Tái sinh bánh kẹo, đào quất sau Tết
Tết qua đi, nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng lại trong những hộp bánh kẹo chưa mở, những cây đào, quất bị bỏ lại bên vỉa hè. Thay vì để chúng trở thành rác thải, nhiều cá nhân và tổ chức đã tận dụng để mang lại giá trị mới: bánh kẹo đến tay trẻ em vùng cao, còn đào, quất được trồng lại để làm đẹp đường làng, phố xá.

Việc “tái sinh” cây cảnh sau Tết được người dân nhiều nơi ủng hộ
Những “ngân hàng” bánh kẹo
Trong khi nhiều gia đình phải đau đầu với tủ lạnh đầy ắp bánh kẹo, đồ ăn “ế” sau Tết, một số tổ chức thiện nguyện đã tận dụng chúng để mang lại niềm vui cho trẻ em nghèo. Một trong những sáng kiến tiêu biểu là Tet Donation, một sự kiện thường niên diễn ra sau kì nghỉ Tết Nguyên đán của Biệt đội giải cứu đồ ăn (Hanoi Food Rescue, thành lập từ năm 2012) được nhiều người ủng hộ. Hoạt động chính của Tet Donation là quyên góp bánh kẹo thừa, những thực phẩm đóng gói, quần áo, sách vở... còn nguyên vẹn hình thức và chất lượng sau Tết. Sau khi được kiểm tra kỹ lưỡng, những món đồ ấy sẽ được đóng gói, trao đến tận tay những người có hoàn cảnh khó khăn không chỉ ở Hà Nội mà còn ở cả những vùng sâu, vùng xa.
“Với Tet Donation, chúng tôi mong muốn mang đến một cái Tết muộn cho những mảnh đời khó khăn trên khắp mọi miền Tổ quốc. Hoạt động này không chỉ giúp bánh kẹo thừa đến tay người cần mà còn giảm thiểu lãng phí thực phẩm sau Tết”, Đào Khánh Chi, thành viên của Hanoi Food Rescue chia sẻ.
Tết Giáp Thìn 2024, nhóm đã quyên góp và mang 5 tấn quà đến với trường Mầm non và Tiểu học Pù Bin, Mai Châu (tỉnh Hòa Bình). Năm nay, Tet Donation thông báo nhận quyên góp đến hết 29/2 với nhiều đầu mối nhận đồ được đặt ở hầu hết các quận, huyện nội thành Hà Nội.
Theo TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, chuyên gia ngành quản lý thực phẩm và phát triển bền vững, việc tận dụng bánh kẹo dư thừa sau Tết có thể triển khai theo hướng chuyên nghiệp hơn, thay vì chỉ dừng lại ở những phong trào nhỏ lẻ. “Ở một số nước, các tổ chức từ thiện có hệ thống thu gom và phân phối thực phẩm dư thừa rất hiệu quả tạo ra những hệ thống hỗ trợ cộng đồng đáng học hỏi. Đơn cử như mạng lưới Ngân hàng Thực phẩm Toàn cầu (The Global Food Banking Network - GFN) chuyên hợp tác với các công ty trong chuỗi cung ứng để thu hồi thực phẩm an toàn, lành mạnh mà nếu không sẽ bị loại bỏ. Sau đó, các ngân hàng thực phẩm thành viên của GFN phân phối đến các tổ chức cộng đồng để hỗ trợ những người đang đối mặt với nạn đói. Hoặc tổ chức Le Chainon Manquant tại Pháp, trong khuôn khổ Thế vận hội Olympic Paris 2024, Le Chainon Manquant đã thu thập khoảng 9 tấn thực phẩm chưa sử dụng từ các địa điểm thi đấu bao gồm bánh sandwich, salad và trái cây, góp phần giảm lãng phí và hỗ trợ cộng đồng thiếu thốn.
Chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi mô hình này, thiết lập điểm thu gom cố định để bánh kẹo, thực phẩm đóng gói còn hạn sử dụng được chuyển đến những nơi cần thiết một cách nhanh chóng và hợp vệ sinh”, bà Minh chia sẻ.
Được biết, hiện ở Hà Nội cũng đã xuất hiện một số sáng kiến thú vị liên quan đến việc phân phối thực phẩm, chẳng hạn như các “tủ bánh kẹo cộng đồng” đặt tại khu dân cư, nơi người có nhu cầu có thể đến lấy miễn phí. “Nếu có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, tổ chức thiện nguyện và doanh nghiệp thực phẩm, chúng ta hoàn toàn có thể mở rộng hoạt động này, giúp hàng tấn bánh kẹo sau Tết không bị lãng phí mà đến đúng tay người cần”, bà Minh đề xuất.

Bánh kẹo, sách, đồ chơi… được nhóm Hanoi Food Rescue quyên góp và chuyển tặng cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Hồi sinh đào, quất: Biến rác thải thành mảng xanh
Dư thừa và lãng phí sau Tết là tình trạng chung của nhiều gia đình. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, lượng rác thải sinh hoạt trong những ngày lễ Tết trên địa bàn tăng lên hơn 11.000 tấn/ngày. Không chỉ thực phẩm, mỗi năm hàng trăm nghìn cây đào, quất lại bị vứt bỏ sau ngày Rằm tháng Giêng. Đây không chỉ là sự lãng phí tài nguyên mà còn tạo áp lực lớn lên hệ thống xử lý rác thải. Nhận thấy thực trạng này, nhiều tổ chức và nhóm tình nguyện đã kêu gọi người dân quyên góp cây cảnh không còn sử dụng để trồng lại, góp phần phủ xanh đường làng, ngõ xóm.
Tại xã Chương Dương (Thường Tín, Hà Nội), Đoàn Thanh niên xã đã phát động phong trào thu gom cây cảnh sau Tết để trồng ở các khu vực công cộng như đường làng, sân bóng. Bí thư Đoàn xã Văn Đình Tưởng cho biết: “Sau mỗi dịp Tết, rất nhiều cây thường bị bỏ đi, trong khi đó một số khu vực công cộng trên địa bàn đang thiếu cây xanh. Để không lãng phí cây quất cảnh, cũng như hạn chế ô nhiễm môi trường do việc vứt bỏ cây, Đoàn xã đã có ý tưởng và làm thư kêu gọi người dân quyên góp cây quất để trồng, góp phần tạo cảnh quan, làm xanh thêm những khu đất trống”.
Tại Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội, nhóm tình nguyện “Hồi sinh cây Tết” đã thu gom đào, quất từ các hộ dân để trồng lại trên tuyến đường số 4 dẫn vào chùa Hương. Chị Trịnh Thị Vinh, trưởng nhóm chia sẻ: “Sau mùng 1, mùng 2 Tết, cây đào, quất trở thành rác, bị vứt bỏ khắp nơi. Thay vì để chúng chết dần, chúng tôi xin cây về trồng lại, tiếp tục một vòng đời mới”.
Ngoài các hoạt động tự phát, một số địa phương cũng đã có kế hoạch bài bản để tái sử dụng cây cảnh sau Tết. Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang vận động người dân quyên góp cây đào, quất để trồng lại tại các khu vực công cộng, góp phần tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Ở Đà Nẵng, UBND quận Sơn Trà đã phối hợp với Đoàn Thanh niên phát động chương trình quyên góp quất cảnh, phủ xanh vườn dạo. Lãnh đạo quận Sơn Trà cho biết: “Những cây quất này sau khi hoàn thành nhiệm vụ trang trí Tết, thay vì bị bỏ đi, sẽ được trồng tại các công viên, vườn dạo để mang lại giá trị lâu dài cho cộng đồng”.
Anh Nguyễn Văn Duy, đoàn viên xã Tân Phúc, Nông Cống, Thanh Hóa cho biết: “Từ năm 2020, chúng tôi đã bắt đầu thu gom đào, quất sau Tết để trồng tại các trục đường chính và khuôn viên công cộng. Ban đầu nhiều người nghi ngờ liệu cây có sống lại được hay không, nhưng qua thực tế, rất nhiều cây sau một hai năm chăm sóc đã ra lá xanh tốt, có cây còn nở hoa rực rỡ. Hiện tại, chúng tôi đã có gần 100 cây đào và quất được trồng thành công”.

Rặng đào tái chế của đoàn xã Tân Phúc, Nông Cống, Thanh Hóa sau nhiều năm đều đã sống tốt và ra hoa đều
Xu hướng cần được nhân rộng
Theo một thống kê của Mạng lưới Ngân hàng Thực phẩm Toàn cầu, tại Việt Nam, chỉ số lãng phí thực phẩm đứng thứ hai trong khu vực, với hơn 8 triệu tấn thực phẩm bị lãng phí mỗi năm, gây tổn thất khoảng 3,9 tỷ USD, tương đương 2% GDP.
TS. Nguyễn Thị Thu Hằng (Viện nghiên cứu môi trường và phát triển bền vững) cho rằng việc tái sử dụng đồ sau Tết là xu hướng đáng khuyến khích: “Việc tận dụng thực phẩm, cây cảnh không chỉ giúp tiết kiệm tài nguyên mà còn là cách để mỗi người thể hiện trách nhiệm với môi trường. Nếu các địa phương có chính sách hỗ trợ, phát động phong trào rộng rãi, chắc chắn số lượng đồ bỏ đi sau Tết sẽ giảm đáng kể”.
Ngoài việc “tái chế” cây cảnh, chị Hằng cũng chia sẻ một dự án của nhóm thanh niên ở Cần Giờ nhận được sự ủng hộ rất lớn từ phía người dân. Theo đó, nhóm không xin những cây cảnh to mà chỉ ưu tiên các chậu hoa nhỏ như chậu cúc, đồng tiền, oải hương… Thông thường, người dân mua cây về trưng mấy ngày Tết, vì không biết chăm sóc nên cây chỉ có vòng đời khoảng 7-10 ngày. Chậu cây sau đó sẽ bị vứt thẳng ra xe rác. Nhóm tình nguyện xin về tận dụng vỏ chậu để ươm cây giống, còn đất thì được phơi khô, rắc vôi bột rồi trộn với ít giá thể thành dinh dưỡng nuôi cây. Hoa lá cũng được băm nhỏ để hoai mục bón lót.
“Điểm đặc biệt của sáng kiến này là không chỉ cứu cây mà còn “tái sinh” cả hệ sinh thái trồng trọt. Tôi cho rằng có thể mở rộng hơn bằng cách hợp tác với các vườn ươm hoặc trang trại nông nghiệp đô thị, nơi có thể tiếp nhận đất và giá thể được tái chế, từ đó tạo ra một hệ thống tái sử dụng khép kín. Nếu mô hình này được nhân rộng, đặc biệt ở các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội, nơi lượng hoa trưng bày sau Tết cực kỳ lớn, chắc chắn sẽ giúp giảm đáng kể lượng rác thải hữu cơ ra môi trường”, chị Hằng nói thêm.
Bên cạnh đó, truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi nhận thức cộng đồng. TS. Nguyễn Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Cần có thêm nhiều chiến dịch truyền thông, giáo dục cộng đồng để biến tái sử dụng thành một thói quen, không chỉ trong dịp Tết mà còn trong cuộc sống hằng ngày”.