Khai mạc Lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ

Lễ hội đền Kỳ Cùng và Lễ hội đền Tả Phủ là hai lễ hội tiêu biểu, mang đậm nét văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc xứ Lạng.

Ngày 19/2 (tức 22 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại thành phố Lạng Sơn diễn ra Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ, lễ hội lớn nhất tỉnh được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội đền Kỳ Cùng và Lễ hội đền Tả Phủ - Kỳ Lừa là hai lễ hội tiêu biểu được tổ chức thường niên vào ngày 22 đến ngày 27 tháng Giêng hằng năm.

 Lễ rước từ đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ. Ảnh: TPO

Lễ rước từ đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ. Ảnh: TPO

Hai lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn, thể hiện sự tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của hai vị quan đã góp phần xây dựng và phát triển Lạng Sơn vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế lỷ XVIII là Tả Đô đốc Hán quận công Thân Công Tài (được thờ tại Đền Tả Phủ - Kỳ Lừa) và Quan lớn Tuần Tranh (được thờ tại Đền Kỳ Cùng).

Lễ hội cũng là dịp để người dân thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó, hướng đến những ước nguyện tốt đẹp về một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn phát tài phát lộc, may mắn, nhà nhà hạnh phúc, bình an.

Trong những ngày diễn ra lễ hội, nhiều hoạt động đặc sắc được tổ chức như: nghi thức tế lễ, rước kiệu, cướp đầu pháo, trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ đậm nét văn hóa độc đáo của các dân tộc Xứ Lạng trong những ngày đầu xuân.

Điểm mới của lễ hội năm nay đó là nhân dân và du khách được tham dự hội thi gói bánh chưng và bày mâm ngũ quả, tham quan khu trưng bày các bức tranh đạt giải trong cuộc thi vẽ tranh chủ đề “Mùa xuân và Lễ hội”, gian hàng viết thư pháp...

Trong lễ khai mạc, các đại biểu đã ôn lại lịch sử hai di tích, lễ hội, đồng thời thưởng thức màn múa lân sư rồng đặc sắc, các tiết mục văn nghệ với các làn điệu dân ca như then, sli, lượn, cùng các bài hát, múa ca ngợi cảnh đẹp và con người Xứ Lạng.

 Hoạt động giao lưu hát Then, đàn tính xứ Lạng. Ảnh: TPO

Hoạt động giao lưu hát Then, đàn tính xứ Lạng. Ảnh: TPO

Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ bắt đầu từ câu chuyện truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian: Do nhiều oan khuất nên Quan lớn Tuần Tranh của nhà Trần đã tự gieo mình xuống dòng sông Kỳ Cùng tự vẫn. Sau đó, Tả đô đốc Hán quận công Thân Công Tài được đề cử lên xứ Lạng đã minh oan cho ông Tuần Tranh, người dân cũng từ đó lập ra đền Tả Phủ để thờ cúng.

Cảm kích hành động của ông Thân Công Tài, đều đặn hàng năm, vào dịp 22 tháng Giêng đúng giờ Ngọ, người dân xứ Lạng tổ chức lễ rước bát hương của ông Tuần Tranh từ đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ để tỏ lòng biết ơn. Tên gọi lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ cũng ra đời từ đó.

Khánh Ngọc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khai-mac-le-hoi-ky-cung--ta-phu-post335206.html
Zalo