Tâm sự của vị bác sĩ có gia đình 3 thế hệ theo nghề y
Quen, thân nhau và nên duyên từ những đêm trực của bố mẹ, vợ chồng bác sĩ Thái tự hứa với nhau cố gắng tiếp nối truyền thống làm nghề chữa bệnh cứu người của gia đình. Chưa dừng lại ở đó, những người con của họ nối tiếp mạch nguồn nghề y của ông bà, bố mẹ.
Nghe lời cha, thương dân nghèo
"Cha tôi tự hào kể với các con về nỗ lực của bản thân để từ cậu thanh niên làng chài vùng bãi ngang được chọn đi học ngành y để về chăm sóc sức khỏe bà con Hải Ninh. Sự cống hiến và hy sinh cho người bệnh là bài học quý và là động lực lớn để tôi chọn theo học y", bác sĩ Phạm Hồng Thái, Trưởng Khoa Nội – Nhi, Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình hồi tưởng về người cha kính mến Phạm Đức Dũng.
Bên ấm trà nóng, theo dòng hồi tưởng về cố hương, những năm 80 của thế kỷ trước, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh còn rất nghèo. Vùng bãi ngang, chang chang cồn cát dù cách trung tâm huyện lị tầm 6km nhưng bị cô lập. Đường sá không có, người dân phải đi trên những cồn cát, lách đám cây bụi và xuyên rừng phi lao để rời xã.
Thời gian đó, cha của bác sĩ Thái đang là Trưởng Trạm Y tế xã Hải Ninh. Trong những lần cùng cha đi trực, cậu bé Thái chứng kiến nhiều ca bệnh nguy kịch. Mọi thứ đều thiếu thốn từ thuốc đến trang thiết bị y tế, đường sá đi lại vô cùng khó khăn nên công tác cứu người càng phức tạp.
"Nếu có bệnh nhân nặng, biển lặng người ta đưa lên thuyền nan, dong buồm ngược biển Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới để đưa người bệnh đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới. Ngày biển động, phải làm cáng, tổ chức đoàn nhiều người thay nhau khiêng bệnh nhân len rừng phi lao, vượt cồn cát, tránh bàu nước. Có những khi mưa lớn, người bệnh đã yếu còn ngấm mưa, người khiêng thì run run bước trên những vùng cát rịn", bác sĩ Thái nhớ lại.
Từ những trải nghiệm đó, cậu học trò Phạm Hồng Thái vững dần ý định theo nghiệp của ba, cứu người. Ngày ấy vùng bãi ngang nghèo chỉ biết dựa vào biển, những cô cậu học trò thường không mặn mà việc học. Không lựa chọn đến lớp mà những đứa trẻ chọn ra biển chờ thuyền của cha, chú về để phụ gỡ cá, chế biến cá mong có bữa no. Gia đình đông con, công việc của cha thu nhập chẳng bao, người mẹ cũng vất vả ruộng nương, bán buôn, 7 người con mới có cái ăn.
"Xã Hải Ninh chỉ có 14 học sinh học lên cấp 2. Nghèo đói nên bạn bè nghỉ học ra biển phụ cha mẹ. Nhà tôi cũng chẳng khấm khá hơn nhưng vì muốn được làm bác sĩ cứu người nên nhiều hôm đến trường chỉ có mỗi thầy và trò trong lớp", bác sĩ Thái nhớ lại.
Rời trường làng, nam sinh Thái gói đống sách vở cùng một ít quần áo sờn màu vượt những triền cát, vượt sông Long Đại rồi ở nhờ nhà dân học cấp 3. Trong đói nghèo, rời xa vòng tay cha mẹ, cậu trò này phải tự thúc đẩy bản thân học tập, sinh hoạt. Tất cả những nỗ lực đó vì mục tiêu lớn của tương lai.
Khi biết người con trai quyết tâm theo học nghề y, ông Phạm Đức Dũng căn dặn con: "Nước nổi lo gì bèo chẳng nổi". "Ý của ông là cứ cố gắng giúp đỡ người dân, dù khó, dù khổ có dân thương mình cũng không đến mức cơ cực. Nghe vậy tôi càng vững chí học tập và thi vào trường y", vị lương y vẫn nhớ những lời của người cha.
Tất cả vì sức khỏe nhân dân
Năm 1988, cậu học trò Thái đậu vào Trường Trung cấp Y Huế và theo học y sĩ đa khoa. Xa quê nghèo, cậu sinh viên bãi ngang nỗ lực tiếp thu kiến thức y khoa để mang về giúp dân quê mình. Năm 1993, y sĩ Thái về công tác tại trạm y tế xã nhà, khi ấy cha của anh cũng nghỉ hưu.
"Thời điểm đó, ở Hải Ninh ngoài các bệnh thông thường, nhiều người bị bệnh chân voi bởi giun chỉ và bọ chét hoành hành. Tôi cùng đồng nghiệp vừa khám chữa bệnh vừa tìm hiểu và tuyên truyền bà con phòng chống các mặt bệnh. Dân trí chưa cao, đời sống khó khăn nên mọi công tác gặp nhiều trở ngại", bác sĩ Thái nhớ lại.
Với mong muốn giúp người dân nhiều hơn nữa, y sĩ Thái tiếp tục học nâng cao năng lực tại Học viện Quân Y. Nhiều năm công tác tại trạm, năm 2007, bác sĩ Thái được điều chuyển thực hiện công tác quản lý tại Phòng Y tế huyện Quảng Ninh.
Năm 2017, bác sĩ Thái chuyển công tác về Khoa Nội - Nhi, Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh. "Bản thân luôn tâm niệm, người bác sĩ ngoài khám, chữa bệnh cứu người cần nâng cao y đức, trau dồi chuyên môn. Ngoài giờ làm ở cơ quan, tôi cũng hay khám bệnh miễn phí cho người dân nghèo. Dù trên cương vị nào cũng là đóng góp cho ngành y cứu chữa, nâng cao sức khỏe nhân dân nhưng tôi vẫn muốn được trực tiếp khám, chữa bệnh hơn", bác sĩ Phạm Hồng Thái, trưởng Khoa Nội - Nhi, Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Oanh (SN 1972, trú tại xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh) là bệnh nhân quen mặt của bác sĩ Thái và đồng nghiệp. Mới đây, bà Oanh xây xẩm rồi ngất xỉu trong nhà vệ sinh, được người nhà đưa vào viện cấp cứu. Hiểu được tiền sử bệnh, các bác sĩ ở Khoa Nội - Nhi nhanh chóng thực hiện các biện pháp cứu chữa người bệnh. Sau hơn 1 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bà Oanh ổn định.
"Tôi nhiều bệnh nên thường xuyên đến viện để thăm khám và điều trị. Ở đây được các y bác sĩ quan tâm, vui vẻ, khiến tôi không có cảm giác khó chịu khi nằm viện. Tôi rất biết ơn bác sĩ Thái và mọi người", bà Oanh chia sẻ.
Trong câu chuyện của mình, bác sĩ Thái luôn tự hào về gia đình của mình. "Vợ là con gái đồng nghiệp của bố tôi. Người cùng xã, biết nhau từ những ngày hai đứa cùng cha đi trực chung. Cô ấy là dược sĩ, từ tình bạn, cùng lớn lên và tìm được tiếng nói chung trong công việc và cuộc sống nên thành nghĩa phu thê", bác sĩ Thái tự hào kể.
Kết tinh của mối tình hạnh phúc đó là 2 người con chăm ngoan. Hiểu được sứ mệnh cao cả của người làm y tế, mong muốn được như cha mẹ, 2 con của bác sĩ Thái cũng tiếp bước nghề nghiệp của bố mẹ. Hiện con gái ông đang là thạc sĩ dược lâm sàng, công tác tại Trường Đại học Duy Tân. Cậu con trai cũng đang theo học bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Duy Tân.
Nói về người đồng nghiệp, bác sĩ Nguyễn Văn Thân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh tự hào: "Bác sĩ Thái là người giỏi chuyên môn, tận tụy trong công việc, hết lòng phục vụ người bệnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được đồng nghiệp và bệnh nhân rất tin yêu".