công bằng công nghệ bản đúc sẵn hiện đại nhất trên thế giới và đã được áp dụng thi công cho các loại cảng biển lớn trên thế giới. Đến đầu năm 2025, dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác bến số 7 và số 8; bến số 9 đang trong quá trình nạo vét, chuẩn bị đón tàu; còn lại bến số 10 dự kiến sẽ hoàn thành vào quý II năm nay. Doanh nghiệp hiện đang tiếp tục nâng cấp cầu cảng, đầu tư nạo vét tuyến luồng tàu, vùng nước trước bến tới độ sâu đảm bảo đáp ứng cho tàu có tải trọng đến 100.000 tấn vào bến neo đậu bốc xếp hàng hóa, nâng công suất bốc xếp của Cảng Tổng hợp Long Sơn Bãi Ngọc lên 1.000 tấn/giờ, tương đương với 20.000 tấn/ngày.
Những ngày đầu năm nay, Tổ hợp Hóa chất Đức Giang với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng cũng đã chính thức khởi công. Theo Công ty CP Tập đoàn hóa chất Đức Giang, khi hoàn thành, đây sẽ trở thành tổ hợp hóa chất lớn nhất Việt Nam. Dự án này được lãnh đạo công ty xem là “át chủ bài” trong tương lai, khi hoạt động kinh doanh của nhà máy tại Lào Cai đã đến giai đoạn không thể phát triển thêm. Nhà máy sẽ đáp ứng tới 50% cho công nghiệp và tiêu dùng cho nhu cầu trong nước, hạ được giá thành sản phẩm và chủ động đầu vào cho nhiều nhà máy lớn. Khi tổ hợp đi vào vận hành hoàn chỉnh, sẽ tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động.
Theo Ban Quản lý KKTNS và các KCN, hoạt động thu hút đầu tư đang được ban tiếp tục đẩy mạnh. Trong quý I, đơn vị đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan đón tiếp 4 đoàn nhà đầu tư nước ngoài và 5 đoàn trong nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Đây không chỉ là cơ hội quảng bá tiềm năng của địa phương, mà còn là dịp để lắng nghe, trao đổi thẳng thắn với các nhà đầu tư về nhu cầu, kỳ vọng và giải pháp tháo gỡ khó khăn. Cùng với đó, các thủ tục đầu tư cũng được đẩy nhanh tiến độ. Trong quý I, đã có 3 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 73,2 tỷ đồng và 9 lượt dự án được điều chỉnh đăng ký đầu tư.
Lũy kế trong giai đoạn 2020-2025, tại KKTNS và các KCN đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 97 dự án, gồm 76 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 20.219 tỷ đồng và 21 dự án FDI với số vốn đăng ký 231 triệu USD. Một điểm đáng chú ý là các dự án được thu hút gần đây không chỉ tập trung vào công nghiệp nặng như nhiệt điện, xi măng hay luyện thép, mà còn mở rộng sang các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo và vật liệu xây dựng mới, điển hình có thể kể như: Nhà máy điện mặt trời Thanh Hóa I (2.824 tỷ đồng), Nhà máy sản xuất vải Billion Union Việt Nam (70 triệu USD), Nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn (5.500 tỷ đồng), hay Nhà máy cấu kiện bê tông cốt thép công nghệ cao Đại Dương (1.099 tỷ đồng).
Nhiều nhà đầu tư sau quá trình đầu tư giai đoạn 1 thuận lợi cũng tiếp tục mở rộng quy mô nhằm tăng năng suất, sản lượng hàng hóa đáp ứng ra thị trường. Ông Cui Gang, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Công nghiệp SAB Việt Nam, chia sẻ: “Nhà máy của chúng tôi đã được tạo mọi điều kiện thuận lợi về mặt bằng và điều kiện thi công, hoàn thành đi vào hoạt động đúng thời gian dự kiến. Chúng tôi đang xúc tiến việc đầu tư giai đoạn 2, tạo việc làm cho khoảng 1.500 lao động... Cùng với đóng góp cho ngân sách, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, chúng tôi hy vọng sẽ đáp ứng tốt nhu cầu về nguyên liệu công nghiệp phụ trợ ngành may mặc, giảm thiểu sự phụ thuộc của ngành may Việt Nam vào các phụ kiện lâu nay đang phải nhập khẩu từ nước ngoài".
Tính đến nay, tổng số dự án đầu tư tại KKTNS và các KCN đã lên tới 723 dự án, trong đó có 648 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 187.953 tỷ đồng và 75 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 13.936 triệu USD. Đặc biệt, tổng vốn thực hiện đạt hơn 84.798 tỷ đồng (đối với dự án trong nước) và gần 13,2 triệu USD (đối với dự án nước ngoài). Hiện nay, đã có 549 doanh nghiệp đi vào hoạt động, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 100.000 lao động. Những con số này không chỉ phản ánh thành công trong công tác thu hút đầu tư, mà còn cho thấy sức sống của các KCN trong việc góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh. Đồng thời, khẳng định mô hình phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại KKTNS đã và đang tạo nên sức hấp dẫn riêng biệt, khó tìm thấy ở nhiều địa phương khác.