Tầm quan trọng của các thỏa thuận kinh tế kỹ thuật số ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển

HNN.VN - Ấn phẩm tháng 5 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với tên gọi: 'Vai trò và Tương lai của các Thỏa thuận Kinh tế Kỹ thuật số tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển' được các chuyên gia nhận định là nội dung cung cấp góc nhìn mạnh mẽ vào bối cảnh thương mại và những quy định đang thay đổi của nền kinh tế kỹ thuật số ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Các hiệp định kinh tế kỹ thuật số đang ngày càng phát huy thế mạnh trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Ảnh minh họa: Tạp chí Điện tử Thương hiệu & Công luận

Các hiệp định kinh tế kỹ thuật số đang ngày càng phát huy thế mạnh trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Ảnh minh họa: Tạp chí Điện tử Thương hiệu & Công luận

Dựa trên những hiểu biết sâu sắc từ các tổ chức nghiên cứu uy tín như Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Đại học Yonsei, Đại học Thành phố Hongkong, Đại học Quốc gia Singapore và công ty Honey Consulting, báo cáo được xây dựng dựa trên nỗ lực sâu rộng của ADB nhằm hiểu và hỗ trợ khu vực hội nhập kỹ thuật số.

Ngoài ra, báo cáo cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các hiệp định kinh tế số (DEA) trong việc thúc đẩy thương mại, hiện đại hóa các quy định và thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số trên khắp khu vực, nơi vốn đa dạng về kinh tế và chính sách.

Trong đó, đại dịch COVID-19 đóng vai trò như một chất xúc tác, thúc đẩy các quốc gia tiến vào quá trình số hóa với tốc độ chưa từng có. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là giữa lúc tốc độ áp dụng kỹ thuật số tăng vọt, khoảng cách trong sự chuẩn bị về quy định của các quốc gia lại đang rất lớn.

Vấn đề về bất bình đẳng số

Một lập luận chính của báo cáo đề cập, mức độ hoàn thiện về quy định kỹ thuật số ở châu Á - Thái Bình Dương chưa đồng đều và phân mảnh. Cụ thể, một số quốc như Singapore, Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc có khuôn khổ chính sách kỹ thuật số tiên tiến và mạch lạc. Đồng thời, các nước này cũng là những bên tham gia tích cực vào các cuộc đàm phán thương mại kỹ thuật số quốc tế.

Tuy nhiên, những quốc gia khác, đặc biệt là ở khu vực Nam Á và Quần đảo Thái Bình Dương hoặc thiếu các điều luật cơ bản hoặc hoạt động theo các hệ thống quy định đã lỗi thời.

Báo cáo phân loại các quốc gia này thành 3 loại chính: Các nền kinh tế có khuôn khổ kỹ thuật số toàn diện và cởi mở; Các nền kinh tế có quy định đang phát triển nhưng chưa hoàn thiện và Các nền kinh tế có hệ thống hạn chế hoặc thô sơ, gây ra rào cản đối với thương mại quốc tế.

Sự phân mảnh này không chỉ cản trở khả năng tương tác mà còn ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và các doanh nghiệp siêu nhỏ đang tìm cách mở rộng quy mô kỹ thuật số.

Đằng sau sự chênh lệch này là sự kết hợp phức tạp giữa các ưu tiên kinh tế, năng lực thể chế, chiến lược địa chính trị và quy mô thị trường.

DEPA và sự trỗi dậy của các thỏa thuận thương mại kỹ thuật số

Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số (DEPA), được Singapore, Chile và New Zealand ký kết và sau đó có thêm Hàn Quốc tham gia là nội dung nổi bật trong báo cáo như một người tiên phong trong thiết kế thương mại kỹ thuật số hiện đại. Hiệp định DEPA được ca ngợi vì “vì cấu trúc modular”, cho phép các bên ký kết lựa chọn áp dụng và triển khai các chương dựa trên năng lực trong nước và mục tiêu chính sách của của từng quốc gia. Sự linh hoạt này cho phép các nước đang phát triển tham gia vào quản trị thương mại kỹ thuật số một cách tăng dần, thay vì bị choáng ngợp bởi các nghĩa vụ toàn diện.

So với các hiệp định thương mại truyền thống như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hoặc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), DEPA đại diện cho một thế hệ hiệp định kỹ thuật số mới. Các hiệp định này không chỉ tập trung vào việc tạo thuận lợi cho thương mại mà còn tập trung vào các vấn đề mới nổi, như hòa nhập kỹ thuật số, quy định về công nghệ tài chính, hệ thống nhận dạng kỹ thuật số, an ninh mạng và quản trị trí tuệ nhân tạo. Thông qua DEPA, các quốc gia đã bắt đầu phát triển các kênh thể chế để hợp tác quản lý, trao đổi kỹ thuật và hài hòa hóa các tiêu chuẩn dữ liệu. Báo cáo lưu ý, cách tiếp cận này đặc biệt phù hợp với các lĩnh vực công nghệ thay đổi nhanh, nơi mà sự chắc chắn về mặt pháp lý khó duy trì, nhưng sự hiểu biết lẫn nhau và tính minh bạch là rất quan trọng.

Liên kết còn thiếu: Tiêu chuẩn kỹ thuật số và thanh toán liền mạch

Nội dung về chuẩn hóa được trình bày trong báo cáo được xem như một yêu cầu cơ bản và một thách thức dai dẳng đối với thương mại kỹ thuật số.

Với các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và điện toán lượng tử đang phát triển nhanh chóng, việc thiết lập các định nghĩa và giao thức tương tác chung đang ngày càng trở nên khó khăn. Trong khi một số lĩnh vực nhất định như 5G và chữ ký điện tử đã được tích hợp, các lĩnh vực như AI tạo sinh vẫn thiếu định hướng quản lý rõ ràng. Điều này không chỉ có nguy cơ làm phân mảnh thị trường mà còn làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về sự an toàn của người tiêu dùng và tính toàn vẹn của dữ liệu.

Ngoài ra, thanh toán xuyên biên giới cũng đang trở thành nút thắt quan trọng trong sự phát triển của thương mại kỹ thuật số.

Trước nhiều vấn đề đang tồn tại, báo cáo cảnh báo, việc thực hiện các chuẩn mực toàn cầu này phải đi kèm với nỗ lực xây dựng năng lực và hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển, bằng không họ sẽ bị tụt hậu hoặc bị choáng ngợp bởi các yêu cầu tuân thủ phức tạp và khó có thể phát triển mạnh trong tương lai.

Hạnh Nhi (Lược dịch từ Devdiscourse)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-gioi/tam-quan-trong-cua-cac-thoa-thuan-kinh-te-ky-thuat-so-o-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong-dang-phat-trien-153667.html
Zalo