Tội phạm ngày càng trẻ hóa: Tăng nặng hình phạt không thể trị 'căn bệnh' khoe chiến tích

Thống kê về người dưới 18 tuổi phạm tội cho thấy, phần lớn những đứa trẻ phạm tội đều sống trong những gia đình không hạnh phúc, thiếu sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ. Do đó để hạn chế tình trạng trên, trách nhiệm của gia đình và xã hội cần được nâng cao, hơn là việc tăng nặng hình phạt theo luật.

Tâm lý thích thể hiện

Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân mang tính đặc thù riêng dẫn đến tình trạng phạm tội gia tăng của giới trẻ. Trong đó, có yếu tố quan trọng từ gia đình và đặc điểm tâm lý của lứa tuổi.

Cụ thể, Đại úy Trần Thị Ngọc Hà – Phó đội trưởng đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Tp.Tuyên Quang cho biết, qua công tác đấu tranh cho thấy, nhiều trường hợp sau khi thực hiện hành vi phạm tội đều khoe chiến tích trên mạng xã hội.

Đại úy Trần Thị Ngọc Hà.

Đại úy Trần Thị Ngọc Hà.

Với sự lệch lạc trong nhận thức, dẫn đến hành vi a dua, cổ vũ của những đối tượng khác trên mạng sẽ tiếp tục thúc đẩy hành vi phạm tội táo bạo hơn, cũng như lôi kéo thêm nhiều thanh, thiếu niên khác phạm tội trong thời gian tiếp theo.

Phân tích dưới góc độ tâm lý, Th.s Vũ Thu Hà cho biết thêm, ở lứa tuổi chưa thành niên, nhận thức của các em chưa phát triển, trong khi rất muốn thể hiện bản thân, gây sự chú ý và không phân biệt được điều mình làm đúng hay sai.

"Các em chỉ tập trung vào việc thể hiện cảm xúc của mình, thích kết nối với bạn bè. Khi ở với bạn, các em không có nguyên tắc nhưng lại có nhiều sự chia sẻ, cổ vũ nhau cho dù đó là điều sai. Khi các em rủ nhau đua xe, đánh người,… khó để các bạn chỉ cho nhau những hành động đó đúng hay sai, mà do sự kích động về mặt cảm xúc", TS. Hà nói.

Th.s tâm lý Vũ Thu Hà.

Th.s tâm lý Vũ Thu Hà.

TS. Đặng Văn Cường (Giảng viên Khoa Luật hình sự, Trường Đại học Thủy Lợi) cho biết thêm, tâm lý "thích thể hiện" cộng với sự bùng nổ của mạng xã hội cùng những nội dung độc hại thúc đẩy hành vi phạm tội lan rộng trong giới trẻ.

Khi kinh tế thị trường và khoa học công nghệ phát triển, kéo theo sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thì bên cạnh những yếu tố văn hóa tích cực, cũng không ít yếu tố văn hóa tiêu cực du nhập.

Sự bùng nổ thông tin với sự xâm nhập video, phim ảnh có nội dung bạo lực, khiêu dâm, đồi trụy trên mạng internet dẫn đến đạo đức của một bộ phận không nhỏ trẻ em đi xuống, với biểu hiện là đề cao lối sống hưởng thụ, ăn chơi lêu lổng, đua đòi, thích thể hiện mình nên dẫn đến phạm tội nghiêm trọng.

Ngoài ra, TS. Đặng Văn Cường khẳng định, gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng tác động đến hành vi của trẻ. Theo nghiên cứu, thống kê về người dưới 18 tuổi phạm tội cho thấy, phần lớn những đứa trẻ phạm tội đều sống trong những gia đình không có hạnh phúc phải thường xuyên bị đối xử tàn nhẫn, bỏ học sớm, thiếu sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ.

Ngược lại, những đứa trẻ được nuông chiều, đáp ứng đầy đủ điều kiện vật chất nhưng thiếu kiểm soát và giáo dục đúng cách cũng dẫn đến những mắc sai lầm rồi trượt dài trên đó.

Trong những gia đình không có hạnh phúc, cha mẹ thường xuyên cãi vã, đánh đập lẫn nhau khiến những đứa trẻ có những suy nghĩ tiêu cực kéo dài, tác động đến sự phát triển hình thành nhân cách khiến chúng trở nên lầm lì hoặc cục súc.

Đặc biệt, những gia đình mà có cha dượng, mẹ kế, có sự đối xử bất công bằng trong gia đình dễ gây ra những xung đột và nhận thức lệch lạc. Cộng thêm việc bị bạn bè xấu lôi kéo, và ảnh hưởng của hành vi bạo lực qua mạng xã hội,…rất dễ đưa trẻ trở thành người phạm tội.

Đối với những gia đình không tốt, cha mẹ thường xuyên đánh cãi chửi nhau hoặc không có trình độ nhận thức đầy đủ để giáo dục con cái thì khi đó trách nhiệm của chính quyền địa phương, của nhà trường sẽ phải được nâng cao hơn.

Vì sao tăng hình phạt không thể giải quyết?

Theo quy định hiện hành, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc nhất là 12 năm tù. Không áp dụng hình phạt là tù chung thân và tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Do đó, nhiều ít ý kiến cho rằng, nên sửa Luật theo hướng tăng nặng đối với người chưa thành niên, thậm chí áp dụng cả án tử hình với tội đặc biệt nghiêm trọng mới đủ sức răn đe. Từ đó, sẽ giảm thiểu tội phạm lứa tuổi này.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm công tác, đấu tranh phòng chống tội dạng tội phạm trên, Đại úy Trần Thị Ngọc Hà cho hay, hiện chế tài hình sự đối với người dưới 18 tuổi được áp dụng theo hướng khoan hồng, nhân đạo.

Người chưa thành niên phạm tội không áp dụng 2 hình thức cao nhất là tù chung thân và tử hình, chính sách này phù hợp luật pháp quốc tế, tạo điều kiện cho người dưới 18 tuổi sớm có cơ hội sửa chữa lỗi lầm.

Tuy áp dụng nhẹ hơn người thành niên, nhưng chế tài hiện tại cũng đã đủ tạo sức răn đe với người chưa thành niên phạm tội. "Tôi nghĩ rằng việc tăng nặng hình phạt không phải là giải pháp then chốt", Đại úy Hà khẳng định.

Luật sư Phạm Hồng Kiên.

Luật sư Phạm Hồng Kiên.

Là người tham gia nhiều hoạt động tố tụng liên quan đến người chưa thanh niên, luật sư Phạm Hồng Kiên (Giám đốc Công ty Luật Cán Cân Việt) đồng tình với quan điểm trên.

Ông Kiên cho biết, chính sách khoan hồng của pháp luật với mục đích giáo dục cải tạo người chưa thành niên phạm tội trở thành người tốt. Đồng thời, với quan niệm cho rằng trong hành vi vi phạm pháp luật của người chưa thành niên thì có một phần lỗi của gia đình, của nhà trường và xã hội.

Ngoài chính sách khoan hồng, thì bên cạnh đó, người chưa thành niên chưa phát triển đầy đủ về tinh thần, thể chất, nhân cách nên việc áp dụng hình phạt với người chưa thành niên nhằm hướng đến mục đích cải tạo giáo dục để họ có cơ hội sửa chữa phải làm lại cuộc đời.

Các chuyên gia nhấn mạnh, có rất nhiều giải pháp ngăn ngừa, tuy nhiên, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, phát huy vai trò đồng hành của phụ huynh với con trẻ là rất quan trọng.

Đẩy mạnh tuyên truyền và ngăn ngừa từ "trong trứng nước"

Thượng úy Phạm Đức Công (Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Tuyên Quang) cho hay, những năm qua, Ban giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm chưa thành niên.

Thông qua các cơ quan báo chí, tổ dân phố, thôn bản,…lực lượng công an đã truyền tải những kiến thức thực tiễn, dễ hiểu về các biện pháp phòng ngừa, thủ đoạn phạm tội, kỹ năng bảo vệ và chăm sóc trẻ em đến nhiều người.

Công tác tuyên truyền và phòng ngừa tội phạm chưa thành niên được kết hợp chặt chẽ giữa các thành viên trong Ban chỉ đạo 506 của tỉnh gồm: Công an tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ, Sở Tư pháp,...

Thượng úy Phạm Đức Công (Phòng CSHS, Công an tỉnh Tuyên Quang).

Thượng úy Phạm Đức Công (Phòng CSHS, Công an tỉnh Tuyên Quang).

Dưới góc độ của lực lượng trực tiếp tham gia đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, Thượng úy Công cho biết, Phòng CSHS cũng được giao nhiệm vụ chủ động, khoanh vùng, phòng ngừa những đối tượng có dấu hiệu manh nha vi phạm pháp luật.

Theo đó, Phòng CSHS đã chủ trì triển khai nhiều mô hình phòng ngừa tội phạm tại các huyện như: Lâm Bình, Chiêm Hóa, Yên Sơn, Hàm Yên với tên gọi "Phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng".

Hay, mô hình "Phòng ngừa, trợ giúp, cảm hóa người dưới 18 tuổi phạm tội; phòng ngừa trẻ em bị xâm hại tình dục" tại xã Tân Mỹ, huyện Chiêm Hóa cũng đang được triển khai hiệu quả.

Theo đó, hiện xã Tân Mỹ đang quản lý 18 người chưa thành niên trong diện có dấu hiệu vi phạm, 23 trẻ có nguy cơ bị xâm hại. Tiếp đó, định kỳ, lực lượng công an sẽ tổ chức các buổi tuyên truyền với nhóm người này. Nhờ đó giúp ngăn ngừa nhiều trường hợp ngay từ khi còn "trong trứng nước".

Nâng cao vai trò đồng hành của cha mẹ

Dưới góc độ tâm lý, Th.s Vũ Thu Hà cho rằng, cần phát huy tối đa vai trò đồng hành cùng trẻ của bố mẹ.

"Bố mẹ phải hiểu con mình như thế nào về tính cách, chơi với ai, có những nguy cơ gì, học tập như thế nào? Bố mẹ phải nắm được và thường xuyên trao đổi với trẻ, dạy con kỹ năng sống. Nếu không hiểu được con và các mối quan hệ của con thì lúc đó các con đã "trượt" quá xa rồi", bà Hà nhấn mạnh.

Với trẻ ở tuổi mầm non hoặc cấp 1 sẽ cần sự hướng dẫn, chỉ bảo để thực hiện nên cần người lớn đồng hành, giám sát hàng ngày. Tuy nhiên, khi tới tuổi vị thành niên thì sự giám sát là không đủ, trẻ thường muốn tự làm theo ý mình, sự giám sát của người lớn có thể gây phản ứng ngược vì tâm lý trẻ muốn chống đối lại.

"Nếu không hiểu được con và các mối quan hệ của con thì lúc đó các con đã "trượt" quá xa rồi" - Th.s tâm lý Vũ Thu nhấn mạnh tầm quan trọng của về sự đồng hành của phụ huynh với con trẻ.

"Nếu không hiểu được con và các mối quan hệ của con thì lúc đó các con đã "trượt" quá xa rồi" - Th.s tâm lý Vũ Thu nhấn mạnh tầm quan trọng của về sự đồng hành của phụ huynh với con trẻ.

Nhiều khi cha mẹ thấy con chống đối thì để con tự lớn, nhưng thực ra bố mẹ phải định hướng, dạy con kỹ năng sống, cần người chỉ cách bước vào đời, xác định bản thân, xây dựng chiến lược cho bản thân là cần rất nhiều sự hỗ trợ, định hướng của bố mẹ, tương tác với các con để con tương tác lại, học cách giải quyết vấn đề.

Vì mưu sinh, nhiều phụ huynh phải xa nhà, hay quá bận công việc, nhưng cần chú ý quan tâm tới việc giáo dục con, cần gọi điện cho con hằng ngày, hoặc ít nhất vài ngày 1 lần. Có thời gian gọi điện, nói chuyện với con, giám sát để hiểu được cuộc sống của con.

Kỳ vọng vào cơ chế thống nhất

Luật sư Phạm Hồng Kiên cho rằng, trước đây, pháp luật về trẻ em gồm nhiều văn bản quy phạm pháp đã gây mâu thuẫn, chồng chéo, có những quy định còn khó thực hiện, kém hiệu quả.

Luật Tư pháp người chưa thành niên mới được Quốc hội thông qua với mục tiêu hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn; tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm; xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý và cho người chưa thành niên,…

Luật mới được ban hành sẽ có tác động lớn đến việc ngăn chặn và giảm các đối tượng trẻ vị thành niên phạm tội, bởi khi thống nhất tất cả các quy định của người chưa thành niên vào 1 đạo luật sẽ thuận tiện cho việc giáo dục, áp dụng pháp luật.

Đặng Thủy - Ngọc Tân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/toi-pham-ngay-cang-tre-hoa-tang-nang-hinh-phat-khong-the-tri-can-benh-khoe-chien-tich-204241209213239271.htm
Zalo