Tấm lòng cựu y sỹ quân đội
Dù đã gần 70 tuổi và thường xuyên bị hành hạ bởi những cơn đau do di chứng chiến tranh để lại nhưng bất kể khi nào, miễn dân bản, người bệnh cần, ông Lương Trung Điện (y sỹ quân đội đã nghỉ hưu ở bản Nậm Cung, xã Mường So, huyện Phong Thổ) vẫn cố gắng đến sớm nhất để thăm khám, tư vấn miễn phí. Bởi vậy, khi nhắc tới ông, bà con nơi đây đều gọi với biệt danh gần gũi 'người thầy thuốc của dân bản'.
Anh dũng chiến đấu
Sinh năm 1956, tại một vùng quê nghèo ở tỉnh Nghệ An - mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, từ nhỏ Lương Trung Điện đã nuôi dưỡng lý tưởng được cống hiến, phục vụ Tổ quốc. Năm 1974, chàng thanh niên ấy đã xung phong nhập ngũ. Những năm 1975-1976, ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên rồi chiến dịch Hồ Chí Minh.
Năm tháng đã phần nào phủ mờ ký ức, nhiều chi tiết, sự việc xảy ra không còn thật rõ ràng, nhưng tinh thần hào sảng của những ngày tháng ác liệt, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc vẫn luôn hiện hữu trong ông. Hồi ức như sống dậy mãnh liệt, ông Điện kể: Bất cứ ai từng chiến đấu tại những chiến trường trên đều không thể quên, bởi nơi này từng được ví là “túi bom”, “chảo lửa” bởi sự khốc liệt của nó, bom đạn cày xới suốt ngày đêm, thế nhưng mỗi lần nhận lệnh tấn công tôi cùng đồng đội đều anh dũng chiến đấu. Đến năm 1979, tôi từ Nam về Bắc tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc tại Sa Pa (tỉnh Lào Cai). Đến năm 1980, đơn vị cử đi học quân y tại Quân khu 2. Hằng đêm, hình ảnh những chiến sỹ bị thương, những người dân ở các cơ sở nơi mình đóng quân phải oằn mình vì bệnh tật từ hậu quả do chiến tranh để lại đã thôi thúc tôi tích cực học tập, tiếp tục vào chiến trường làm nhiệm vụ.

Cựu chiến binh Lương Trung Điện khám bệnh miễn phí cho người dân.
Sau 1 năm học tập, ông Điện về công tác tại Tiểu đoàn quân y, Sư đoàn 326 huyện Phong Thổ. Thời điểm đó, không chỉ bảo đảm sức khỏe và thực hiện công tác sơ cứu, chữa trị và điều trị bệnh cho bộ đội, cán bộ quân y còn phải sẵn sàng bổ sung quân số chiến đấu cho đơn vị ngay tại mặt trận khi cần thiết.
Trong suốt thời gian công tác, ông Điện không thể nhớ nổi đã cứu chữa cho bao nhiêu thương, bệnh binh, chỉ biết rằng dù làm việc giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, ông và đồng chí, đồng đội đã làm việc hết mình với lòng tin vào chiến thắng, vào ngày độc lập để rồi có khi chính mình bị thương nhưng vẫn ưu tiên cứu chữa cho đồng đội trước. Và điều không mong muốn đã xảy ra, ông bị thương và đến năm 1989, được nghỉ theo chế độ bệnh binh với tỷ lệ thương tật 61%, chất độc da cam 49%.
Thầy thuốc của dân bản
Trong căn nhà gỗ đã cũ, ông Điện dành một góc đặt tủ thuốc, với nhiều loại thuốc chữa bệnh về xương khớp và kê giường khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Cầm cuốn sổ cũ kỹ, có phần nhàu nát, ông Điện chia sẻ: Sau khi nghỉ chế độ, trở về với địa phương, tôi luôn tự nhủ mình đã được đào tạo và có chuyên môn quân y, còn sức khỏe, mình có thể làm nhiều việc có ích ngay tại địa phương. Ở thời điểm đó, giao thông đi lại, cuộc sống khó khăn, có gia đình ăn còn không đủ nói gì tới có tiền đi bệnh viện chữa bệnh. Tôi dành một phần từ lương hưu để mua thuốc; đến các bản trên địa bàn hỏi thăm, tư vấn cho bà con cách phòng trách dịch bệnh; gặp ai ốm đau, trong khả năng, tôi sẽ chữa, tặng thuốc uống miễn phí. Cuốn sổ này gắn bó với tôi từ ngày 7/7/2009 đến giờ, trong đó ghi lại họ tên, tổng số ca bệnh tôi đã điều trị.
Tiếng lành đồn xa, đến nay đã 16 năm ông Điện tư vấn, hỗ trợ điều trị bệnh miễn phí cho hàng nghìn người dân về xương khớp, đau thần kinh tọa. Và, được nhiều người ở các xã, huyện lân cận như: Phìn Hồ (huyện Sìn Hồ), Pa Vệ Sủ (huyện Mường Tè)… biết và tìm đến nhờ ông thăm khám.
Bà Sùng Thị Mủa ở bản Ngài Chồ (xã Phìn Hồ) là một trong những bệnh nhân đã được ông Điện chữa bệnh miễn phí. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, bà lại bị đau thần kinh tọa, đi lại, lao động rất khó khăn. Sau một lần đi làm tại thị trấn Pa So (huyện Phong Thổ), chồng bà được giới thiệu nên đã liên hệ với ông Điện. Thương cảm hoàn cảnh gia đình, cuối năm 2024, ông Điện lên tận nhà và chữa bệnh miễn phí cho bà Mủa và chỉ sau hơn 1 tuần, bệnh của bà thuyên giảm và tới giờ đã khỏi bệnh.
Hay như bà Nguyễn Thị Tuyết ở xã Mường So là một trong những bệnh nhân đã được ông Điện chữa bệnh cho biết: Tôi bị đau lưng ngồi dậy còn khó khăn, không đi lại được. Nhà neo người cũng không thể đi bệnh viện điều trị nội trú, may có ông Điện tới tận nhà tiêm thuốc, điều trị nên có thể đi lại. Ông Điện tốt bụng, nhiệt tình và có tấm lòng cao cả luôn giúp đỡ người dân khó khăn khi ốm đau, bệnh tật.
Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, người dân có điều kiện chăm sóc sức khỏe, y học phát triển hơn nhưng nhiều người vẫn tin tưởng và tìm đến ông để nhờ tư vấn, điều trị bệnh. Và, ông Điện vẫn miễn phí hoàn toàn cho những bệnh nhân khó khăn. Đối với những bệnh nhân khác cũng chỉ tính tiền thuốc ông đã mua.
Dù tuổi cao, lại có bệnh trong người nhưng người lính Cụ Hồ - Lương Trung Điện vẫn ngày ngày lan tỏa tình thương, tấm lòng nhân ái với cộng đồng. Từ năm 2009 đến nay, ông chữa bệnh miễn phí cho hơn 7.500 người bệnh trong và ngoài huyện. Ông được đồng đội, bà con tin yêu và được nhiều cấp, ngành khen thưởng. Điển hình năm 2022, ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu nhân dịp Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7).