Không đủ góc nhìn thực tế, học sinh khó đưa ra lựa chọn nghề nghiệp phù hợp nhất
Để công tác hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh THPT đạt hiệu quả cao, cần có nguồn lực đầu tư về tài chính, đội ngũ cho các trường.
Hiện nay, hướng nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện công tác phân luồng học sinh sau trung học phổ thông một cách hiệu quả, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khi tham gia vào thị trường lao động.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, công tác hướng nghiệp hiện nay vẫn còn mang tính hình thức, không sát thực tế. Thực trạng này dẫn đến những hạn chế và ảnh hưởng trong việc đưa ra quyết định lựa chọn ngành, nghề của học sinh trung học phổ thông.
Còn nhiều bất cập trong công tác hướng nghiệp
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhìn nhận, công tác hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông là việc vô cùng cần thiết, để từng bước khắc phục tình trạng “thừa thầy - thiếu thợ” trong xã hội.
Hiện nay, phụ huynh và học sinh đa phần có mong muốn, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, phải vào đại học, ít ai có nguyện vọng sau khi tốt nghiệp đi học nghề và tìm kiếm cơ hội việc làm từ việc học nghề.
Cụ thể, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phân tích: “Mọi người thường coi con đường vào đại học là con đường duy nhất để đảm bảo tương lai mà không xác định được năng lực, lợi thế của học sinh. Trong khi đó, công nhân kỹ thuật, đặc biệt là công nhân kỹ thuật lành nghề chúng ta cũng rất cần nhưng lại khó tuyển.
Do đó, hướng nghiệp cho học sinh phải giải quyết được vấn đề này, nhằm đảm bảo phân bố đồng đều lao động trong xã hội.
Việc hướng nghiệp cần căn cứ vào năng lực, nhu cầu và tình hình thực tế của mỗi học sinh để phân tích, định hướng, giúp các em đưa ra được lựa chọn đúng đắn”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cũng cho rằng: “Hiện nay, tại một số cơ sở giáo dục, công tác hướng nghiệp vẫn mang tính hình thức, thậm chí là phản cảm. Bởi, các thầy cô thực hiện định hướng nghề nghiệp nhưng áp dụng những phương pháp chưa phù hợp khiến phụ huynh, học sinh phản ứng, dẫn đến không những hướng nghiệp không hiệu quả, mà còn gây ra ấn tượng không tốt với giáo dục nghề nghiệp.
Không phụ huynh nào hài lòng khi giáo viên nói rằng “với học lực như vậy, các em nên vào trường nghề”. Nếu tư vấn như thế, vô tình đã mặc định trường nghề chỉ có những học sinh yếu kém mới vào. Vừa “oan uổng” cho trường nghề vừa khiến cho xã hội không có thiện cảm với giáo dục nghề nghiệp. Mục đích của việc định hướng phân luồng là rất tốt, nhưng nếu không có kỹ năng và phương pháp tư vấn, sẽ gây ra tác dụng ngược”.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhận định, mục tiêu hướng nghiệp và định hướng phân luồng hiện nay còn nhiều vấn đề bắt nguồn từ nguyên nhân chính sách, cơ chế phân luồng và cách triển khai chương trình giáo dục phổ thông, thi tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học,...
Theo đó, hiện nay, chính sách đầu tư vào nguồn lực để triển khai công tác hướng nghiệp không đảm bảo về kinh phí và đội ngũ thực hiện.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cũng chia sẻ, trong nhận thức của xã hội hiện nay, vẫn đánh giá cao giáo dục đại học và coi giáo dục nghề nghiệp như một lựa chọn “thấp” hơn. Chính vì quan niệm đó, nhiều gia đình và học sinh đều cố gắng vào các trường trung học phổ thông rồi học lên đại học mà không lựa chọn học nghề sớm ngay từ sau trung học cơ sở.
Khi không đủ góc nhìn thực tế, học sinh khó đưa ra lựa chọn phù hợp nhất
Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cũng đánh giá, các hoạt động hướng nghiệp thường tập trung vào lý thuyết, thông tin chung về các ngành nghề, chưa tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm thực tế và tìm hiểu sâu hơn về các công việc cụ thể.
“Nhiều em học sinh vẫn chưa hình dung rõ ràng về các ngành nghề, chưa xác định được sở thích, năng lực của bản thân, để đưa ra lựa chọn phù hợp. Điều này gây khó khăn cho học sinh trong việc đưa ra quyết định nghề nghiệp đúng đắn, không phù hợp, dẫn đến lãng phí thời gian và nguồn lực” - nữ đại biểu cho biết.
Theo đó, công tác hướng nghiệp chưa thực sự được chú trọng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có thể kể đến như: thiếu đội ngũ chuyên gia tư vấn; chưa có cơ chế chính sách cụ thể để hỗ trợ và phát triển công tác hướng nghiệp; sự phối hợp giữa các nhà trường, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội chưa chặt chẽ,...
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cũng phân tích: “Mỗi học sinh có những năng lực, sở thích và hoàn cảnh khác nhau. Trong khi đó, tài liệu hướng nghiệp thường cung cấp thông tin chung về các ngành nghề, chưa đi sâu vào thực tế công việc.
Việc hướng nghiệp dựa vào thông tin chung chung quá nhiều, khó có thể giúp học sinh khám phá bản thân và tìm ra hướng đi phù hợp. Khi không có đủ thông tin, trải nghiệm, học sinh sẽ dễ đưa ra quyết định chọn ngành nghề chưa thực sự phù hợp với bản thân mình”.
Cùng chung quan điểm đó, bà Tăng Thị Ngọc Mai - Đại biểu Quốc hội khóa XIV (tỉnh Trà Vinh) cũng cho rằng, về công tác hướng nghiệp hiện nay, còn một số cơ sở giáo dục thực hiện chưa tốt, chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tế, bởi nguồn tư liệu, thông tin chưa đủ để cho giáo viên làm tốt công tác hướng nghiệp.
Theo đó, việc thực hiện công tác hướng nghiệp chưa sát với thực tế có thể ảnh hưởng đến quá trình lựa chọn ngành nghề của học sinh. Khi không có đầy đủ các góc nhìn về thực tế ngành nghề, thị trường lao động, học sinh khó có thể đưa ra được lựa chọn phù hợp nhất với năng lực và sở thích của bản thân.
Để nâng cao chất lượng của công tác hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông, bà Tăng Thị Ngọc Mai cho rằng, các lãnh đạo nhà trường cần có sự nhìn nhận, đánh giá và nhận thức đúng đắn về mục tiêu hướng nghiệp. Từ đó, làm sao cho đội ngũ giáo viên thấy rõ được mục tiêu, trách nhiệm và chiến lược của nhà trường, trong đó, phải làm rõ kế hoạch hướng nghiệp của nhà trường.
"Trong thực hiện công tác hướng nghiệp, các nhà trường cần giúp phụ huynh, học sinh hiểu rõ trong tương lai, địa phương cũng như đất nước cần những nguồn lực như thế nào, hướng đến ngành nghề nào, thực tế công việc ra sao... Để qua đây, các em sẽ đưa ra lựa chọn phù hợp với khả năng, sở thích của mình.
Ngoài ra, ngành giáo dục cần có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan để xây dựng chiến lược truyền thông, kế hoạch hướng nghiệp phù hợp với định hướng phát triển của đất nước, địa phương theo từng giai đoạn. Thông qua đó, xây dựng hành lang pháp lý, các văn bản hướng dẫn cụ thể, có vậy, công tác hướng nghiệp mới có thể phát huy được hiệu quả", bà Tăng Thị Ngọc Mai cho hay.
Cần xây dựng đội ngũ giáo viên, chuyên gia hướng nghiệp được đào tạo bài bản
Để công tác hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông thực sự phát huy hiệu quả, Đại biểu Trịnh Tú Anh đề xuất, Nhà nước cần ban hành các quy định chi tiết về công tác hướng nghiệp, từ cấp độ quốc gia đến địa phương, đảm bảo tính thống nhất và khả thi. Ngoài ra, tăng cường đầu tư cho công tác hướng nghiệp, bao gồm: nguồn nhân lực, tài chính và cơ sở vật chất.
Theo nữ đại biểu, cần xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin thị trường lao động, các ngành nghề, các trường đại học, cao đẳng, phục vụ công tác hướng nghiệp.
Về đội ngũ thực hiện công tác hướng nghiệp, nữ đại biểu cũng đề xuất, cần tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu cho giáo viên, cán bộ quản lý và các chuyên gia liên quan. Đồng thời, tạo điều kiện cho đội ngũ tư vấn được tiếp cận với những thông tin mới nhất về thị trường lao động, xu hướng phát triển của các ngành nghề; xây dựng mạng lưới chuyên gia để hỗ trợ các trường học.
“Theo tôi, cần đa dạng hóa các hoạt động hướng nghiệp bằng cách tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế, sử dụng công nghệ thông tin, tổ chức các cuộc thi, hội thảo,... để giúp học sinh hiểu rõ hơn về các ngành nghề.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp giữa nhà trường với doanh nghiệp, phụ huynh và cộng đồng để tạo điều kiện, hỗ trợ học sinh trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp”, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh bày tỏ.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh kiến nghị, cần có chính sách, cơ chế về quản lý nhà nước đối với giáo dục và đào tạo. Ngoài ra, tăng cường giáo dục hướng nghiệp từ sớm, có thể bắt đầu từ cấp trung học cơ sở, tạo điều kiện để học sinh hiểu rõ năng lực, sở thích của bản thân và nhu cầu của thị trường lao động. Điều này giúp học sinh chọn khối học và môn học phù hợp với bản thân khi lên cấp trung học phổ thông.
Bên cạnh đó, cần xây dựng đội ngũ giáo viên và chuyên gia hướng nghiệp được đào tạo bài bản, có kiến thức chuyên sâu về các ngành nghề, xu hướng của thị trường lao động, giúp học sinh hiểu rõ tác động của việc chọn tổ hợp môn học đến lựa chọn tương lai nghề nghiệp.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cũng cho hay: “Cần tăng cường hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp, tạo điều kiện để học sinh tham gia các chương trình thực tập ngắn hạn hoặc làm việc ngoài thực tế. Sự kết nối chặt chẽ sẽ giúp học sinh có góc nhìn cụ thể, thực tế về nghề nghiệp mà các em dự định theo đuổi, đồng thời phát triển kỹ năng thực hành cần thiết cho công việc.
Đặc biệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. Hiện nay, chương trình giáo dục phổ thông định hướng là giáo dục toàn diện và hướng nghiệp, trong khi đó, tuyển sinh đại học lại xét theo tổ hợp, dễ dẫn đến, học sinh sẽ lựa chọn tổ hợp dễ để có cơ hội trúng tuyển cao”.
Để góp phần nâng cao hiệu quả hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng: “ Trong công tác hướng nghiệp cho học sinh, chúng ta cần phải bàn rất nhiều về kỹ năng và phương pháp tư vấn. Nếu đội ngũ tư vấn không có phương pháp, không có kỹ năng, rất dễ gây ra tác dụng ngược.
Ngoài ra, để việc hướng nghiệp được hiệu quả, qua công tác tuyên truyền, cần làm cho phụ huynh, học sinh nhận thức rõ mặt tích cực của giáo dục nghề nghiệp.
Song song với đó, cần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Giáo dục nghề nghiệp phải hướng đến những gì thị trường cần, thậm chí là đón đầu xu thế để có chiến lược đào tạo phù hợp, cung cấp nhân lực cho thị trường lao động.
Thị trường lao động hiện nay thay đổi yêu cầu về nhân lực rất nhanh chóng. Vì vậy, giáo dục nghề nghiệp cũng thường xuyên phải đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo”.
Nữ đại biểu cũng cho rằng, cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho giáo dục nghề nghiệp, đồng thời, kết hợp giữa các cơ sở giáo dục với doanh nghiệp để hỗ trợ lẫn nhau. Cũng qua sự phối hợp chặt chẽ, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ nhận định được nhu cầu về nhân lực của thị trường lao động.