Tấm gương vượt khó làm giàu ở Na Bán

Từ một hộ nghèo, gia đình chị Vi Thị Trường (ở xóm Na Bán, xã Phúc Lương, Đại Từ) đã từng bước vươn lên làm chủ mô hình chăn nuôi lợn quy mô lớn. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, chị còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, lan tỏa tình người trong cộng đồng.

Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình chị Vi Thị Trường.

Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình chị Vi Thị Trường.

Năm 2005, gia đình chị Trường thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Lúc bấy giờ, hai vợ chồng vừa mới lấy nhau, tuổi đời còn trẻ, kinh nghiệm chưa có, nên cứ loay hoay mãi không tìm được lối thoát cho sự nghèo khó. Cuộc sống càng trở nên thiếu trước hụt sau khi 2 đứa con lần lượt ra đời, nhiều lúc tưởng chừng như bế tắc. Nhưng chính trong hoàn cảnh khó khăn ấy, vợ chồng chị không cam chịu số phận, mà nuôi ý chí vươn lên, quyết tâm tìm hướng thoát nghèo.

Anh Thắm, chồng chị Trường, khồng nề hà việc gì, ai thuê gì làm đấy từ việc đi lái máy xúc đến xây dựng… nhưng kinh tế vẫn không mấy dư giả. Hai vợ chồng đã bàn và thống nhất chuyển sang đầu tư mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm.

Bước ngoặt lớn đến vào năm 2011, khi gia đình anh chị thoát nghèo. Nhận thấy tiềm năng phát triển lâu dài, năm 2021, gia đình quyết định ký hợp đồng liên kết với một công ty có hệ thống chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm chuyên nghiệp.

Thiếu vốn, anh chị tìm đến các nguồn vay ưu đãi từ ngân hàng để đầu tư chuồng trại; đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi để nắm bắt kiến thức phòng bệnh, vệ sinh chuồng trại, khẩu phần dinh dưỡng cho từng giai đoạn phát triển của lợn.

Hình thức chăn nuôi liên kết "có người bao tiêu sản phẩm đầu ra, có hỗ trợ kỹ thuật đầu vào" giúp anh chị yên tâm sản xuất, giảm thiểu rủi ro về thị trường - điều mà nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ thường lo lắng.

Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ tư vấn thiết kế chuồng trại theo mô hình khép kín, an toàn sinh học, giúp nâng cao năng suất, hạn chế dịch bệnh và không gây ô nhiễm môi trường.

Nhờ chăn nuôi lợn hiệu quả, gia đình chị Vi Thị Trường đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Nhờ chăn nuôi lợn hiệu quả, gia đình chị Vi Thị Trường đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Đàn lợn được nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật: từ chọn giống, chăm sóc, phòng bệnh đến xuất bán. Mỗi đợt xuất chuồng mang về lợi nhuận rõ rệt, tạo nguồn tài chính vững chắc để gia đình tiếp tục mở rộng quy mô.

Từ vài chục con ban đầu, đến nay anh chị Trường Thắm đang duy trì nuôi ổn định hơn 500 con lợn/lứa (một năm có thể nuôi 2-3 lứa), với doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng/năm, trở thành một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu của xã Phúc Lương.

Thành công này không đến từ may mắn, mà là kết quả của một quá trình lao động miệt mài, học hỏi không ngừng và dám nghĩ dám làm. Từ chỗ thiếu ăn, gia đình chị Trường nay không chỉ ổn định cuộc sống, mà còn làm chủ một doanh nghiệp nông nghiệp có liên kết rõ ràng và định hướng phát triển dài hạn. Không dừng lại ở việc làm giàu cho bản thân, gia đình chị còn tạo việc làm cho 2 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định 7 triệu đồng/người/tháng và có nhiều đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Vượt lên hoàn cảnh nghèo khó, gia đình chị Trường luôn mang trong mình sự đồng cảm sâu sắc với những người có hoàn cảnh kém may mắn. Với suy nghĩ “có ít góp ít, có nhiều góp nhiều”, mỗi năm, anh chị đều dành khoảng 50 triệu đồng để hỗ trợ các hoạt động từ thiện, như: ủng hộ Quỹ Khuyến học, Quỹ Vì người nghèo, tặng quà các gia đình chính sách, người cao tuổi… ở địa phương.

Ông Vũ Thanh Hưng, Chủ tịch UBND xã Phúc Lương, cho biết: Gia đình chị Trường không chỉ giỏi làm kinh tế, mà còn sống chan hòa, giàu lòng nhân ái. Họ đã và đang truyền cảm hứng cho nhiều hộ dân trong xã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế.

Câu chuyện của vợ chồng chị Trường không chỉ là minh chứng sinh động cho sự nỗ lực, quyết tâm thoát nghèo bền vững, mà còn là tấm gương sáng về tinh thần tương thân tương ái, điều quý báu cần được lan tỏa nhiều hơn trong cuộc sống hiện nay.

Hải Đăng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202505/tam-guong-vuot-kho-lam-giau-o-na-ban-fd318a4/
Zalo